Sau phiên tăng điểm mạnh nhất từ năm 2009 vào hôm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên 26/3 đã gặp áp lực bán chốt lời khi VN-Index xuống dưới mốc tham chiếu.
Sau khi về mức thấp nhất trong ngày 680 điểm, VN-Index bắt đầu bật tăng trở lại nhờ lực cầu và có thời điểm chạm mốc 700. Đóng cửa phiên hôm nay, VN-Index đạt 694 điểm, tăng 4 điểm (+0,6%).
Dù vậy, độ rộng thị trường hôm nay nghiêng về bên bán với 265 mã giảm và 108 mã tăng trên sàn HoSE. Trong nhóm VN30, 21 mã giảm và chỉ 9 mã tăng.
Tại sàn Hà Nội, số lượng cổ phiếu giảm giá cũng chiếm ưu thế so với mã tăng với tỷ lệ 109 - 46 khiến HNX-Index mất 2,3%. Chỉ số UPCoM Index giảm 1,1%.
Những cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh và tác động tiêu cực lên VN-Index có MWG (Thế giới Di động) giảm 7%, HPG (Hòa Phát) giảm 5%, CTG (Vietinbank) giảm 4%, TCB (Techcombank) giảm 3, GAS (PV Gas) giảm 2%.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ quan trọng của một số mã trụ cột như VIC (Vingroup) tăng 7%, SAB (Sabeco) tăng 4%, VHM (Vinhomes) tăng 3%, VNM (Vinamilk) và VCB (Vietcombank) tăng 2% vẫn giúp VN-Index đóng cửa trong sắc xanh.
Diễn biến VN-Index từ đầu năm 2020. Ảnh: VNDS. |
Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 4.800 tỷ đồng, thấp hơn so với nhiều phiên gần đây. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực xuất hiện khi nhà đầu tư ngoại giảm áp lực bán ròng đáng kể. Giá trị bán ròng của khối ngoại phiên 26/3 khoảng 40 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 3 tuần trở lại.
Áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào MSN (Masan) - 96 tỷ, VHM - 37 tỷ, VRE (Vincom Retail) - 25 tỷ. Trong khi đó, hai mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất là VNM - 107 tỷ và VIC - 35 tỷ.
Theo nhận định của MBS, thanh khoản trong phiên hôm nay giảm là điều đã được dự báo do tâm lý nhà đầu tư còn nghi ngờ về tình hình dịch bệnh. Đơn vị này khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục thận trọng dù thị trường có thể tiếp tục đi lên trong nghi ngờ.
Còn Mirae Asset cho rằng diễn biến “xanh vỏ đỏ lòng” có thể sẽ làm nhà đầu tư thận trọng và hạn chế mua vào khi thị trường tăng điểm. Công ty bày tỏ lo ngại phần lớn cổ phiếu tiếp tục chịu áp lực giảm điểm.
Các thị trường trong khu vực cũng diễn biến trồi sụt khác nhau trong hôm nay. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc giảm lần lượt 4,5% và 1,1%.
Ở Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Component cũng giảm 0,6% và 0,8% tương ứng. Ngược lại, chỉ số ASX 200 của Australia tăng 2,3%.