Sau vụ cá chết: Thuyền nằm bờ, ngư dân thất nghiệp
Thứ năm, 30/6/2016 06:05 (GMT+7)
06:05 30/6/2016
Nhiều ngư dân Hà Tĩnh rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc phải chuyển sang nghề khác mưu sinh sau sự việc cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ biển ở các tỉnh miền Trung.
Ròng rã hơn 2 tháng trời vì hiện tượng cá biển chết bất thường khiến cuộc sống của người dân ở Hà Tĩnh như bị đảo lộn, đặc biệt là thảm cảnh ngư dân “chôn” thuyền trên bờ biển không dám ra khơi đánh cá khiến nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh khốn đốn. Nhiều nhà hàng và lái buôn thì thất thu bởi người dân không dám mua cá ăn.
Ngày 29/6, tại bờ biển thuộc thôn Hoành Sơn, xã Kỳ Lợi (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thay bằng hình ảnh tàu thuyền nhộn nhịp ra vào là cảnh tượng hiu hắt khi hàng loạt tàu thuyền buộc chặt dây, nằm trơ trọi trên bãi cát không một bóng người. Nhiều ngư dân ở đây cho biết hơn 2 tháng qua, họ rơi vào cảnh thất nghiệp vì không dám đi biển hoặc phải chuyển nghề mưu sinh để có tiền trang trải cuộc sống.
Chia sẻ với Zing.vn, ông Mai Xuân Tình (một ngư dân ở xã Kỳ Lợi) nói: “Từ xưa đến nay, gia đình tôi chỉ dựa vào nghề đi biển kiếm sống. Sau khi xảy ra hiện tượng cá chết chúng tôi không dám đi biển nữa vì đánh cá về không ai mua. Với người tái định cư như chúng tôi, không làm nghề biển thì cũng chẳng biết làm nghề gì nữa. Mấy đứa con tôi phải vào miền nam đi làm cho công ty, chứ ở nhà chắc chết đói mất”.
Bà Nguyễn Thị Tín (ngư dân ở xã Kỳ Phương, Hà Tĩnh) cho hay chồng con làm nghề biển mà nay thất nghiệp nên hàng ngày bà phải đi dọc bờ biển lượm ve chai bán kiếm tiền mua đồ ăn hàng ngày. “Giá như cá không chết, một tháng chồng tôi đi biển cũng có 10 – 15 triệu đồng. Mấy đứa con giờ phải bỏ vợ con ở nhà, vào tận miền nam làm thuê”, bà Tín than thở.
Hiện tượng cá chết bất thường còn ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà hàng quán ăn kinh doanh buôn bán hải sản. Dù đang cao điểm du lịch hè nhưng quán xá không một bóng khách là hình ảnh thường xuyên ở đây. Nhiều hàng quán phải đóng cửa vì không có khách, nếu có cũng chỉ lẻ tẻ một số khách du lịch nước ngoài đến ăn.
Hầu hết ngư dân ở Hà Tĩnh mong muốn được biết nguyên nhân cá biển chết. Nếu tìm ra được thủ phạm thì phải bắt họ đền bù thỏa đáng cho ngư dân và làm sạch biển để người dân yên tâm đánh bắt cá.
Anh Hoàng Văn Thủy (36 tuổi, chủ quán hải sản Phố Biển ở bờ biển Khu Tượng, thôn Ba Đồng, xã Kỳ Phương, tặc lưỡi: “quá ế”. “Từ 2 tháng trở lại đây quán thất thu rất nhiều vì không có khách đến ăn. Trước đây, hồ chứa cá, tôm, cua, ghẹ… chỉ 2 ngày là bán hết một lứa, còn bây giờ phải 10 ngày hoặc hơn mới bán hết. Như các năm trước những ngày này quán rất đông khách, mỗi ngày bán từ 10 - 20 triệu đồng, bây giờ thậm chí không có đồng nào”, anh Thủy phàn nàn.
Mỏ neo của thuyền hoen gỉ sau mấy tháng trời không được... đi biển.
Những con thuyền tại âu thuyền Kỳ Lợi
(Kỳ Anh) đắp chiếu khoảng 2 tháng nay.
Một số ngư dân vì nhớ biển quá nên thỉnh thoảng vẫn ra khơi. Họ cho biết phải sử dụng thuyền lớn đi các vùng biển ngoài khơi hoặc ở các nơi khác mới dám đánh bắt và bán tại địa phương đó chứ nếu đưa về cảng ở đây thì bán không ai mua.
Dự kiến chiều 30/6, Văn phòng Chính phủ sẽ chủ trì họp báo công bố thông tin nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết ở biển miền Trung. Văn phòng Chính phủ cùng với các Bộ ngành sẽ công bố rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết là gì, thủ phạm là ai.
Thủ tướng vừa quyết định tăng thời gian hỗ trợ gạo từ 1,5 tháng lên tối đa 6 tháng, kéo dài việc thu mua, tạm trữ hải sản được hỗ trợ lãi suất thêm 1 tháng... nhằm hỗ trợ ngư dân.