Từ 27/3 đến 24/4, ông Trần Vũ Minh dự kiến tiếp tục mua vào 20 triệu cổ phiếu Hòa Phát, đúng bằng số lượng cổ phiếu vừa mua thành công từ 17/3 đến 23/3. Ông Minh là con trai của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long.
Nếu mua thành công toàn bộ khối cổ phần trên, con trai chủ tịch Hòa Phát sẽ gom 40 triệu cổ phiếu doanh nghiệp trong hơn một tháng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 1,45%.
Hiện Chủ tịch Trần Đình Long cùng vợ và con trai đang quản lý tổng cộng 33,5% cổ phần của Hòa Phát. Sau giao dịch tới đây, tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Long tại công ty có thể tăng lên 34,2%.
Chốt phiên giao dịch ngày 26/3, giá cổ phiếu Hòa Phát giao dịch ở mốc 16.950 đồng. Tạm tính theo mức giá này, ông Minh phải chi khoảng 340 tỷ đồng trong đợt mua cổ phiếu lần này.
Trước đó, con trai ông Long đã chi không dưới 340 tỷ đồng để mua vào 20 triệu cổ phiếu Hòa Phát trong giai đoạn 17/3-23/3. Như vậy, số tiền thiếu gia của chủ tịch Hòa Phát chi ra trong hơn một tháng để gom 40 triệu cổ phiếu trên ước tính trên dưới 700 tỷ đồng.
Dù con trai Chủ tịch Trần Đình Long chi số tiền lớn để mua cổ phiếu, giá cổ phiếu của Hòa Phát vẫn chưa cải thiện và liên tục đi xuống trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu Hòa Phát liên tục đi xuống từ sau Tết Âm lịch. Ảnh: VNDS. |
So với thời điểm ông Minh lần đầu bố mua 20 triệu cổ phiếu, giá cổ phiếu của doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam đã giảm 12%. Nếu so với mức đỉnh 26.300 trong năm nay, cổ phiếu Hòa Phát đã sụt giảm 36% giá trị.
Thời gian qua, cổ phiếu Hòa Phát còn thường xuyên nằm trong top 5 mã bị nhà đầu tư ngoại bán ròng nhiều nhất mỗi phiên giao dịch.
Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát đã thông qua chủ trương điều chỉnh điều chỉnh dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất - giai đoạn mở rộng tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2019, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 sau gần 3 năm và đang vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và 2 cùng các hạng mục liên quan trong chuỗi sản xuất khép kín từ quặng sắt tới thép xây dựng.
Đối với giai đoạn 2, trên 80% hạng mục thiết bị chính đã hoàn thành, dự kiến đưa vào hoạt động 2 lò cao còn lại và dây chuyền đúc cán thép dẹt (HRC) vào hoạt động trong quý II/2020.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, chi phí xây dựng cơ bản dở dang dự án khu liên hợp gang thép Dung Quất của Hòa Phát là gần 33.100 tỷ đồng, tính tới cuối 2019.