Chiều 29/4, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 4. Buổi họp báo diễn ra sau phiên họp Chính phủ diễn ra vào sáng cùng ngày.
Kinh tế tiếp đà khởi sắc
Phát biểu mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay các thành viên Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết lĩnh vực. Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB đánh giá tốt và dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu mở đầu họp báo. Ảnh: Hồng Quang. |
Những cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước tăng 13,3% so với cùng kỳ, với nguồn thu bền vững hơn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; xuất khẩu 4 tháng tăng 16,4%, nhập khẩu tăng 15,7%, xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD; sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh, tính chung 4 tháng tăng 7,5%.
Hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động hơn. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, khách quốc tế tháng 4 gấp 2,4 lần so với tháng trước và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ, 4 tháng tăng 184,7%.
Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Sơn nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm an ninh, an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch. Các thủ tục phải bảo đảm thông thoáng cho du khách nhưng phải kiểm soát được dịch bệnh.
Việc chuẩn bị để tổ chức kỳ thi trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 được yêu cầu phải bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, chú ý việc lấy ý kiến người dân.
Công tác chuẩn bị, tổ chức SEA Games 31 được yêu cầu bảo đảm tinh thần thể thao cao thượng, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Ngăn chặn nhiều trường hợp tung tin thất thiệt về chứng khoán
Trả lời về tiến độ điều tra các vụ án tại Bộ Ngoại giao, Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh..., ông Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết cơ quan chức năng đã cung cấp các thông tin một cách nhanh chóng, trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Tuy nhiên, với những thông tin cụ thể hơn, ông Xô nhấn mạnh cần phải chờ đợi thêm, bởi cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, làm rõ.
"Chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn các cá nhân tung tin thất thiệt, tung tin giả, tin chưa được kiểm chứng, đặc biệt là trong lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, số lượng gọi hỏi, răn đe... thì cơ quan chức năng chưa thể cung cấp", ông Xô nói.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: Hồng Quang. |
Hai bộ đang rà soát dư địa giảm thêm giá xăng dầu
Trả lời câu hỏi của Zing tại họp báo về việc có hay không giảm thêm giá xăng dầu trong thời gian tới, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết liên bộ Tài chính - Công Thương đang tiến hành xem xét, rà soát.
"Hiện nay, liên bộ đang tiếp tục nghiên cứu và rà soát xem giảm thêm được thuế nào sao cho phù hợp với vấn đề chung, tránh thẩm lậu xăng dầu, tạo điều kiện nhất cho người dân", ông Hải nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của Zing tại họp báo. Ảnh: Hồng Quang. |
Theo ông Hải, theo công thức tính toán thì một là phụ thuộc vào giá thế giới. Ngoài ra, liên bộ sử dụng quỹ bình ổn liên tục từ đầu năm 2022, khi giá xăng dầu thế giới liên tục tăng, thì mức tăng của Việt Nam luôn hơn. Ví dụ từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu thế giới có biến động tăng 36,53-60,14%, nhưng giá trong nước chỉ tăng 17,16-39,04% tùy từng loại.
Còn biện pháp điều chỉnh thuế, thì vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm thuế môi trường từ 1/4, ở mức 50%.
Về vấn đề dự trữ, theo quy định đang yêu cầu doanh nghiệp đầu mối phải dự trữ 20 ngày trong kho, với doanh nghiệp cung ứng thì 5 ngày. Còn dự trữ Nhà nước, do khả năng và ngân sách còn hạn chế, về phía liên bộ Công Thương Tài chính đề xuất những biện pháp, giải pháp phù hợp nhất, đảm bảo mức tối đa, phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng.
Chưa coi Covid-19 là bệnh lưu hành
Trả lời câu hỏi về việc áp dụng biện pháp 5K sau khi Việt Nam có tỷ lệ phủ vaccine phòng Covid-19 đã lớn, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng đây là biện pháp khuyến cáo không cứng nhắc mà cần thực hiện linh hoạt đảm bảo hiệu quả. Trong đó, ông khuyến cáo đeo khẩu trang và rửa tay là 2 biện pháp cần thường xuyên thường xuyên thực hiện. Những biện pháp còn lại được thực hiện linh hoạt.
"Từng hoạt động cụ thể, đặc thù sẽ áp dụng phù hợp trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Ngoài 5K, ông Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Về việc tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, đến 28/4, cả nước đã đạt tỷ lệ bao phủ đạt gần 60%, phấn đấu hoàn thành trong quý II để chuẩn bị tiêm mũi 4. Việc tiêm vaccine cho trẻ em 5-11 tuổi cũng được yêu cầu hoàn thành trong quý II để quý III các cháu đi học.
Về câu hỏi rằng Việt Nam đã coi là bệnh lưu hành, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới công nhận Covid-19 là bệnh lưu hành.
Theo đánh giá của WHO, thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch, vẫn có nguy cơ xuất hiện biến chủng mới. Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá Việt Nam vẫn đang trong pha giữa. Bộ đang xây dựng phương pháp ứng phó, điều chỉnh linh hoạt đối với F0 và F1, đặc biệt là việc tạm dừng không khai báo y tế tại các cửa khẩu đã được thực hiện.
Dịch đã được kiểm soát tốt, song độ mở cửa của nước ta rất lớn, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kêu gọi người dân không được chủ quan.
Bộ Tài chính sẽ thanh kiểm tra mạnh các công ty đại chúng
Zing đặt câu hỏi tới Bộ Tài chính: "Sau một số vụ việc thao túng cổ phiếu và phát hành trái phiếu gần đây như ở FLC, Tân Hoàng Minh hay Louis Group, Bộ Tài chính các biện pháp gì để làm lành mạnh hóa, minh bạch hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu. Bộ Tài chính cũng có biện pháp nào để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm tốt hơn công tác quản lý Nhà nước của mình trong lĩnh vực chứng khoán và trái phiếu?".
Trả lời, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết Bộ sẽ tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và điều hành thị trường. Với thị trường cổ phiếu, cần cần nâng cao chất lượng thị trường hàng hóa, nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp. Với thị trường trái phiếu, cần minh bạch, tách bạch phát hành ra công chúng và riêng lẻ.
"Bộ sẽ rà soát các luật, báo cáo Chính phủ để sửa đổi quy định Nghị định 153, đảm bảo quy định của pháp luật với thị trường, phù hợp điều kiện và yêu cầu thực tiễn, tránh những việc mà qua đó, doanh nghiệp và nhà đầu tư lợi dụng", ông Chi nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh sẽ triển khai tái cấu trúc thị trường chứng khoán, các tổ chức môi giới, đơn vị quản lý quỹ, đơn vị kiểm toán độc lập.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh trong thời gian tới, Bộ tập trung nâng cao hiệu quả công tác giám sát; tăng cường năng lực của cơ quan quản lý; mở rộng và nâng cao, tăng cường tần suất, cưỡng chế thực thi, kịp thời phát hiện những vụ việc vi phạm.
"Trong giai đoạn tới, Bộ thanh kiểm tra mạnh các công ty đại chúng, không để công tác làm giá, thao túng giá xảy ra, tập trung vào sai phạm sử dụng vốn, công bố thông tin... Nếu phát hiện sai phạm thì xử lý nghiêm", ông Chi nói.