Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con người sẽ làm việc chung với AI thế nào?

Con người sẽ không phải giết mổ động vật, chở gạch hay quét dọn nhà nữa mà có thể làm những điều khiến cho tâm hồn họ cảm thấy bay bổng.

Một trong những công việc tiềm năng mà tôi kỳ vọng sẽ xuất hiện trong tương lai là vị trí “chuyên gia tâm lý AI”. Những người này cần hiểu biết một cách rất sâu sắc và toàn diện về tác động của việc liên tục tương tác với các hệ thống AI lên tâm lý con người - điều rất có thể sẽ khiến nhiều người ngày càng cảm thấy bị cô lập, hoặc nặng hơn là lo âu.

Để hạn chế những tác động tiêu cực từ AI, các chuyên gia tâm lý này có thể sẽ phải phát triển các phương pháp trị liệu mới như “thiền chánh niệm về AI”, trong đó các cá nhân được hướng dẫn thực hiện các bài tập giúp họ duy trì được sự tỉnh thức trong khi tương tác với các hệ thống AI.

Họ cũng có thể tạo các nhóm hỗ trợ để người tham gia chia sẻ kinh nghiệm và cảm xúc của mình về việc sống và làm việc hàng ngày với AI, đưa ra các cách thức hữu hiệu để quản trị cảm xúc tiêu cực. Mục tiêu cao nhất của họ không chỉ dừng lại ở việc giúp khách hàng thích ứng về mặt tâm lý với AI mà còn là gây dựng một mối quan hệ cân bằng và lành mạnh với công nghệ này.

Canh bac AI anh 1

Con người và AI hoàn toàn có thể chung sống hòa bình. Ảnh: apacentrepreneur.

Một công việc hết sức quan trọng khác là “chuyên gia an toàn AI” - một sự tổng hòa giữa chuyên gia an ninh mạng, nhà khoa học dữ liệu và chuyên viên pháp chế. Họ là những người có nhiệm vụ liên tục theo dõi, phân tích và đánh giá những tác động tiêu cực của AI để kiến nghị các phương thức kiểm soát các hệ thống này trước khi chúng có thể đặt ra mối đe dọa thực sự đối với sự sống còn của cả xã hội.

Bên cạnh đó, họ cũng sẽ phải liên tục giám sát sự vận hành những hệ thống AI mạnh nhất để đảm bảo rằng chúng không rơi vào tay kẻ xấu nói chung và những thế lực khủng bố nói riêng.

Tựu chung, nếu bạn đang lo mình mất việc về tay AI trong thời gian tới, một trong những câu hỏi quan trọng nhất sẽ là: trong một thời đại mà gần như tất cả mọi người đều phải làm việc cùng với AI, họ sẽ cần những sản phẩm bổ sung hay dịch vụ hỗ trợ gì mà tôi có thể cung cấp được? Trả lời được câu hỏi đó, bạn sẽ tự tìm được “lối thoát” cho riêng mình.

Ngay lúc này, bản thân tôi cũng chưa quyết định được xem mình theo “trường phái” bi quan hay lạc quan về AI nếu xét đến khía cạnh tương lai của việc làm. Nói cách khác là tôi chưa dám tự tin nói rằng AI sẽ tạo ra nhiều công việc hơn hay xóa sổ nhiều công việc hơn trong tương lai.

Giám đốc điều hành của WEF, bà Saadia Zahidi nhận định rằng về lâu dài, số lượng công việc mới được tạo ra vẫn sẽ nhiều hơn số lượng công việc bị mất đi bởi AI. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kể cả điều đó có thành sự thật thì chúng ta rất có thể sẽ phải đối mặt với một thời gian “quá độ” đáng kể, một khoảng thời gian có thể kéo dài 5-10 năm mà trong đó số lượng việc làm liên tục giảm sút nhưng việc làm mới thì chưa xuất hiện đáng kể. Và kể cả khi việc làm mới xuất hiện, câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có đủ bộ kỹ năng để thực hiện những công việc đó không?

Trước khi kết thúc phần này, tôi muốn chia sẻ với các bạn một điều có thể tạm gọi là “nghịch lý về AI”: AI càng giỏi xử lý những tác vụ cơ bản, những công việc lặp đi lặp lại thì càng có nhiều người mất việc làm vào tay AI, song họ càng mất những công việc “tay chân” thì càng có cơ hội để kết nối được với gốc rễ, bản chất của con người, thay vì tiếp tục vai trò nô lệ của máy móc và chủ nghĩa tư bản.

Khi mà AI đã có thể xử lý được phần lớn các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, con người sẽ có nhiều tự do hơn để theo đuổi những công việc được thúc đẩy bởi niềm đam mê, lẽ sống và sáng tạo. Nói cách khác, sẽ không còn ai phải làm những việc mà họ cảm thấy sẽ ra tiền nhưng không kích thích trí sáng tạo hay khiến họ cảm thấy say mê.

Sẽ không còn ai phải giết mổ động vật, chở gạch hay quét dọn nhà nữa. Họ sẽ có thể làm những điều khiến cho tâm hồn họ cảm thấy bay bổng, rằng họ có thể đang “chơi” (như những vận động viên cờ vua hay các ca sĩ) mà vẫn có thể kiếm sống.

Sự dịch chuyển như vậy có thể giúp xây dựng một môi trường làm việc thỏa mãn hơn, nơi mọi người đều có thể tìm thấy giá trị và ý nghĩa thực sự trong công việc của họ, thoát khỏi những ràng buộc của hệ thống tư bản thường coi trọng năng suất hơn con người.

Ngô Di Lân/NXB Trẻ

SÁCH HAY