Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cộng hưởng tích cực

"Synergy" là “năng lực cộng hưởng”, năng lực tạo ra do làm việc hòa hợp với nhau. "Synergy" có gốc chữ Hy Lạp là “làm việc với nhau”.

Năng lực cộng hưởng nói đến một hiện tượng quan trọng: Năng lực tạo ra do một nhóm người làm việc chung với nhau thì cao hơn là tổng số năng lực của tất cả các cá nhân trong nhóm cộng lại. […]

Trong quản lý, chúng ta có thể hiểu "synergy" rất dễ. Nếu một đội bóng thân thiết nhau, mọi người ai cũng làm đúng phận sự mình, chia sẻ với đồng đội, hiểu ý nhau rất nhanh, không ghen tị nhau, cùng một lòng quyết thắng, đội bóng đó có "synergy" rất cao và rất hay thắng.

Tuy nhiên, nếu đội bóng hay cải vã nhau, ganh tị nhau, một người nói 10 thì người các người kia hiểu được có 5, đội bóng như vậy thiếu "synergy" và sẽ khó thắng. Tạo ra được "synergy" hay không, phần lớn là do người lãnh đạo. […]

Đó là quản lý, khó nhưng vẫn còn dễ, bởi vì người lãnh đạo có một đội và kỹ luật của đội để làm việc. Cái khó là trong những sinh hoạt xã hội, khi chúng ta ai cũng là người dân nhưng lại quan tâm đến việc thành phố, việc quốc gia (Nói chung là làm lính nhưng hay quan tâm đến việc quan ), làm thế nào để chúng ta có thể tạo ra "synergy" cho việc gì?

Nếu quan sát các phong trào xã hội, ta thấy tiến trình phát triển của "synergy" xảy ra thế này. Hãy dùng việc vệ sinh thành phố làm ví dụ.

1. Một người dân viết bài trên Internet nói về vệ sinh thành phố - ngưng xả rác, thêm thùng rác, giáo dục làm đẹp thành phố, đầu tư làm đẹp thành phố…

2. Vài người dân khác đồng ý và viết bài tương tự, thế là ta bắt đầu có "synergy". Càng nhiều người nói, “đúng rồi, các bạn nói phải lắm” là ta càng có nhiều "synergy". Một lúc nào đó, khi có nhiều người lên tiếng, "synergy" có thể mạnh đến nỗi ta cảm như có thể sờ nó được trên không.

3. Một người dân nào đó quyết định đi một bước xa hơn, làm điều gì đó ngay trên đường phố - ví dụ, tổ chức với các doanh nghiệp địa phương đặt một dãy thùng rác đẹp mắt ngay trên một khúc phố. Ta sẽ thấy "synergy" tăng lên rất cao.

4. Tại các địa phương khác, nhiều nhóm người dân, theo gương, cũng lập ra những dự án làm sạch và đẹp đường phố. Bây giờ, ta đã có một phong trào, và "synergy" cứ tuôn lên ngùn ngụt.

Các phong trào cách mạng xã hội từ cổ chí kim phát triển theo mô hình này, ít có ngoại lệ, bởi vì tất cả đều được chi phối bởi một quy luật tự nhiên: Một năng lực tích cực từ một người có khả năng kích động năng lực tích cực từ một người khác.

Và năng lực tích cực của từ hai người trở lên có tác động cộng hưởng và thành mạnh hơn rất nhiều và sẽ kích thích nhiều năng lực tích cực từ nhiều người khác.

Rồi lại tăng cộng hưởng, tăng kích động, tăng tham gia, rồi tăng cộng hưởng, tăng kích động, tăng tham gia… cứ vậy mà phát triển như là quả cầu tuyết bằng nắm tay lăn từ trên núi xuống, càng lăn thì càng dính tuyết, càng lớn, lại càng lăn mạnh hơn, dính nhiều tuyết hơn, lớn hơn, lăn mạnh hơn… đến lúc lớn như trái núi lăn.

Năng lực đó thật là kinh khủng, phải không các bạn? Nhưng mình sẽ nói cho các bạn nghe một bí mật ngọt ngào khác.

Cho đến lúc này, có thể là một số bạn đọc bài này như đọc tiểu thuyết nói đến những phong trào cách mạng xã hội của những huyền thoại nào đó, chẳng ăn nhập gì đến “con người nhỏ nhoi tầm thường của mình.”

À, bạn đừng đo lường mình quá thấp như thế. Năng lực tích cực của bạn có sức mạnh không thấp hơn năng lực của người mạnh nhất trên thế giới như là Gandhi and Abraham Lincohn là bao nhiêu đâu.

Nếu bạn cử tạ được bao nhiêu kg, các vị thánh nhân số một thế giới, cho là tập tạ cả đời, thì cũng chỉ có thể cử tạ bằng 3, bằng 4, hay cùng lắm là bằng 5 bạn. Không thể hơn thế được. Thế thì không lý do gì mà ta có thể nói năng lực tinh thần của các vị ấy khá hơn năng lực của ta quá 5 lần, dù là các vị ấy có thiền định hay tu cách nào cả đời.

Có khác chăng là các vị ấy sử dụng tất cả năng lượng tích cực của mình vào việc tích cực để đẻ ra nhiều thành quả tích cực, còn chúng ta thì không tập trung năng lực như thế mà thôi.

Có một câu nói mà hồi nhỏ mình cứ nghĩ đó là câu nói thần thoại, cho đến những năm sau này mình mới trải nghiệm và hiểu nó sâu xa. Đó là, “Một tiếng gảy móng tay có thể rung động đến vô lượng thế giới”.

Trần Đình Hoành / NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY