Tuần qua, thị trường F&B Việt Nam đã có một cú sốc với sự sụp đổ bất ngờ của một trong những ông lớn của ngành nhà hàng ăn uống, công ty Huy Việt Nam. Huy Việt Nam là công ty đang sở hữu nhiều thương hiệu lớn như Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy... với 210 cửa hàng ở các vị trí đắc địa tại các thành phố lớn trên cả nước.
Cú ngã của Huy Việt Nam đang đặt ra câu hỏi sự sụp đổ này do hoạt động kinh doanh yếu kém của bản thân doanh nghiệp hay thị trường đã đạt đến ngưỡng bão hòa?
Cú ngã chưa từng có trong lịch sử F&B Việt
Bà K.H., người được cho là một trong những nhà đầu tư vào Huy Việt Nam, nói với Zing.vn về sự việc của Công ty Huy Việt Nam: "Trong lịch sử kinh doanh Việt Nam, chưa doanh nghiệp nào có vốn điều lệ lớn như Huy Việt Nam lại sụp đổ hoàn toàn chỉ trong vài chục tiếng đồng hồ như vậy".
Tính đến cuối năm 2018, lỗ lũy kế của Công ty Huy Việt Nam là hơn 100 tỷ đồng và nợ phải trả 841 tỷ đồng.
Trong khi đó, thông cáo từ nhóm các nhà đầu tư nước ngoài vào Huy Việt Nam, từ năm 2013 đến nay, doanh nghiệp đã nhận tổng số vốn đầu tư lên đến 70 triệu USD. Các nhà đầu tư bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital, Welkin Capital và một số nhà đầu tư cá nhân không tiện nêu tên.
Tính đến hết năm 2018, tổng nợ phải trả của Công ty Huy Việt Nam là 841 tỷ đồng. Ảnh: Lê Quân. |
Với số vốn điều lệ hơn 600 tỷ đồng, Huy Việt Nam là một trong những chủ chuỗi nhà hàng ẩm thực có vốn điều lệ lớn nhất, gấp 3 lần Redsun và gấp 8 lần Golden Gate, hai ông lớn khác của thị trường kinh doanh chuỗi nhà hàng ẩm thực ở Việt Nam.
Phân tích về sự thất bại của chuỗi Món Huế, chuyên gia kinh tế Trần Bằng Việt, CEO Dong A Solution nhận định các khó khăn mà bất kỳ chuỗi nào cũng phải đối mặt là tài chính, trình độ quản lý và quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm.
"Việc mở rộng quá nhanh trong khi các cửa hàng hiện tại chưa đạt hiệu quả tài chính đủ tốt là quá mạo hiểm", ông Việt đánh giá.
Giống như ông Việt, bà K.H. cũng tự nhìn nhận doanh nghiệp đã mở quá nhiều chi nhánh để phô trương thương hiệu mà không chú trọng cải thiện chất lượng, đồng thời giá thành cao trong khi chất lượng đồ ăn không đảm bảo, thái độ phục vụ của nhân viên chưa đạt yêu cầu.
Ngành F&B giảm tốc tăng trưởng
Nếu so sánh với Golden Gate và Redsun, có thể thấy trong khi kết quả của Huy Việt Nam sụt giảm trong những năm gần đây thì kết quả kinh doanh của 2 ông lớn còn lại vẫn tăng trưởng nhanh.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của cả Golden Gate và Redsun đều đang có dấu hiệu chững lại, không còn như kỳ vọng.
Doanh thu của Golden Gate và Redsun năm 2018 đều có dấu hiệu chững lại so với 3 năm trước đó. |
Theo số liệu về doanh thu được hai thương hiệu này công bố, Golden Gate từng kỳ vọng doanh thu năm 2018 đạt 4.415 tỷ đồng trong khi thực tế chỉ đạt 3.970 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 17%. Đây là mức thấp nhất trong những năm gần đây của Golden Gate.
