Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơn sốt Air Jordan và mối lo bong bóng giày sneaker ở Trung Quốc

Giày sneaker được mua bán tại Trung Quốc giống như giao dịch trên sàn chứng khoán, với giá mở cửa và đóng cửa. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cảnh báo về nguy cơ bong bóng mới.

Những tháng gần đây, nền kinh tế Trung Quốc phải oằn mình trước cuộc chiến thương mại với Mỹ, tăng trưởng kinh tế giảm tốc và dịch cúm heo châu Phi khiến thịt heo tăng giá.

Nhưng bong bóng giày thể thao cũng có thể trở thành mối nguy hại mới đối với nền kinh tế Trung Quốc. Thay vì tiền ảo hay cơn sốt tỏi, các nhà đầu tư Trung Quốc đua nhau đầu tư vào giày thể thao với mức giá trên trời.

Biến giày thể thao thành chứng khoán

“Mua bán giày thể thao cũng không khác gì đầu tư chứng khoán. Bạn sẽ phải nghiên cứu giá mở cửa và giá đóng cửa”, Wang Zhichen, 32 tuổi, làm việc tại công ty thanh toán di động có trụ sở ở Thượng Hải.

Nhiệm vụ mỗi sáng của anh là kiểm tra giá trên hai nền tảng giao dịch giày thể thao phổ biến của Trung Quốc, Nice và Poizon. Sau đó, Wang sẽ điều chỉnh giá bán dự định cho hơn 700 khách hàng tiềm năng thông qua siêu ứng dụng WeChat.

Bong bong giay sneaker anh 1
Giày sneaker được bán với giá trên trời trên các nền tảng giao dịch Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Cơn sốt giày sneaker đang được thổi bùng ở Trung Quốc, đặc biệt là Air Jordans. Bên cạnh giới yêu giày, những nhà đầu cơ bắt đầu tràn ngập thị trường và biến giày thể thao thành các công cụ tài chính phái sinh. Họ thậm chí còn chia một đôi giày thành các phần và mua bán theo tỷ lệ.

Trên nền tảng giao dịch Nice, một đôi Travis Scott Nike Air Force 1s sẽ được bán vào ngày 4/11 với giá 170 USD. Hai khách hàng đã mua quyền chọn mua này với giá lần lượt là 1.553 USD2.667 USD cùng với hơn 2.000 người khác cũng quan tâm.

Giao dịch này tương tự quyền chọn mua trên thị trường chứng khoán.

Hơn 800 người mua khác cũng trả giá từ 295 USD đến 700 USD để có quyền mua cặp Air Jordans được bán với giá 183 USD vào ngày 5/11.

Văn hóa giày sneaker bắt nguồn từ những năm 1980, nhất là sau khi đôi Air Jordan đầu tiên được phát hành vào năm 1984. Nhưng việc mua bán giày thể thao giờ đây đã bị biến tướng. Một cặp Air Jordan có thể được bán với giá 10.740 USD. Các nền tảng bán giày trực tuyến như Nice, DoNew hay Poizon phát triển chóng mặt với mức định giá hơn 1 tỷ USD.

"Các nhóm đầu tư trên WeChat đang sinh sôi nảy nở với những cái tên như XX Sneaker to da moon. Mối quan tâm hàng đầu của họ là đánh bạc. Chúng cũng tương tự các nhóm đầu cơ vào tiền điện tử nổi lên vào năm 2017", Abacusnews dẫn lời Matthew Graham, CEO của Sino Global Capital.

Bong bong giay sneaker anh 2
Người chơi thậm chí mua bán một phần nhỏ của đôi giày. Ảnh: Sneaker News.

Cũng giống như tiền ảo, người chơi không phải mua cả một đôi giày. Các nền tảng như 55.com sẽ cho phép người mua mua một phần của đôi giày được thể hiện bằng token.

Chẳng hạn, bạn muốn đầu tư vào một đôi Air Jordan 1 Retro High Travis Scott nhưng không có đủ 1.800 USD, bạn có thể mua một tỷ lệ nhỏ. Khi bạn muốn thu lời về, bạn chỉ cần bán token cho những người mua tiếp theo.

Tại Trung Quốc, việc mua bán token hay tiền ảo bị cấm nhưng điều này không ngăn được các nhà đầu tư Trung Quốc.

"Đối với một số thương hiệu và kiểu giày sneaker, cơn sốt này dẫn đến sự biến động mạnh mẽ và khiến giá cả xa rời giá trị thực", Graham nhận định.

Nguy cơ bong bóng

Wall Street Journal cho biết ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cảnh báo về nguy cơ bong bóng giày sneaker. Giữa tháng 10, cơ quan này có cuộc họp ngắn về tình trạng mờ ám của giao dịch giày sneaker và mô tả làn sóng này tương tự với sự bùng nổ của tiền ảo.

Làn sóng giày thể thao đang thu hút các nhà đầu cơ và có thể biến họ trở thành những nạn nhân đầu tiên.

