Ngày 12/1, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT cùng UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị tổng kết mô hình hợp tác công tư trong xây dựng công trình phòng, chống sạt lở ven biển Cà Mau.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dài khoảng 720 km nhưng hiện trạng có hơn 50% chiều dài đang bị xói lở. Trong đó, hơn 70 km đang bị xói lở với tốc độ từ 20 m - 50 m mỗi năm.
Trong các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL, Cà Mau được xem là “điểm nóng” khi có đến 187/254 km bờ biển bị sạt lở với nhiều mức độ khác nhau, trong đó có hơn 90 km chiều dài bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ ở Cà Mau với diện tích hơn 5.200 ha.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị. |
Trước hiểm họa sạt lở, trong nhiều năm liên tục, Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp vùng ven biển và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và bộ, ngành T.Ư. Nhờ sự hỗ trợ đó, đến nay, tỉnh đã xây dựng, hoàn thành được gần 63km kè bảo vệ bờ biển, với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng.
Thực tế, những công trình kè ven biển ở Cà Mau được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp làm giảm sóng biển, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục lại được gần 1.000 ha rừng phòng hộ.
Ngoài nguồn ngân sách, từ năm 2014, Cà Mau huy động nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư xây dựng được 4 km bờ kè chống sạt lở ven biển tại khu du lịch Khai Long, kinh phí khoảng 72 tỷ đồng. Công trình trên hoàn thành vào năm 2021, phạm vi được bảo vệ bên trong kè có chiều rộng khoảng 89 m, tính từ đất liền đến chân kè, đoạn bờ biển có công trình không bị sạt lở thêm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, kết quả khả quan từ việc huy động nguồn lực chung tay với nhà nước thực hiện nhiệm vụ giữ đất, giữ rừng… tại Khai Long đã giúp Cà Mau mở ra hướng tiếp cận mới về giải pháp công trình, huy động nguồn vốn đầu tư trong tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng trong giai đoạn tiếp theo.
Bờ kè chống sạt lở ven biển tại khu du lịch Khai Long, kinh phí khoảng 72 tỷ đồng. |
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được T.Ư hỗ trợ tháo gỡ, nhất là trong công tác lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng. Thực tế, do vướng mắc trong quy hoạch, do không cân đối được ngân sách nên hàng năm tỉnh Cà Mau bị nước biển cuốn trôi mất hơn 350 ha rừng ven biển.
“Cà Mau được xác định là tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhiều vị trí ven biển có tiềm năng đầu tư các dự án phát triển dịch vụ du lịch, dịch vụ hậu cần nghề cá, dự án phát triển điện gió, điện năng lượng mặt trời. Qua kết quả thực hiện của các dự án nói trên cho thấy, nếu những khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, tỉnh sẽ có thêm nhiều dự án đầu tư tương tự vùng ven biển”, ông Sử thông tin.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, việc xã hội hoá làm kè biển ở Khai Long là cách làm hay, sáng tạo, gợi mở nhiều vấn đề lớn không chỉ cho Cà Mau, vùng ĐBSCL mà còn trên địa bàn cả nước, để làm sao giữ được đất, giữ được rừng nhưng giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, câu chuyện xã hội hoá làm kè biển ở Khai Long là cách làm hay, sáng tạo. |
Theo ông Hiệp, Bộ sẽ cùng với Cà Mau hoàn thiện báo cáo, đề xuất các giải pháp tốt nhất cho vấn đề xã hội hoá đầu tư công trình phòng, chống sạt lở ven biển để có thể triển khai đại trà tại nhiều địa phương vùng ven biển khác của cả nước.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, trong báo cáo, Cà Mau cần làm rõ cơ chế giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp, công trình kè xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn ra sao để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư; đề xuất các vấn đề khác biệt cần ưu tiên tháo gỡ…
“Nguyên tắc trong đề án phòng, chống sạt lở ở Cà Mau là không xin tiền mà chỉ xin cơ chế. Bởi vì đối với Cà Mau, cơ chế không phải là tiền mà là rất nhiều tiền. Do đó, địa phương cần khẩn trương hoàn thiện đề án ngay trong sáu tháng đầu năm 2024”, Thứ trưởng Hiệp nói.