Câu chuyện về “cái lò xo” bắt đầu khi một doanh nghiệp Việt nhập khẩu lò xo chuyên dụng từ Nhật, nhưng trên sản phẩm lại để xuất xứ Việt Nam. Sự hiếu kỳ đã đưa doanh nghiệp Việt này tìm và gặp công ty của ông Yasuhiko Hirano.
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Jyohoku Spring Sài Gòn của ông Yasuhiko chuyên sản xuất các loại lò xo bằng kim loại có độ chính xác cao. Đây là sản phẩm của ngành công nghiệp hỗ trợ cho các thiết bị máy móc y học, thiết bị camera kỹ thuật số, sợi quang, bảng điều phối điện cao áp, máy móc nông nghiệp… Khi bắt đầu thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam, ông Yasuhiko đã chọn loại hình doanh nghiệp chế xuất, xuất khẩu 100% ra thị trường nước ngoài.
Theo tư vấn, doanh nghiệp chế xuất sẽ chỉ phải chịu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 15% so với mức 22% áp dụng cho các doanh nghiệp tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng nhận được ưu đãi, khi không phải đóng bất kỳ một khoản VAT nào.
Tuy nhiên, gặp nhau rồi nhưng 2 doanh nghiệp trên vẫn chưa thoát khỏi cái vòng xoay tròn xuất rồi nhập của “cái lò xo”. Hiện tại, doanh nghiệp của ông Yasuhiko vẫn là công ty chế xuất, không thể bán hàng trực tiếp cho một doanh nghiệp nội địa mà phải qua thủ tục “thông quan”, bởi cách nhau cái “hàng rào chế xuất”. Ông Yasuhiko đang tiến hành thủ tục để chuyển doanh nghiệp sang hình thức tiêu thụ nội địa, chấp nhận bỏ qua những ưu đãi về mặt thuế suất.
Qua câu chuyện “cái lò xo”, hiện trạng của công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, liên quan đến “ưu đãi” và thiếu một định hướng bởi một chính sách tổng thể.
Từ cái yếu…
Đánh giá về thực trạng công nghiệp hỗ trợ trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, tỷ lệ nội địa hóa ở từng lĩnh vực là khác nhau. Với ngành ôtô xe khách, tỷ lệ nội địa hóa cũng chỉ dừng lại ở khoảng 40%, trong khi đó ôtô con tỉ lệ nội đại hóa còn thấp.
Mới đây, Hội nghị Xúc tiến Ngành da giày cũng đã đưa ra con số thống kê. Tuy đứng thứ tư về xuất khẩu da giày, nhưng 90% sản phẩm là hàng gia công và 70% doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào thiết bị, kỹ thuật, thiết kế của nước ngoài. Công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày gần như không có.
Chia sẻ về nguyên nhân thất bại khi đầu tư mảng phụ trợ cho ngành da giày, bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc công ty Liên Phát, cho biết: “Doanh nghiệp mua các mặt hàng phụ trợ trong nước chịu thuế 10% VAT, trong khi đó, nhập khẩu thì thuế suất 0%”.
Hiển nhiên, doanh nghiệp sẽ chọn con đường nhập khẩu để được hưởng lợi thuế. Chưa tính đến những yếu tố khác, nhưng doanh nghiệp đầu tư công nghiệp hỗ trợ đã chết ngay trên sân nhà về mặt đầu ra. Mặt khác, cơ cấu sản xuất của ngành da giày dệt may của Việt Nam chủ yếu là gia công, việc thu mua nguyên liệu và chỉ định sử dụng nguyên liệu nào là của đối tác nước ngoài; do đó, doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia chuỗi cung ứng này.
Đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may - da giày có tới 80 - 85% tỷ lệ nguyên phụ liệu phải nhập khẩu, bao gồm: vải, da, chỉ khâu cao cấp, nút áo, khóa kim loại... Mặc dù yêu cầu về kỹ thuật không cao, nhưng các sản phẩm hỗ trợ của nước ta nhìn chung còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, giá lại cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu.
Trong khi đó, các sản phẩm hỗ trợ của Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia,... đặc biệt là của Trung Quốc, tuy chất lượng không cao hơn sản phẩm cùng loại của Việt Nam, nhưng hàng của họ lại có những lợi thế về giá, chủng loại, mẫu mã đa dạng.
