Bà Nguyễn Nga, kiến trúc sư quy hoạch đô thị Paris, nhận xét như vậy trước đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về về 3 phương án xây mới, bảo tồn cầu Long Biên (Hà Nội). Bà Nga cũng chính là người từng hai lần tổ chức Festival cầu Long Biên và từ đề xuất Dự án “Bảo tồn, cải tạo, phát triển cầu Long Biên và khu vực liên quan, trung tâm thủ đô Hà Nội" từ năm 2008.
- Những phương án được đưa ra sẽ ảnh hưởng thế nào đối với mục đích bảo tồn cầu Long Biên?
-Phương án tháo dỡ cầu Long Biên đã được Bộ GTVT đề xuất từ cách đây nhiều năm, nay Bộ GTVT đề xuất lại phương án tháo dỡ 9 nhịp cầu nguyên thủy, di dời xuống bãi giữa sông Hồng. Như thế có còn gọi là để “bảo tồn”?
Bảo tồn 9 nhịp cầu phải ở nguyên trên cầu, không thể di dời xuống bãi giữa. Bảo tồn không có nghĩa là xây mới, nhái lại hình dáng cũ và bảo tồn cũng không có nghĩa là chắp vá hình dáng và công năng, nửa cũ nửa mới.
Chính phủ Pháp đã đề xuất tài trợ 60 triệu Euro để cải tạo nguyên trạng cây cầu Long Biên thành di tích văn hóa - lịch sử của Hà Nội từ 10 năm nay nhưng Bộ GTVT chỉ muốn sử dụng cầu Long Biên như một cây cầu giao thông thuần túy. Cũng có ý kiến cho rằng 60 triệu Euro (tương đương 1.800 tỷ đồng) là không đủ để cải tạo vì thế phía Việt Nam đã bỏ qua đề xuất của Chính phủ Pháp.
Theo phương án bảo tồn cầu Long Biên của TKS Nguyễn Nga, sẽ có Bảo tàng Ký ức trên cầu Long Biên. |
- Phương án nào tốt nhất cho việc bảo tồn cầu Long Biên để vẫn giữ được tính di sản, tính biểu tượng đồng thời đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội?
- Phương án bảo tồn, tôn tạo và phát triển cây cầu lịch sử này, theo đúng cách làm của thế giới và cũng là phương án tôi đề xuất qua 3 cuộc hội thảo, đã nhận được sự đồng thuận lớn từ các chuyên gia đầu ngành cũng như ý kiến của nhân dân.
Theo đó các di tích lịch sử cần phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, khai thác và phát triển; các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh nhằm phục vụ đắc lực đời sống tinh thần cho người dân là nhiệm vụ then chốt hàng đầu.
Quan điểm bảo tồn, bảo vệ và giữ gìn là: Giữ nguyên vẹn các yếu tố kiến trúc còn lại của cầu (các nhịp, dầm thép, mố cầu) nhằm giữ lại một phần ký ức lịch sử đã qua.
Quan điểm cải tạo (tôn tạo): Dựng lại những nhịp cầu đã mất nhằm thiết lập lại hình dáng ban đầu của cầu. Nâng cầu lên 3m và mở rộng 15m hai bên thành cầu để tăng hiệu quả sử dụng.
Quan điểm khai thác: Khai thác yếu tố du lịch và cải thiện môi trường dân sinh; xây dựng cây cầu trở thành bảo tàng lịch sử cận đại, khu vườn treo và phố nghề nghệ thuật.
Quan điểm phát triển: Phát triển cây cầu trở thành một trục văn hóa lịch sử, trở thành một điểm nhấn trong cấu trúc không gian đô thị và là một công trình mang tính biểu tượng của thủ đô.
Vì thế, chúng ta nên giữ nguyên 9 nhịp cầu nguyên thủy và cải tạo theo phương pháp cũ: đinh tán ri-vê để triển lãm 2 đầu tàu hơi nước anh hùng; những toa xe tàu cũ thành các quán café và nhà hàng được đặt trên một nền kính trong veo để thấy được tất cả mố trụ cầu cũ, đường ray xe lửa cũ cũng như sông Hồng chảy bên dưới.
Cùng đó, đúc mới 10 nhịp cầu đã bị phá bởi chiến tranh để hoàn chỉnh cây cầu về thiết kế nguyên bản năm 1902. Trên 10 nhịp cầu mới sẽ tổ chức 1 cuộc thi Quốc tế về ý tưởng kiến trúc để thực hiện một Bảo tàng Ký ức Cầu Long Biên là Ký ức của cả thế kỷ. Bảo tàng này đề xuất được thực hiện bằng kính dựa trên khung thép của cầu Long Biên nguyên thủy và dùng năng lượng xanh từ mặt trời, từ gió và nước.
Cầu Long Biên trong tương lai theo đề xuất của bà Nga. |
- Dự án Bảo tàng này có kinh phí ước tính là bao nhiêu, thưa bà?
- Để hiện thực hóa dự án này, kinh phí sẽ không quá 2.500 tỷ đồng và đang được triển khai để sử dụng nguồn vốn ODA Chính phủ Pháp hoặc từ Tổ hợp Đầu tư Pháp - Việt, hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện tối đa là 3 năm và có thể bắt đầu cải tạo ngay cả khi tàu hỏa và xe máy chưa được chuyển sang cầu khác.
Dự án Bảo tàng Ký ức cầu Long Biên sẽ là điểm đến của du lịch. Dự án sẽ tạo ra hàng trăm gói dịch vụ và hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân thủ đô Hà Nội và mang hình ảnh Việt Nam - một dân tộc anh hùng ra hội nhập với thế giới.
Cầu Long Biên đã xuống cấp trầm trọng ở mức báo động từ sau năm 2010, có nguy cơ sập xuống bất cứ lúc nào. Việc cải tạo là đương nhiên và cấp bách.
Kinh phí cũng như công nghệ đã sẵn sàng để tránh sự sụp đổ gây tai nạn lớn trên sông Hồng.
Trước đó, Bộ GTVT đưa ra 3 phương án vị trí cầu vượt sông Hồng thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn I.
Theo đó, phương án 1 là di dời 9 nhịp đầu cầu Hà Nội về phía thượng lưu cách tim cầu cũ 85m để bảo tồn. Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại.
Phương án 2: Dỡ cầu Long Biên cũ và xây cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại với kết cấu nhịp dàn thép và hình dáng tương tự với thiết kế ban đầu của cầu Long Biên. Tức là cầu cũ sẽ được bảo tồn sống theo quan điểm bảo tồn và phát triển.
Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.