Giới đầu tư Trung Quốc luôn đổ xô vào bất cứ thứ gì hấp dẫn, chẳng hạn như tiền ảo hay tỏi. Theo Wall Street Journal, giá tỏi tăng gấp 40 lần ở một số vùng ở Trung Quốc vào năm 2009.

Những bong bóng này hiếm khi có kết cục tốt đẹp.

Các nền tảng giao dịch giày sneaker của Trung Quốc cũng được thiết lập để giúp người mua xác minh tình trạng giày và tránh hàng giả, giống như những nền tảng tương tự ở Mỹ.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, các nhà đầu cơ tận dụng khoảng thời gian 30 phút - khi cả người mua và người bán đều có thể từ chối giao dịch mà không bị phạt - để hủy giao dịch, tạo chào hàng mới bằng nhiều tài khoản khác nhau trong một thời gian ngắn.

Hành động này sẽ tạo "cú lừa" về nhu cầu và khiến giá giày tăng 300% chỉ trong 30 phút.

Một số người mua quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán giày thậm chí không bao giờ phải giao hàng.

Một số nền tảng giao dịch đang cố lấp đầy lỗ hổng này bằng cách bắt người mua hàng phải lấy hàng trước khi bán lại giày. Nhưng quy định này cũng không có tác dụng đáng kể.

Theo Abacusnews, cách đầu cơ này cũng làm tổn thương giới chơi giày sneaker. Mặc dù họ thường được coi là nạn nhân của phong cách thời trang hiện đại, nhưng một số người thậm chí phải dựa vào các khoản vay trực tuyến để mua giày.

Những người bán hàng thường quảng bá sản phẩm bằng cách thuyết phục khách hàng "làm điều mình thích".

Lời cảnh báo từ chính phủ Bắc Kinh sẽ là tin xấu đối với Yang Lee, 25 tuổi. Anh bắt đầu bán đôi Bugs Bunny Air Jordans với khoản lãi hơn 100 USD. Với 24 đôi giày nằm trong "danh mục đầu tư", anh không mấy lo lắng về việc các khoản đầu tư mất giá. "Mọi người đều cho rằng anh ta không thể là người phải chịu hậu quả cuối cùng". Yang tin rằng anh sẽ có khoản lãi 3.500 USD nếu bán hết số giày mình có.

Theo nguyên tắc đó, một mức giá tăng cao sẽ tiếp tục tăng ngay cả khi mặt hàng không có giá trị. Hồi tháng 9, một chiếc móc khóa IKEA có giá 0,7 xu đã tăng giá lên 140 USD, một quà tặng miễn phí khác được bán với giá 282 USD trên nền tảng Nice.

Thị trường hỗn độn

Một trong những đôi giày mà Liu Yuan yêu thích nhất, SB Dunk High Pro Dog Walkers của Nike, được pha trộn bằng nhiều màu sắc của lông chó. Anh cho rằng đôi giày pha trộn giữa lông chó Afghan, giống chó Golden Retriever, chó chăn cừu Đức và chó đốm.

Liu, 23 tuổi, làm việc trong một công ty thể thao Thượng Hải, đã mua đôi giày này với giá 212 USD trên nền tảng Nice hồi tháng 7. Giờ chúng được bán với giá 310 USD. Nhưng anh vẫn chưa quyết định bán lại.

"Khi tôi đi đôi giày này, đồng nghiệp khen rằng tôi rất sành điệu", Liu tự hào.

Bong bong giay sneaker anh 3
Giá đôi SB Dunk High Pro Dog Walkers tăng từ 212 USD lên 310 USD trong vòng 3 tháng. Ảnh: BBI.

Guan Tian, 25 tuổi, điều hành một cửa hàng giày sneaker ở khu phố Sanlitun ở Bắc Kinh cùng với bạn bè của mình. Anh tiết lộ bong bóng giày sneaker đã khiến giá giày trở nên quá cao đối với những người yêu giày thực sự. Một vài năm trước, người yêu giày có thể xếp hàng bên ngoài cửa hàng, nhưng giờ đây họ chỉ được lựa chọn ngẫu nhiên bằng kết quả xổ số.

Điều đó cũng khiến các chủ cửa hàng gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung mới.

Để gia tăng cơ hội trúng thưởng trên trang web chính thức của Nike, Wang thậm chí phải thuê một công ty đăng ký bằng robot.

Theo Wall Street Journal, anh khoanh tròn những người vừa trả 180 USD cho đôi Air Jordan 6s màu xám đen, phiên bản giới hạn được thiết kế bởi Travis Scott, với giá bán 1.000 USD. "Không giống như chứng khoán, không có một cơ quan quản lý nào trong thị trường này", Wang cho biết.

Sau tuyên bố của PBOC, các nền tảng bán giày sneaker như Nice đã gỡ bỏ bảng giá. Cảnh báo về nguy cơ mất tiền và hàng giả cũng được đăng tải. Nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nhà đầu cơ từ bỏ mối quan tâm.

Họ thậm chí còn có khẩu hiệu mới: “Bất động sản không tốt bằng cổ phiếu, cổ phiếu không tốt bằng giày”.



Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm