Nguyên nhân cá chết được công bố, thủ phạm đã nhận lỗi và cam kết khắc phục lại môi trường biển, ngư dân ở Hà Tĩnh mong chờ tiếp tục ra khơi mưu sinh.
Không bất ngờ về thủ phạm gây cá chết
Từ ngày xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ biển, hàng nghìn ngư dân Hà Tĩnh phải tạm gác lại nghề đi biển đã gắn bó, nuôi sống biết bao thế hệ gia đình. Dọc theo chiều dài của bãi biển Hà Tĩnh, dễ dàng bắt gặp hình ảnh quán xá đìu hiu, bến cảng vắng tanh. Những con thuyền nằm trơ trọi trên bãi cát hoen gỉ vì bị “bỏ rơi” suốt hơn 2 tháng nay.
Tại âu thuyền phường Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hàng trăm tàu thuyền chiếc đậu dưới nước, chiếc trên bờ vẫn được ngư dân dùng dây buộc chặt cố định.
Hàng trăm tàu thuyền ở âu thuyền xã Kỳ Lợi vẫn được được ngư dân neo đậu và buộc chặt trên bãi cát. Ảnh: P.H. |
Loay hoay sửa lại chiếc máy nổ từ lâu không hoạt động, anh Nguyễn Viết Nam (38 tuổi, trú tại xã Kỳ Lợi) cho biết: “Formosa phải chịu trách nhiệm về việc xả thải khiến cá biển chết là điều đương nhiên. Từ việc xả thải chất độc ra môi trường của họ, biết bao hộ gia đình phải rơi vào cảnh nợ nần, chồng con thất nghiệp không có việc làm”.
Cùng chung quan điểm như anh Nam, bà Đậu Thị Vân (42 tuổi) không giấu nổi bức xúc khi tìm ra được nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Những thương lái thu mua đồ hải sản như chị cũng phần nào phải mất “nồi cơm” từ việc buôn bán mang lại.
Bà Đậu Thị Vân (42 tuổi, trú ở Kỳ Lợi) cho biết không bất ngờ về thủ phạm khi được Chính phủ công bố. Ảnh: P.H. |
Trước đây, mỗi ngày bà Vân thu được 1 - 2 triệu đồng từ tiền lãi mua bán hải sản. Suốt 2 tháng qua, chẳng ai đi biển, hầu như ngày nào bà Vân cũng phải về không. Nếu có cũng chỉ thu mua được con ghẹ, con ngao của một số tàu thuyền đánh bắt xa bờ và bán ra cũng được vài chục ngàn đồng tiền lãi.
Lãnh đạo Formosa đã xin lỗi người dân, thừa nhận do sai sót đã gây ra vụ cá biển chết ở miền Trung và hứa sẽ phối hợp chặt chẽ cùng cùng cơ quan chức năng để giải quyết sự việc nêu trên. Đối với ngư dân ở Hà Tĩnh, họ chỉ lo lắng đến bao giờ biển sẽ đạt ngưỡng an toàn trở lại để ngư dân yên tâm đánh bắt và người dân sẽ được ăn đồ biển.
“Formosa nhận lỗi nhưng phải mất thời gian bao lâu biển mới được làm sạch được là điều chúng tôi lo lắng nhất”, ông Lê Văn Thạch (47 tuổi, xã Kỳ Lợi) thắc mắc.
Ông Thạch cùng vợ đang sửa sang lại thuyền. Ảnh: P.H. |
Anh Chu Văn Ba (34 tuổi) chủ quán ăn Yến Trang ở thôn 2, xóm Hải Phong, xã Kỳ Lợi than thở: “Hàng quán của gia đình tôi và nhiều hộ không một bóng khách vãng lai suốt 2 tháng qua.”.