Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con số khiến Bắc Kinh 'đau đầu' dai dẳng

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 16-24 tuổi ở Trung Quốc đại lục đạt mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4, tương đối cao so với hầu hết nền kinh tế lớn và thị trường mới nổi khác.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt 20,4% vào tháng 4. Ảnh: VCG.

Tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ Trung Quốc lần đầu vượt 20% vào tháng 4 vừa qua. Thuật ngữ này dùng để chỉ tỷ lệ phần trăm những người trong độ tuổi 16-24 “có khả năng” và “sẵn sàng” làm việc nhưng không có việc làm.

Theo South China Morning Post, đây là chỉ số quan trọng để Bắc Kinh đánh giá ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế.

Các nhà phân tích cho rằng tình hình có thể tiếp tục xấu đi, gây rủi ro kinh tế và xã hội ngày càng lớn cho các nhà hoạch định chính sách.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc là bao nhiêu?

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 16/5 cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm 16-24 tuổi đạt mức cao kỷ lục 20,4% trong tháng 4, tăng từ 19,6% trong tháng 3.

Con số trên chủ yếu gồm người mới tốt nghiệp từ các trường trung học hoặc trường dạy nghề ở độ tuổi 15-18, và sinh viên đại học thường tốt nghiệp ở độ tuổi khoảng 22.

Trung Quốc có hệ thống giáo dục bắt buộc 9 năm, cung cấp giáo dục tiểu học và trung học cơ sở miễn phí trên toàn quốc cho trẻ trên 6 tuổi. Giáo dục trung học phổ thông và đại học không bắt buộc.

Sinh viên mới tốt nghiệp thường khó tìm được việc do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng và trình độ chuyên môn.

Trung Quốc bắt đầu công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ năm 2018. Vào tháng 1/2018, tỷ lệ này ở mức 11,2%. Mức cao nhất trước tháng 4 năm nay là 19,9% hồi tháng 7/2022, với trung bình năm 2022 là trên 17%.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc có xu hướng tăng lên cho đến tháng 7, thời điểm học sinh trung học và đại học tốt nghiệp.

So sánh với các nền kinh tế khác?

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tương đối cao so với hầu hết nền kinh tế lớn khác và một số thị trường mới nổi.

Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên Mỹ - được định nghĩa là người trong độ tuổi 15-24 không có việc làm nhưng sẵn sàng và đang tìm kiếm việc làm - trung bình là 8,1% vào năm 2022, giảm từ 9,57% vào năm 2021 và 14,85% vào năm 2020.

Con số này của Mỹ giảm xuống 6,5% trong tháng 4, mức thấp nhất kể từ năm 1953, giảm từ mốc 7,5% trong tháng 3.

Hong Kong, Đức, Hàn QuốcNhật Bản đều ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên dưới 7%.

Hong Kong ghi nhận con số 5,4% trong tháng 3, giảm từ 5,8% trong tháng 2, trong khi cùng kỳ, Đức ghi nhận lần lượt là 5,6% và 5,7%.

Tỷ lệ của Hàn Quốc cũng giảm xuống 6,5% trong tháng 4, từ 7,2% trong tháng 3. Ở Nhật Bản, 4,7% thanh niên thất nghiệp vào tháng 3, giảm từ 5,2% hồi tháng 2.

Mốc của Đài Loan xoay quanh 11,8% vào tháng 2 và tháng 3, trong khi con số này dưới 8% ở Thái Lan.

Một số nơi khác có tỷ lệ khá lớn, như 20,1% và 21,6% thanh niên ở Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển không có việc làm trong tháng 3. Cùng tháng, Italy và Hy Lạp chứng kiến 22,3% và 24,2% người trẻ không tìm được việc.

Ở Tây Ban Nha, con số này vẫn ở mức trên 29% kể từ tháng 11/2022, sau khi giảm từ mức cao gần đây là 31,6% trong cả tháng 8-9 năm ngoái.

Vì sao tỷ lệ ở Trung Quốc tăng cao?

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên (16-24 tuổi) thường cao gấp 2-3 lần so với nhóm trên 25 tuổi.

Ở khu vực thành thị Trung Quốc, tỷ lệ không có việc làm rơi vào khoảng 5,2% trong tháng 4 - giảm từ 5,3% một tháng trước đó, trong khi tỷ lệ của nhóm 25-59 là 4,2%.

Với 11,6 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học - tương đương dân số Bỉ - chuẩn bị gia nhập lực lượng lao động trong năm nay nhưng cơ hội hạn chế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, con số của nhóm trẻ ở Trung Quốc có thể tăng hơn nữa trong những tháng tới.

Số sinh viên đại học ở Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần so với hai thập niên trước đó, trong khi hệ lụy từ Covid-19 khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn. Niềm tin của nhà đầu tư cũng ở mức thấp dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại vào cuối năm ngoái.

Một số quan chức chính phủ cho rằng nguyên nhân mất cân bằng trong thị trường việc làm bắt nguồn từ sự phân biệt đối xử với tầng lớp lao động chân tay, khiến nhiều nhà máy vật lộn tìm kiếm công nhân.

Triển vọng

Thất nghiệp vẫn là vấn đề dai dẳng ở Trung Quốc, do số lượng kỷ lục sinh viên tốt nghiệp gia nhập thị trường việc làm trong năm nay.

Zhang Zhiwei - nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management - gọi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc tăng trên 20% trong tháng 4 là “dấu hiệu đáng lo ngại”.

Bắc Kinh cam kết cung cấp các khoản trợ cấp tuyển dụng, tạo ra nhiều vị trí tuyển dụng hơn trong khu vực công và trong các công ty nhà nước, đồng thời cung cấp một triệu cơ hội thực tập.

Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán tăng trưởng 5% trong năm nay, tình hình nhiều doanh nghiệp vẫn còn bấp bênh do sự gián đoạn ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia - cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu của đất nước - cho biết sau khi công bố dữ liệu thất nghiệp tháng 4 vào giữa tháng 5, họ sẽ tập trung vào đào tạo nghề cho nhóm trẻ tuổi, trang bị cho họ kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm.

Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Mỹ - Nhật phối hợp đoàn kết G7 để đối phó Trung Quốc

Đối phó với Trung Quốc là chủ đề cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Fumio Kishida diễn ra ngay sau khi nhà lãnh đạo Mỹ tới Nhật Bản.

ASEAN và Trung Quốc quan ngại về diễn biến phức tạp trên Biển Đông

Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (SOM-DOC) đã diễn ra tại Hạ Long ngày 17/5.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm