Ba ngày qua, hàng chục ngàn công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã liên tục tuần hành phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi biểu tình trong ôn hòa, hàng trăm công nhân quá khích đã bị kích động, lao vào đốt phá các công ty, xí nghiệp có vốn của Trung Quốc, Đài Loan… Hậu quả, nhiều doanh nghiệp bị đập phá tan hoang, đốt cháy, thiệt hại nhiều tỷ đồng và phải ngưng hoạt động.
Nhóm anh Phong kiên trì đứng giữa trời nắng cầm băng-rôn kêu gọi công nhân bình tĩnh. |
Ngày 14/5, dù trời nắng gắt, anh Phong (công nhân quê Thanh Hóa) vẫn cùng nhóm bạn đồng hương cầm băng-rôn “Biểu tình đúng cách - Không đập phá tài sản - Không lấy cắp tài sản” đứng ở ngã tư đường trong KCN Sóng Thần để cảnh báo với hy vọng những người đọc được không mắc mưu bọn kích động.
Anh chia sẻ, lúc đầu thấy mọi người đi tuần hành phản đối Trung Quốc ôn hòa, trật tự nên đã nhiệt tình tham gia. Trưa 13/5, thấy nhiều người hung hăng đòi đập phá, anh cùng các đồng nghiệp về phòng trọ, không tham gia nữa.
"Nhưng trên đường về, tôi thấy công ty mình làm việc đã bị đập phá, doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động. Suy nghĩ mãi, tôi đã cùng các đồng nghiệp làm băng-rôn này để tuyên truyền cho mọi người”, anh nói thêm.
Nhiều bạn trẻ tự thiết kế băng-rôn, khẩu hiệu để kêu gọi công nhân không thực hiện hành vi phạm pháp. |
Còn chị Nguyễn Thị Phấn (22 tuổi, quê Hà Tĩnh) - công nhân tại KCN Sóng Thần - lo lắng: “Công ty bị đốt và ngưng hoạt động, không biết đến bao giờ mới mở cửa trở lại. Tuần hành tỏ lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc thì tôi nhiệt tình ủng hộ và đã tham gia, nhưng đốt phá công ty như trên chẳng khác nào tự đập chén cơm của mình”.
Hoàn cảnh gia đình ở quê khá khó khăn, chị Phấn vào Bình Dương làm công nhân đã được 5 năm. Ngoài việc trang trải cuộc sống, chị còn gửi tiền về quê phụ giúp cha mẹ nuôi 2 đứa em đang tuổi ăn học. “Giờ công việc không có, công ty không biết đóng cửa đến bao giờ nên tôi chẳng biết tính sao nữa. Ngồi không ăn núi cũng lở mà”, chị buồn bã nói.
Cùng chung tâm trạng, nhiều công nhân ở KCN Sóng Thần đang đứng ngồi không yên vì công ty bị đốt phá, ngưng hoạt động sau một loạt hành động quá khích suốt những ngày qua.
Chiều 14/5, nhiều tuyến đường từ ĐT 743 cho đến quốc lộ 13, rất đông công nhân xách hành lý đón xe về quê. Một công nhân chia sẻ: “Giờ không có việc làm, công ty không hoạt động thì ở lại chỉ thêm tốn tiền. Tụi em đón xe về quê kiếm việc làm phụ giúp gia đình, khi nào tình hình bình thường sẽ trở lại tìm việc chứ ngồi chờ đợi mệt mỏi lắm".
Một nhóm công nhân dùng sơn viết biểu ngữ kêu gọi bảo vệ công ăn việc làm, tránh mắc ưu kẻ xấu. |
Công nhân kêu gọi "biểu tình ôn hòa" bị đe dọa
Trong lúc trò chuyện với phóng viên, anh Phong và các đồng nghiệp bị 2 đối tượng xăm trổ đi xe máy Exciter áp sát hỏi: “Tụi mày rảnh lắm hả, được nghỉ làm thì về ngủ cho khỏe đi, đứng đây làm việc tào lao thì ai nuôi cơm tụi bây, kêu gọi làm gì?”. Khi thấy bị chụp ảnh, 2 người này liền rồ ga phóng đi.
Anh Phong chia sẻ, từ sáng tới chiều có nhiều người vẻ mặt hung hăng đến mắng chửi anh và nhóm bạn, nhưng mọi người không hề lo lắng vì nghĩ mình đang làm việc đúng, được người dân xung quanh đồng tình.
Nhiều công nhân khác cũng làm tờ rơi kêu gọi mọi người bình tĩnh, không tham gia đập phá công ty để tránh mắc mưu, gây mất an ninh trật tự và vi phạm pháp luật. Hàng trăm tờ rơi khổ A4 được phát cho mọi người trong khu công nghiệp.
Các tờ rơi có nội dung: “Chúng ta phải đấu tranh vì biển đảo và chủ quyền của đất nước. Đừng nóng nảy và mắc bẫy của kẻ kích động"; "Sức mạnh lớn nhất của chúng ta là đoàn kết dân tộc. Anh em công nhân phải bình tĩnh, kiềm chế, sáng suốt, không kích động, không đốt phá, không lấy tài sản"; "Phải yêu nước một cách bình tĩnh, tỉnh táo để thế giới nhìn vào người Việt Nam với con mắt tôn trọng. Hãy tìm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế bằng hành động văn minh và thái độ thân thiện".