Sáng 13/1, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tham dự.
Phát triển nhanh, mạnh, đột phá và bền vững
Trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Quy hoạch tỉnh Nghệ An và Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam được xây dựng với tầm nhìn dài hạn, đặt trong tổng thể phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới với 2 khu vực động lực tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược, phát triển 4 hành lang kinh tế, 5 lĩnh vực kinh tế trụ cột và 6 trung tâm đô thị động lực.
Cùng với Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An sẽ tạo ra những động lực mới để phát triển nhanh, mạnh, đột phá, bền vững hơn.
Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi mở, tỉnh Nghệ An cần triển khai ngay việc rà soát các quy hoạch chi tiết gắn kết đô thị-công nghiệp-dịch vụ với các công trình hạ tầng hướng tuyến đang được đầu tư xây dựng (đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đường ven biển Nghi Sơn-Cửa Lò, đường giao thông nối Quốc lộ 7C đến đường Hồ Chí Minh, đường giao thông nối Vinh-Cửa Lò).
Tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch, trong đó ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, liên tỉnh; các dự án đô thị, công nghiệp, dịch vụ có tính động lực, lan tỏa, các hạ tầng xã hội y tế, văn hóa, hạ tầng số, các dự án phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường… Phát triển các hành lang kinh tế phía Đông để thúc đẩy vùng phía Tây phát triển.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh Nghệ An sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước trong đầu tư công trình hạ tầng đóng vai trò dẫn dắt thúc đẩy đầu tư tư nhân. Đặc biệt, Nghệ An cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao coi đây là động lực đột phá.
Các dự án công nghệ đang được đầu tư vào Nghệ An sẽ làm tăng nhanh cầu về lao động có trình độ công nghệ, tay nghề.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, một mặt tỉnh cần tập trung thực hiện tốt định hướng đào tạo, đặt hàng phát triển nguồn nhân lực.
Mặt khác, tỉnh cần có các chính sách thu hút nhân tài, giữ chân người lao động thông qua nâng cao chất lượng, điều kiện sống nhà ở, chú trọng triển văn hóa, con người, chất lượng các dịch vụ xã hội, phát triển văn hóa, môi trường để trở thành nơi đáng sống. Đồng thời, phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh Nghệ An cần khai thác tối đa các lợi thế về cơ chế, chính sách đặc thù để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh; nâng cao được chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp (PAPI), SIPAS để tăng cường niềm tin nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược.
Ban hành các tiêu chuẩn xanh, suất vốn đầu tư, công nghệ trong thu hút đầu tư để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm nền tảng.
Tỉnh cần tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và cả nước để tạo được động lực, tạo được sự kết nối, cộng hưởng mạnh mẽ hơn, nhất là với 2 tỉnh liền kề: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, các địa phương của nước bạn Lào có chung đường biên giới.
Ngày 14/9/2023, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định 1059/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Tốc độ tăng trưởng trên địa bàn (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 11,0%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 8.000 USD; Tỷ lệ làng, bản khối phố văn hóa đạt 78%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%; Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 0,5-1,5%/năm, vùng miền núi giảm bình quân 1,5-2,0%/năm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định 1059/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An. |
Phấn đấu tỉnh Nghệ An có 70% đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 90%; phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%...
Tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại của cả nước và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là động lực phát triển quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao; các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống, hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn và phát huy; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Triển khai linh hoạt, phù hợp với Quy hoạch tổng thể
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư 390 triệu USD (tương đương khoảng hơn 9.550 tỷ đồng).
Các dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư gồm 1 dự án do nhà đầu tư trong nước thực hiện và 5 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, linh kiện, thiết bị điện tử, năng lượng xanh…
Hội nghị cũng công bố Quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An đến năm 2040.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý nêu rõ việc công bố các nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh Nghệ An và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An là hành lang pháp lý quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phát triển không gian lãnh thổ, phát triển khu kinh tế trọng điểm của tỉnh với mục tiêu và tầm nhìn dài hạn. Đồng thời, vui mừng chứng kiến lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 9.550 tỷ đồng được đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, đây là những dự án quan trọng đầu tiên để cụ thể hóa các quy hoạch đã được phê duyệt.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cũng cho rằng việc công bố Quy hoạch mới là bước khởi đầu, là chặng đường dài nên thời gian tới tỉnh Nghệ An sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khoa học trong thực hiện quy hoạch.
Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, nhưng linh hoạt, phù hợp với Quy hoạch tổng thể.
Chú trọng công tác quản lý quy hoạch, kịp thời rà soát, điều chỉnh các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành. Đồng thời, đẩy mạnh Chuyển đổi Số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kết nối trọng điểm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ.