Ngoài việc tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước trên thế giới, thì việc để cho chính những người bạn Trung Quốc hiểu và trở thành người bạn của Việt Nam, ủng hộ Việt Nam cũng là việc không được phép coi nhẹ.
Khi vấn đề Biển Đông và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sôi sục trên mọi diễn đàn và phương tiện truyền thông, chúng tôi đã nghĩ đến những người Trung Quốc từng gặp gỡ, những người mà dù có bất cứ chuyện gì xảy ra giữa hai dân tộc, hai đất nước, họ cũng dành cho người Việt Nam một tình yêu và sự ủng hộ vì chính nghĩa.
Người Trung Quốc ở chiến khu Việt Bắc
Gặp ông Hoàng Quần - nguyên giám đốc sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Đông, nguyên Vụ trưởng Vụ Châu Á 2, Ban liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hà Nội đúng những ngày mà câu chuyện giàn khoan Hải Dương 981 đang nóng bỏng hơn bao giờ hết.
"Trên chuyến bay rời Trung Quốc, tôi đọc báo thấy Thủ tướng Việt Nam đang họp Hội nghị cấp cao ASEAN. Khi Thủ tướng Việt Nam phát biểu như thế ở một hội nghị cấp cao khu vực, tôi hiểu tình hình đã rất nghiêm trọng", ông Hoàng Quần chia sẻ.
Một ngày sau khi đến Việt Nam, tin tức về vụ gây rối của công nhân ở Bình Dương rồi sau đó là Hà Tĩnh đập vào mắt ông trên tất cả các tờ báo Việt Nam và Trung Quốc. Ông cũng nhận được những tin nhắn hoang mang, lo lắng của bạn bè.
"Nhưng tôi đã trấn an tất cả những người bạn của mình" - ông Hoàng Quần nói: "Khi tôi cầm hộ chiếu đi làm việc ở Việt Nam mấy ngày qua, có người Việt Nam biết tôi là người Trung Quốc đã nắm tay tôi giãi bày. Họ nói "chúng tôi là người Việt Nam, chúng tôi yêu nước và chúng tôi yêu hoà bình".Là người rất hiểu Việt Nam, tôi cũng nghĩ đúng như thế: dân tộc Việt Nam yêu nước và yêu chuộng hoà bình. Những hành động đáng tiếc những ngày vừa qua chỉ là thiểu số".
Là một Hoa kiều từng sống ở Việt Nam nhiều năm, nhiệm vụ lớn nhất và cũng là có ý nghĩa nhất với ông Hoàng Quần là xây dựng mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung. Ông nói, đó là mối nhân duyên cả đời mình.
Ông Hoàng Quần. |
Năm 1937, khi cuộc chiến tranh Trung - Nhật nổ ra, từ Quảng Đông, gia đình ông Hoàng Quần theo dòng người tản cư sang Việt Nam, chọn Thái Nguyên làm nơi định cư. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, gia đình ông lại chạy lên Việt Bắc. Nhiều cán bộ Trung Quốc được đưa sang Việt Bắc hoạt động du kích.
Là một học sinh từng theo học tại Hà Nội, nói tốt tiếng Việt, Hoàng Quần được gọi lên làm việc tại trạm điện đài liên lạc giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sau năm 1950, ông về nước và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng những học sinh Hoa kiều như ông vẫn được giao nhiệm vụ làm phiên dịch cho các đoàn cố vấn các vấn đề liên quan mỗi khi đến Việt Nam. Sau này, ông còn có một thời gian làm việc tại Việt Nam từ năm 1954 - 1958 trước khi về công tác ở Ban liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cả đời làm công tác ngoại giao, với nhiều công việc liên quan đến Việt Nam, ông Hoàng Quần đã gặp gỡ và làm bạn với nhiều chính khách Việt. Một trong những chính khách Việt mà ông từng rất thân thiết và yêu quý là cố TBT Trường Chinh. Thậm chí sau này đã về nước, đôi lúc ông vẫn ân hận vì đã không cưới vợ Việt, khi mà những năm tháng làm việc ở Hà Nội, vẻ đẹp của những thiếu nữ Hà Thành đã khiến ông thực sự rung động.
Suốt cuộc đời mình, ông Hoàng Quần đã chứng kiến quan hệ Việt Nam và Trung Quốc có những lúc lên, lúc xuống, cả những lúc chiến tranh căng thẳng. Ông nói, về tình cảm cá nhân, lúc nào ông cũng hy vọng hai nước sẽ chung sống hoà bình, người dân hai nước có thể cùng nhau làm ăn, buôn bán, xây dựng cuộc sống. Vì thế khi xảy ra câu chuyện giàn khoan Hải Dương 981, ông thấy buồn vô kể.
