Tại chương trình Diễn đàn Công nghệ mở lần thứ 1 năm 2020, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công nghệ mở là yếu tố quan trọng giúp giảm giá thành, để mọi người có thể tiếp cận.
“Công nghệ thông tin, công nghệ số đã, đang và sẽ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, và sẽ trở thành không khí thở của chúng ta. Vì thế, nó phải rẻ như không khí. Cách để đạt được điều đó là công nghệ mở.
Công nghệ mở không chỉ là mã nguồn mở, mà còn là kiến trúc mở và chuẩn mở. Đi cùng công nghệ mở là văn hóa mở. Tất cả chúng ta sẽ cùng đóng góp, phát triển công nghệ, cùng chia sẻ, sử dụng công nghệ. Vì thế, giá công nghệ sẽ rẻ đi”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói tại sự kiện.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Công nghệ mở. Ảnh: Tuấn Anh. |
Một trong những ví dụ về hợp tác, tận dụng công nghệ mở giúp các doanh nghiệp đi nhanh hơn là 5G. Bộ trưởng Hùng tiết lộ sự hợp tác giữa Viettel và VinGroup với chuẩn mở OpenRAN 5G đã đẩy nhanh tiến độ làm chủ thiết bị, cũng như tận dụng sức mạnh công nghệ của 2 công ty.
"Nghiên cứu sản xuất thiết bị dựa trên công nghệ mở sẽ cho các doanh nghiệp công nghệ hợp tác, kết hợp sức mạnh của nhau để đi nhanh hơn, chuyên sâu hơn về công nghệ.
Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G. Mặc dù xuất phát của chúng ta thấp, rất ít người, cả trong nước và nước ngoài, tin rằng chúng ta có thể làm được", ông Hùng cho biết.
Phần mềm mã nguồn mở đã phát triển hơn 30 năm qua, và giờ đây khái niệm công nghệ mở còn mở rộng ra dữ liệu mở, nền tảng mở. Cho rằng công nghệ mở là cách “đứng trên vai người khác”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định việc tận dụng công nghệ mở giúp chúng ta tạo ra một mặt bằng cao hơn.
“Với một nước đi sau như Việt Nam chúng ta mà muốn đi trước, thì phải đứng trên vai những người khác. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta.
Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại, nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Việt Nam đang nằm trong nhóm 20 nước ngoài Mỹ đóng góp nhiều nhất về phần mềm mã nguồn mở trên Github. Tuy nhiên, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa Bộ TT&TT Nguyễn Trọng Đường cho rằng tốc độ tăng trưởng về số người đóng góp, số dự án mã nguồn mở của Việt Nam vẫn chưa so sánh được với nhiều quốc gia khác.
Ông Đường cũng chia sẻ những phương án để thúc đẩy văn hóa mở Việt Nam, phát triển cộng đồng công nghệ mở và xây dựng dữ liệu mở.
Tại sự kiện, đại diện của nhiều doanh nghiệp, tổ chức cũng chia sẻ các kinh nghiệm, dự án về công nghệ mở. Bkav giới thiệu về nền tảng core AI ứng dụng cho camera giám sát, trong khi đó đại diện của Dự án GnobeB giải thích lý do Viettel lựa chọn công nghệ OpenRAN trong phát triển 5G.
Thông qua Diễn đàn Công nghệ mở, nhiều bài toán thúc đẩy chuyển đổi số được các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đưa ra, thảo luận cùng nhau thống nhất chương trình hành động cho năm tới. Đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT đã tuyên bố Chương trình hành động năm 2021 của Diễn đàn Công nghệ mở Việt Nam.