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt hầu như “trắng” thị trường. |
Thêm vào đó, các quốc gia này còn có rất nhiều chính sách ưu ái với những khách hàng mới, khách hàng lớn, nhất là chính sách ưu đãi về giá, cho thanh toán chậm và có phong cách phục vụ tận tình nên được nhiều doanh nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực dệt may, giày da chấp nhận.
Không chỉ riêng ngành da giày, mà ngành công nghiệp hỗ trợ Việt hầu như “trắng” thị trường. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt các sản phẩm công nghệ cao phục vụ cho ngành cơ khí, điện tử, tin học... được nhập khẩu 100% từ các thị trường như Nhật, Hàn Quốc... với giá thành cao. Bất lợi về nguồn nguyên vật liệu này làm cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế gặp rất nhiều khó khăn.
... đến cái thiếu
Theo khảo sát của công ty Reed Tradex (Thái Lan), ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện có nhiều điều kiện để phát triển, khi các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài đã thiết lập nhiều nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam. Tuy nhiên, bài toán về nguồn nhân lực luôn làm chùn bước nhà đầu tư.
Nhân lực phục vụ công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, nguồn nhân lực giá rẻ không còn là một lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút FDI của Việt Nam, khi các thỏa thuận về miễn giảm thuế nhập khẩu chính thức được thực hiện.
Vấn đề cần phải quan tâm là làm thế nào để sản xuất được các mặt hàng vừa có chất lượng tốt, vừa có giá thành rẻ. Bởi thiếu 1 trong 2 yếu tố trên thì về lâu dài đều rất khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu. Vì thế, điều cốt yếu hiện nay là cần phải đào tạo được nguồn nhân lực có khả năng quản lý, khả năng ứng dụng và có tính sáng tạo để sản xuất ra được những sản phẩm có sức cạnh tranh cao.
Ông Lê Long Sơn, Giám đốc công ty Esuhai, công ty chuyên về đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật trong và ngoài nước cho rằng, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải đi đôi với sự chuyển dịch cơ cấu nguồn lao động.
Tuy nhiên, ở Việt Nam đang có sự chuyển dịch không đồng đều giữa cơ cấu kinh tế và cơ cấu nguồn nhân lực. Ví dụ, ngành hóa chất - cao su nhựa, vốn là ngành công nghiệp hỗ trợ và là 1 trong 6 lĩnh vực công nghiệp trọng điểm mà TP.HCM đang thực hiện, nhưng cơ cấu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này không có sự dịch chuyển tương ứng. Từ khi thực hiện chương trình đòn bẩy đến nay, số lượng sinh viên theo học ngành này lại giảm từ 5-10%.
Và cần quyết sách
Theo phân tích của ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc Điều hành Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (JETRO) tại TP.HCM, nguyên nhân ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển là do chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể, vốn đầu tư chưa đến được với doanh nghiệp do lãi suất còn cao. Đối với các doanh nghiệp sản xuất thì lãi suất từ 8 đến 15%/năm là quá cao.
Đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ có mức đánh giá tín nhiệm tín dụng thấp, thì việc tiếp cận vốn càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, do chưa có đủ nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cả về chất và lượng, nên trình độ kỹ thuật của doanh nghiệp không được nâng cao, khó thực hiện chuyển giao kỹ thuật. Công tác đào tạo cho lãnh đạo doanh nghiệp còn hạn chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ còn xa rời thực tế…
Do vậy, theo ông Hirotaka, để phát triển công nghiệp hỗ trợ về chính sách cần có chế độ vay lãi suất thấp từ 1 đến 3% nhằm thúc đẩy đầu tư. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ nguồn nhân lực để chuyển giao kỹ thuật. Chính sách công nghiệp cần có tính chiến lược và có biện pháp ưu đãi thuế để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường liên kết với các thị trường lớn. “Để phát triển được công nghiệp hỗ trợ Chính phủ phải hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa, thúc đẩy chuyển giao kỹ thuật. Nếu chỉ thu hút các doanh nghiệp FDI vào công nghiệp hỗ trợ thì không thể kỳ vọng nhiều vào việc chuyển giao kỹ thuật hoặc công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển”, ông Hirotaka nói.
Về cơ sở hạ tầng cho công nghiệp hỗ trợ, ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương, cho biết dự kiến sẽ xây dựng một số trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ vùng tại các vùng kinh tế trọng điểm để hỗ trợ các doanh nghiệp về công nghệ, thiết kế và sản xuất thử nghiệm sản phẩm. Đồng thời, kiến nghị thành lập quỹ đầu tư để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ về hạ tầng.