"Tôi hi vọng những người lãnh đạo hai đất nước sẽ giải quyết được khúc mắc này vì nhân dân. Chúng ta không có quyền lựa chọn biên giới quốc gia. Hai nước chúng ta là chính trị địa duyên. Chúng ta ở cạnh nhau mãi mãi. Nếu không có hoà bình sẽ chẳng có lợi cho cả hai phía. Vì thế tôi ủng hộ mọi tranh chấp nhất định phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế. Nếu quốc gia nào cũng cứ ý mình mà làm thì sẽ không còn luật lệ gì nữa.Không ai chấp nhận điều đó. Và hành động nào vi phạm luật pháp quốc tế sẽ bị cả thế giới lên án", ông Quần chia sẻ.
Cao "Tư lệnh"
Thế hệ học trò trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi ở Quế Lâm - Trung Quốc những năm 1950 - 1960 đều biết đến Cao Cẩm Quỳ, người mà họ luôn gọi với cái tên thân thiết Cao "Tư lệnh".
Quen nhau từ khi còn là những đứa trẻ, khi lớp học trò Việt trường Nguyễn Văn Trỗi về nước, họ mất liên lạc, nhưng Cao "Tư lệnh" vẫn không bao giờ quên những người bạn Việt Nam. Năm 2009, ông Cao sang Việt Nam tìm lại những người bạn học của mình. Họ đoàn tụ sau 40 năm, lại trở thành những người anh em, bạn bè thân thiết như xưa.
Hiếm có người Trung Quốc nào yêu Việt Nam như ông Cao. Ông đọc lịch sử Việt Nam và thán phục tinh thần chống giặc ngoại xâm của người Việt. Những ngày lễ của người Việt Nam như ngày Quốc Khánh, ngày giải phóng miền Nam, ngày sinh nhật Bác, trên blog của ông Cao đều đưa tin chúc mừng.
Cao "tư lệnh" cũng không bỏ sót bất cứ tin tức nào về những xung đột, tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam trên biển Đông. Khi hai nước có mâu thuẫn, ông Cao thường viết thư cho những người bạn Việt Nam chia sẻ nỗi buồn của mình. Dù là người Trung Quốc, nhưng ông Cao bất bình với những tuyên bố của Chính phủ nước mình về đường lưỡi bò. Trên blog cá nhân, ông Cao đã gọi đường lưỡi bò là một tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc.
Nhiều người bạn của Cao "tư lệnh" ở Việt Nam đều lo lắng sự thẳng thắn của ông có thể khiến ông bị nhà cầm quyền Trung Quốc gây khó dễ. Không chỉ ông mà nhiều người Trung Quốc khác cũng hiểu và cảnh báo về việc tham vọng bành trướng của Trung Quốc sẽ biến Trung Quốc thành một cường quốc cô đơn, một gã khổng lồ không có bạn bè và nhìn khắp xung quanh chỉ toàn những người đối địch.
Trong cuốn sách lịch sử mà thế hệ trẻ chúng tôi được học, cụm từ "ngoại giao nhân dân" là cụm từ được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, như một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nét độc đáo đặc biệt của ngoại giao nhân dân Việt Nam là đường lối ngoại giao do Bác Hồ và các vị tiền bối lãnh đạo đất nước đã dạy: "Đường lối tấn công vào lòng người, chinh phục bằng đạo lý, chuyển hoá bằng nhân tình, thuyết phục lòng người để nhân lên sức mạnh của chính nghĩa".
Chính cha ông chúng ta, những người hiểu rõ hơn ai hết sức mạnh của "ngoại giao nhân dân", những người đã luôn nghĩ và hành động bằng "chính nghĩa, đạo lý, nhân tình" đã khiến trái tim nhiều bạn bè thế giới hướng về Việt Nam và biến nó thành một sức mạnh, thành một "hậu phương" vững chắc cho chúng ta trong sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước trong quá khứ.
Trong những cuộc trao đổi với nhiều người làm công tác ngoại giao, họ luôn nhắc rằng bài học của cha ông không bao giờ cũ. Câu chuyện ngoại giao nhân dân có thể sẽ là chìa khoá để giải quyết vấn đề. Ngoài việc tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước trên thế giới, thì việc để cho chính những người bạn Trung Quốc hiểu và trở thành người bạn của Việt Nam, ủng hộ Việt Nam cũng là việc không được phép coi nhẹ. Có rất nhiều người Trung Quốc như ông Cao, như ông Hoàng Quần, những người luôn dành cho Việt Nam một tình yêu nồng ấm, những người hiểu chính nghĩa và yêu hoà bình.
Nếu như bằng nỗ lực của mình, chúng ta có thêm những người bạn như thế, thì chính họ sẽ là Vạn Lý Trường Thành ngăn cản dã tâm của Trung Quốc ở biển Đông.