Gián điệp công nghệ Trung Quốc luôn tìm cách tiếp cận công nghệ quân sự tiên tiến của Mỹ. Ảnh minh họa: Reuters |
SCMP cho biết, phiên tòa xét xử bà Man Wenxia, công dân Mỹ gốc Trung Quốc diễn ra vào ngày 19/8. Tòa án bang Florida đã tuyên án 50 tháng tù giam đối với bà Man vì vi phạm Đạo luật Kiểm soát xuất khẩu vũ khí.
Theo cáo trạng, bà Man đã tìm cách tiếp cận công nghệ và linh kiện động cơ máy bay chiến đấu tàng hình F-35, F-22 và tiêm kích F-16 cùng một máy bay không người lái với tổng giá trị hơn 50 triệu USD. Bà ta sẽ được hưởng phần hoa hồng trị giá 1 triệu USD nếu giao dịch thành công.
Từ tháng 3/2011 đến tháng 6/2013, bà móc nối cùng Zhang Xinsheng, một người sống ở Trung Quốc để tìm cách mua và xuất khẩu trái phép các mặt hàng quân sự. Theo một nguồn tin, Zhang được cho là “gián điệp công nghệ” làm việc cho quân đội Trung Quốc nhằm tìm cách thu thập các công nghệ quân sự từ nước ngoài.
Bà Man khai rằng, Zhang nói với bà rằng, ông ta đặc biệt quan tâm đến công nghệ tàng hình. Bà Man cùng chồng điều hành một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử nhỏ ở bang Florida.
Bị cáo Man Wenxia. Ảnh: Sun Sentine |
Tờ báo địa phương Sun Sentine dẫn lời thẩm phán Beth Bloom cho biết, bị cáo không nhận tội và tuyên bố sẽ kháng cáo. Man Wenxia, 45 tuổi, có hai con, sinh ra ở Trung Quốc sau đó chuyển đến Mỹ và nhập quốc tịch vào năm 2006.
Bộ An ninh Nội địa đã tiến hành một điều tra đối với bà Man sau khi một nhân chứng tố cáo hành vi khả nghi của bà. Man bị bắt trong tháng 6/2015.
Tháng trước, Su Bin, 51 tuổi, công dân Mỹ gốc Trung Quốc, thừa nhận trong một phiên tòa ở bang California rằng ông đã tham gia vào một âm mưu kéo dài nhiều năm để đánh cắp công nghệ quân sự của Mỹ.
Su bị buộc tội truy cập trái phép vào hệ thống máy tính của các nhà thầu quốc phòng lớn ở Mỹ để đánh cắp dữ liệu liên quan đến máy bay tành hình F-22, F-35. Ông Su bị tuyên án 46 tháng tù giam.
Antony Wong Dong, nhà nghiên cứu quân sự ở Maccau cho biết, việc các công dân Mỹ gốc Trung Quốc bị tuyên án vì đánh cắp công nghệ động cơ phản ánh thực trạng công nghệ quân sự Trung Quốc.
“Điều này phản ánh thực tế rằng, Trung Quốc đang gặp các vấn đề lớn đối với việc phát triển động cơ cho máy bay chiến đấu phản lực. Đó là “gót chân Achilles” của công nghiệp quốc phòng nước này”, ông Wong nói với SCMP.
Trung Quốc đã cố gắng trong nhiều năm để cải thiện chất lượng động cơ phản lực sản xuất trong nước. Bắc Kinh được cho là đã chi khoảng 150 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 22,6 tỷ USD) từ năm 2010 nhằm phát triển động cơ trong nước, tránh phụ thuộc vào động cơ nhập khẩu từ Nga.
Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự cho Trung Quốc từ năm 1990 sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.