Trong khi đó, tốc độ tăng doanh thu năm 2018 của Redsun cũng chỉ đạt gần 14% trong khi con số này năm 2017 là hơn 51%.
Được xem là một điểm sáng của nền kinh tế trong những năm gần đây, ngành F&B Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ ở mức trung bình 18%/năm từ sau năm 2014 và đạt 540.000 cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống trong cả nước, theo thống kê từ D'corp R- Keeper Việt Nam.
Mặc dù vậy, nhiều thương hiệu đình đám một thời cũng phải chọn cách thu gọn bộ máy hoặc nói lời chia tay với thị trường đầy khốc liệt này. Gần đây nhất là Ten Ren, thương hiệu trà sữa Đài Loan do Công ty CP TMDV Trà Cà Phê Việt Nam (chủ sở hữu chuỗi The Coffee House) nhận nhượng quyền tại Việt Nam. Tháng 8 vừa qua, toàn bộ 23 cửa hàng của chuỗi trà sữa này đã đóng cửa với lý do mô hình kinh doanh của Ten Ren chưa phù hợp với nhu cầu của khách hàng và kết quả chưa đạt kỳ vọng.
Trao đổi với báo chí, ông James Dương Nguyễn Tổng giám đốc D'corp R- Keeper Việt Nam từng nhận định nguyên nhân về sự giảm tốc của ngành F&B là do chi phí mặt bằng quá đắt đỏ, không tương xứng với mặt bằng kinh doanh chung của ngành.
Thứ hai là sau một thời gian phát triển thần tốc, các doanh nghiệp đều cần có khoảng thời gian chững lại để đánh giá tính hiệu quả trong mô hình kinh doanh của mình.
Sự nhập cuộc của thương hiệu ngoại
Bất chấp giá thuê mặt bằng bán lẻ đang ở mức đạt đỉnh và nhiều thương hiệu lớn bị đánh bật ra khỏi thị trường, một số thương hiệu quốc tế nổi bật cũng sẽ sớm tiến vào Việt Nam.
Trong đánh giá mới nhất của Savills về thị trường bất động sản quý III năm nay, bà Từ Thị Hồng An, Phó giám đốc bộ phận cho thuê thương mại Savills, nhận định: "Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành F&B đã thu hút các thương hiệu quốc tế gia nhập, áp lực cạnh tranh gia tăng với các thương hiệu nội địa. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ chất lượng và giá cả".
Hawker Chan là thương hiệu cơm và mì gà quay nổi tiếng ở Singapore và từng nhận sao Michelin danh giá vào năm 2016. Ảnh: Nuria Ling. |
Đơn vị này cho biết nhiều thương hiệu quốc tế nổi bật đã và sẽ gia nhập thị trường, điển hình như Hawker Chan (với tiêu chuẩn sao Michellin), Coffee Club, Din Tai Fung, Greyhound và Putien.
Cùng lúc đó, chuỗi quản lý thương hiệu F&B nội địa như Redsun, Golden Gate, Hoàng Yến, Mesa và VIG vẫn giữ vững vị thế và tiếp tục đa dạng danh mục đầu tư với nhiều nhà hàng và thương hiệu mới.
Nghiên cứu về ngành F&B Việt Nam năm 2018 của Vietnam Report cho thấy, ngành này hiện chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng lên, đồng thời đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng với 35% tổng mức chi tiêu.
Statista ước tính doanh thu của ngành F&B Việt Nam năm 2019 sẽ lên tới 200 triệu USD với 15,76 triệu người tiêu dùng và dự kiến tốc độ tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 2019-2023 đạt 19,4%.
Điều đó cho thấy mặc dù trong bối cảnh đầy khó khăn, nhiều nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm cơ hội rót vốn vào thị trường với hai lý do chính, tầng lớp trung lưu đang gia tăng và việc chi tiêu cho F&B chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tiêu dùng của người Việt.