Khi Kathy Pham di cư từ Việt Nam đến San Rafael, California, vào năm 1989, bà mới 18 tuổi và đang tìm kiếm cơ hội.
Để kiếm sống, Pham chuyển sang nghề mà rất nhiều phụ nữ Việt Nam ở California tìm đến: nghề làm móng (nail). Bà đăng ký học thẩm mỹ và bắt đầu làm móng kể từ đó.
Làm móng không phải là công việc kiếm được nhiều tiền. Công việc này đi kèm với nhiều vấn đề như phải làm việc nhiều giờ, khách hàng thô lỗ và hóa chất độc hại. Song Pham thích nghề này.
Thợ nail gốc Việt tụ họp tại Westminster, California, vào ngày 8/6 để kêu gọi chính quyền bang cho phép tiệm nail mở cửa trở lại. Ảnh: NBC. |
Bà làm việc tại một thẩm mỹ viện với những đồng nghiệp tuyệt vời và "khách hàng đối xử với chúng tôi như gia đình", Pham chia sẻ. Người phụ nữ là mẹ đơn thân này làm việc 7 ngày một tuần để nuôi bản thân và 3 đứa con.
Sau đó, đại dịch Covid-19 bùng phát, Pham phải nghỉ việc.
Pham đã thất nghiệp hơn 5 tháng. Kể từ khi Đạo luật CARES hết hiệu lực vào ngày 25/7, trợ cấp thất nghiệp của bà bị cắt xuống chỉ còn khoảng 100 USD/tuần - hầu như không đủ sống.
Theo NBC, việc đóng cửa tiệm nail đặc biệt khiến những phụ nữ gốc Việt như Pham - trụ cột của ngành này - gặp nhiều khó khăn. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Lao động thuộc Đại học California tại Los Angeles (UCLA) phối hợp cùng Liên hiệp Ngành Móng Lành mạnh California (CHNSC), 81% lực lượng lao động tại các tiệm nail ở Mỹ là phụ nữ và 79% trong số đó là người nước ngoài. Khoảng 3/4 thợ nail nhập cư đến từ Việt Nam.
Theo Viện Chính sách Di trú, ngành nail đặc biệt quan trọng với sinh kế của cộng đồng người gốc Việt ở California - nơi 39% người Việt nhập cư vào Mỹ sinh sống. Gần 1/6 tổng số thợ nail ở Mỹ tập trung ở California.
"Việc đóng cửa này tạo ra gánh nặng chủ yếu cho phụ nữ và người da màu", chính khách Ash Kalra viết trong một lá thư gửi Thống đốc California Gavin Newsom ngày 28/8. "Từ khi đóng cửa tiệm nail, 3/4 người lao động không biết họ có đủ tiền mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác trong tháng tới hay không".
Bị bỏ lại phía sau
Trong bức thư, ông Kalra kêu gọi mở cửa tiệm nail một cách an toàn và xem xét lại các hướng dẫn hiện hành. Theo hướng dẫn, tiệm nail được phép hoạt động trong nhà ở một quận có mức độ lây truyền thấp. Tuy nhiên, nếu quận có tỷ lệ lây truyền cao theo hệ thống 4 cấp của California, tiệm nail phải hoạt động ngoài trời.
Mặc dù tiệm nail đã được cho phép hoạt động theo hướng dẫn trên từ cuối tháng 7, các chủ tiệm và nhân viên cho biết hầu hết doanh nghiệp không đủ nguồn lực để hoạt động ngoài trời.
Họ gặp khó khăn trong việc kết nối các thiết bị với nguồn điện nếu hoạt động ngoài trời. Bên cạnh đó, còn có thêm rủi ro tiếp xúc với những người qua đường không đeo khẩu trang, không thể làm sạch vật dụng và phải lao động trong nhiệt độ cao và chất lượng không khí tồi tệ vì cháy rừng ở California.
Một khách hàng làm nail ngoài trời tại tiệm nail Pampered Hands ở Los Angeles, California, ngày 22/7. Phần lớn tiệm nail ở California không có đủ nguồn lực để hoạt động ngoài trời như vậy. Ảnh: AP. |
Quy tắc này cũng áp dụng cho các dịch vụ chăm sóc cá nhân khác như tẩy lông cùng với các trung tâm thể dục, nhà hàng và nơi thờ phụng.
Tuy nhiên, các ngành khác, như khách sạn và sòng bạc, được phép hoạt động trong nhà, bất kể quận đó có tỷ lệ lây nhiễm thế nào.
Những người ủng hộ tiệm nail cho rằng điều này không công bằng. Họ nói thợ nail là một trong những người được đào nghiêm ngặt nhất về vệ sinh trong ngành dịch vụ.
