Sáng nay (11/6), được sự ủy quyền của IADL, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức cuộc họp báo công khai bản tuyên bố của Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) về tình hình biển Đông.
Sau khi xem video về hàng loạt những hành động gây hấn của tàu Trung Quốc đối với lực lượng chức năng và ngư dân của Việt Nam quanh khu vực giàn khoan 981 mà Trung Quốc đặt trái phép, ông Jitendra Sharma, thành viên Ban thường vụ Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Chủ tịch danh dự, nguyên Chủ tịch IADL đã đọc bản tuyên bố của IADL về vi phạm leo thang tại Biển Đông.
Ông Jitendra Sharma, Chủ tịch danh dự IADL đọc bản tuyên bố. |
Bản tuyên bố nêu rõ, vào ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã tiến hành việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
IADL hiểu rằng sau khi phía Việt Nam lên tiếng phản đối, Trung Quốc đã điều hơn 80 tàu và máy bay, bao gồm cả tàu quân sự tới khu vực trên. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi tàu Trung Quốc đâm và sử dụng vòi rồng bắn vào một số tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam gây thiệt hại về phương tiện và đe dọa đến tính mạng con người. IADL cũng được thông báo về một số vụ đâm vào các tàu đánh cá của Việt Nam, gây hư hại một số tàu, làm bị thương ngư dân và thậm chí khiến một tàu đánh cá của Việt Nam bị chìm.
Bức thư IADL gửi trực tiếp cho ông Tập Cận Bình - Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. |
Sau khi xem xét sự việc này, IADL đã quyết định gửi thư tới chính quyền Trung Quốc với các nội dung:
1. Nhắc nhở tất cả các bên có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuyệt đối tuân thủ UNCLOS 1982, Công ước mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là quốc gia thành viên.
2. Đề nghị phía Trung Quốc làm rõ cơ sở pháp lý của các hành động: (1) đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; (2) đưa tàu, máy bay và tàu quân sự tới hoạt động gần khu vực giàn khoan; (3) tiến hành những hành vi khiêu khích như đâm, bắn vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam gây thiệt hại về phương tiện và đe dọa đến tính mạng con người cũng như các vụ việc tấn công tàu cá của Việt Nam xảy ra từ ngày 7/5/2014.
3. Kêu gọi Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc và là một trong 5 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ: (1) tôn trọng, tuân thủ và giữ gìn tuyệt đối Hiến chương Liên Hiệp Quốc; (2) xử sự đúng tư cách của một nước lớn cũng như đúng tư cách của 1 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ trong việc giữ gìn và bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và thế giới.
4. Yêu cầu chính quyền Trung Quốc đưa ra những phản hồi với IADL bày tỏ quan điểm về các vấn đề này.
Với tư cách là một tổ chức có mục tiêu hướng tới giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, IADL đề nghị Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, dừng và kiềm chế các hành động gây phức tạp tình hình, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Tuyên bố này của IADL được gửi trực tiếp tới ông Tập Cận Bình - Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cùng các cơ quan chức năng nước này.
Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế do Liên Xô cũ khởi xướng thành lập năm 1946 tại Paris, Pháp, và hiện đặt trụ sở tại Brussels, Bỉ, gồm hơn 100 thành viên là Hội Luật gia, Liên đoàn luật sư các nước trên thế giới.
Từ khi thành lập, Hội đã có nhiều hoạt động tích cực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, dân chủ, nhân quyền tại nhiều nước trên thé giới như kêu gọi trả tự do cho cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela; tham gia cùng LHQ xóa bỏ chính sách Apartheid tại Nam Phi (năm 1946); tổ chức thực hiện chiến dịch hỗ trợ hòa bình ở Trung Đông và công nhận quyền tự quyết của người Palestin (1980)…
Đối với Việt Nam, Hội đã có nhiều hoạt động phản đối Mỹ tiến hành chiến tranh ở Việt Nam và kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, như tuyên bố kêu gọi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam (năm 1961), thực hiện nhiều chiến dịch kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam trong thời gian trước và trong khi diễn ra các hội nghị quốc tế; ủng hộ Việt Nam trong vụ kiện các công ty Mỹ về vấn đề chất độc da cam năm 2009.