"Chúng tôi yêu cầu mở cửa an toàn trong nhà. Chúng tôi yêu cầu mở cửa ngay lập tức", Tam Nguyen, đồng sáng lập Nailing It for America - bên tổ chức biểu tình hồi tháng 6, nói với NBC. "Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để xứng đáng với điều đó".
Đáng chú ý, các tiệm nail nằm ngoài kế hoạch mở cửa lại của thống đốc California ngay cả khi các tiệm làm tóc đã được hoạt động. Điều này đưa ra thông điệp khó hiểu cho ngành làm đẹp, Nguyen nói.
"Rất khó hiểu và rất đau lòng", đặc biệt là sau khi cộng đồng nail quyên góp hơn 1,2 triệu thiết bị bảo vệ cá nhân cho các chuyên gia y tế vào tháng 4.
Những thợ nail gốc Việt cho biết việc thống đốc đưa ra những tuyên bố không có cơ sở lặp đi lặp lại rằng ca nhiễm bệnh trong cộng đồng đầu tiên ở California xảy ra tại tiệm nail cũng gây nhức nhối. Tuyên bố của thống đốc khiến họ lo lắng không chỉ về phản ứng phân biệt chủng tộc mà còn cả những tác động lâu dài đến sinh kế của họ.
“Việc thống đốc tuyên bố như vậy mà không có bằng chứng khoa học rõ ràng có tác động tàn khốc với ngành nail”, Nguyen nói. "Niềm tin của khách hàng bị lung lay”.
Phần lớn California vẫn đang ở mức hạn chế cao nhất. Tiệm nail ở các hạt Orange (tức "quận Cam"), Santa Clara và Los Angeles, ba nơi có cộng đồng người Việt đông nhất trong bang, vẫn phải đóng cửa.
Tác động kinh tế
Kathy Pham, một thợ nail ở hạt Marin, băn khoăn không biết khi nào mới có thể làm việc trở lại.
Bà đã cố gắng tìm việc ở các tiệm nail khác, nhưng vô ích. Bà càng lo lắng khi thời gian trôi qua mà không có việc làm và trợ cấp thất nghiệp.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của UCLA và CHNSC, Pham nằm trong số 91% thợ nail nộp đơn xin bảo hiểm thất nghiệp trong thời kỳ đại dịch. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng vì rào cản ngôn ngữ, thiếu nhận thức và các trở ngại khác, hơn 40% người lao động cần được giúp đỡ để làm điều đó.
Pham hy vọng bà có thể sớm được trả lương trở lại, nhưng những rủi ro đang khiến bà áp lực. "Tôi rất sợ phải quay lại làm việc", bà nói. "Tôi muốn có tiền để trả tất cả hóa đơn, tiền thuê nhà, tiền ăn uống, cho mọi thứ. Tôi muốn trở lại làm việc, nhưng tôi rất lo".
Kathy Pham, thợ nail ở California, muốn đi làm trở lại nhưng bà cũng lo lắng về vấn đề an toàn. Ảnh: Kathy Pham. |
Winnie Kao, cố vấn tại Asian Law Caucus, cho biết sức khỏe và vấn đề an toàn là mối quan tâm chính của những thợ nail. Phần lớn họ e ngại công chúng sẽ không làm theo quy tắc an toàn. Họ lo lắng về việc khách hàng từ chối đeo khẩu trang.
"Thật không may, có những khách hàng nghĩ rằng sự thoải mái và quyền được làm móng của họ quan trọng hơn sự an toàn của nhân viên, chủ tiệm và những khách hàng khác trong tiệm", bà Kao cho biết.
Đa số nhân viên nói họ muốn trở lại làm việc. Với một cộng đồng vốn đã khó khăn trước đại dịch - 76% nhân công trong ngành nail được xếp vào nhóm lao động có mức lương thấp - nhiều người tin rằng họ không có nhiều lựa chọn.
Theo nghiên cứu của UCLA và CHNSC, đại dịch chỉ làm nổi bật nhu cầu có các hệ thống hỗ trợ và bảo vệ lao động tốt hơn. Ba trên bốn thợ nail có thu nhập giảm, xuống dưới 600 USD một tuần - thấp hơn mức lương thất nghiệp theo Đạo luật CARES. Bên cạnh đó, còn có những người lao động không giấy tờ không đủ điều kiện tham gia các chương trình như vậy, Kao cho biết.
Pham sợ rằng ngành nghề mà bà tập trung mọi kỹ năng và được đào tạo sẽ không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Và nỗi sợ hãi của bà không phải là vô căn cứ. Người ta ước tính rằng 30%-50% tiệm nail đóng cửa trong đại dịch sẽ đóng cửa vĩnh viễn.
"Ngành công nghiệp này sẽ không giống như trước đây", Pham chia sẻ và nói thêm rằng bà không rõ mình sẽ làm việc gì khác để kiếm sống. "Tôi chỉ muốn một cuộc sống bình thường. Chỉ vậy thôi".