Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con người bị biến dạng trong tranh của AI

Những thuật toán của AI biết cách để tạo nên một tác phẩm nhìn thoáng qua rất đẹp, nhưng càng nhìn kỹ sẽ thấy nhiều chi tiết kỳ quặc.

chatgpt anh 1

Một bức tranh được tạo ra từ phần mềm AI, chi tiết ngón tay cái bị biến dạng. Nguồn: Leonardo.

Theo đánh giá của các họa sĩ truyện tranh Việt Nam, tác phẩm của AI thoạt nhìn qua có vẻ rất thuận mắt. Nhưng nếu chú ý kỹ vào từng chi tiết, họ đã phát hiện ra những ngón tay bị cụt, phần mắt không đều và phối cảnh có nhiều lỗi logic.

Tranh AI không thể qua mắt được dân chuyên

Theo họa sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Châu (bút danh Châu Chặt Chém), tác phẩm của AI thường phổ biến với những lỗi như “thiết kế quần áo khó hiểu, không rõ ý đồ, tay vẽ thiếu ngón, mặt vẽ chưa xong, tóc không rõ khối”. Khi nhìn sâu hơn nữa, tác giả của Bad Luck còn nhận thấy các nhân vật được tạo ra bởi AI có các bộ phận không đều, chẳng hạn như tai, mắt.

“Với tranh của AI, người không trong ngành nhìn thoáng qua có thể khen đẹp vì ấn tượng đầu tiên, tổng thể nó rất ổn, phối màu đẹp và ấn tượng. Nhưng ai với người có kiến thức, chỉ cần nhìn kỹ một chút thấy hàng loạt lỗi sai ngớ ngẩn”, họa sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Châu chia sẻ.

Cùng ý kiến với tác giả Châu Chặt Chém, họa sĩ Bách Lê nhận thấy rằng lỗi mất chi tiết là một trong những thứ thường thấy ở sản phẩm của trí tuệ nhân tạo. Hơn nữa, trong một số tranh vẽ, người xem còn thấy được khuôn mặt nhân vật bị biến dạng, mắt lác, không phân biệt được tóc mai và cằm.

chatgpt anh 2

Phần mắt của nhân vật trong tranh AI đã bị mất.

“Cơ bản thì AI nắm bắt tổng thể bố cục khá tốt, màu sắc và ánh sáng rất nịnh mắt. Nhưng khi đi vào chi tiết, nhiều điểm được mô phỏng không rõ ràng có thể vì máy móc không tự quyết định được chi tiết đó sẽ mang ý nghĩa gì”, họa sĩ Bách Lê chia sẻ. Tác giả của bộ truyện Học viện bóng đá nhấn mạnh rằng ở những hình nhỏ AI sẽ dễ sai hơn. Khi đó, các chi tiết trong tranh không được sắp xếp chính xác hoặc lỗi do nhận thức của AI còn hạn chế.

Từ các chi tiết bị lỗi, phối cảnh trong tranh cũng có thể bị ảnh hưởng. Chẳng hạn các nhân vật phụ phía sau không rõ hành động, người đằng sau đè lên một phần người phía trước. Thậm chí, nhiều tấm hình còn cho thấy phần nền không liên quan hoặc thậm chí không khớp với chủ đề chính của bức tranh.

Bên cạnh đó, một số công cụ AI khó có thể tái hiện các biểu cảm khuôn mặt phức tạp, dẫn đến những khuôn mặt không có hồn hoặc biểu cảm không tự nhiên. Các chi tiết như nếp nhăn, sự thay đổi ánh mắt hoặc cử động môi thường không được thể hiện đầy đủ.

Làn sóng phản đối tranh AI

Trước việc các công cụ AI đang ngày trở nên mạnh mẽ và ảnh hưởng tới xuất bản tại một số quốc gia, các họa sĩ tại Việt Nam cũng nhận thấy đây là một vấn đề nhạy cảm. Họa sĩ Hoàng Tùng (người chịu trách nhiệm minh họa cuốn Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc) chia sẻ rằng các tác phẩm được trí tuệ nhân tạo vẽ lên đang vướng phải vấn đề bản quyền vào đạo đức.

Không ai rõ cách mà các phần mềm AI này được nhập liệu. Hơn hết, người dùng cũng không biết AI đang sao chép phong cách của ai. Một họa sĩ phải mất nhiều năm, thậm chí cả cuộc đời, để có thể định hình và hoàn thiện phong cách nghệ thuật riêng của mình.

Tuy nhiên, các công ty phát triển AI có thể dễ dàng lấy dữ liệu này để nạp vào các thuật toán, từ đó tạo ra những tác phẩm mà bản thân người sáng tạo ban đầu không hề hay biết. Điều đáng nói là chưa có một đơn vị tạo ra phần mềm AI thiết kế nào phải thừa nhận và chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài nguyên mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu. Nhiều tranh cãi về giá trị thực sự của các tác phẩm nghệ thuật do AI sản xuất đã dấy lên.

chatgpt anh 3

Phần đổ bóng trong tranh của AI cũng còn hạn chế.

Từ góc độ của người trong ngành, họa sĩ Bách Lê nhấn mạnh: “Các tác phẩm do AI tạo ra dễ bị tẩy chay bởi cộng đồng họa sĩ cũng như độc giả vì những lỗi trong tranh và nét vẽ thiếu cá tính”. Điều này phản ánh một thực tế rằng mặc dù AI có thể tái tạo hình ảnh một cách chính xác, nhưng nó vẫn thiếu đi sự sáng tạo, tinh thần và cảm xúc mà chỉ con người mới có thể thổi hồn vào tác phẩm.

Ngoài ra, tác giả Châu Chặt Chém cũng chia sẻ: “Phần mềm AI không cung cấp được tập tin chứa dữ liệu gốc và không có ảnh HD. Tác phẩm của trí tuệ nhân tạo chỉ đạt tầm 72dpi, khi in ra sẽ vỡ, trông rất xấu, và nhân vật thì què quặt”. Những nhận xét trên càng củng cố thêm lý do khiến các tác phẩm AI trở nên thiếu thuyết phục trong mắt cả người sáng tạo và người tiêu dùng.

Với những vấn đề kỹ thuật và đạo đức còn tồn tại, công nghệ AI còn rất xa mới có thể đưa vào ứng dụng. Mặc khác, thông qua vấn đề về AI, giới xuất bản cũng đặt ra câu hỏi về tương lai của nghệ thuật trong kỷ nguyên AI, nơi mà ranh giới giữa sáng tạo và sao chép ngày càng trở nên mờ nhạt.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Câu hỏi chia sẻ doanh thu giữa giới AI và họa sĩ truyện tranh

Một nghị sĩ Nhật Bản đề xuất các dịch vụ AI dành riêng 1% thu nhập cho các dự án văn hóa, theo Nikkei Asia.

Truyện tranh Việt học gì ở cách phân loại, phát hành manga của Nhật?

Với thế hệ họa sĩ Việt chịu ảnh hưởng của manga đang dần định hình phong cách riêng, xuất bản truyện tranh Việt cũng có thể tham khảo từ cách phát hành, quảng bá manga của Nhật.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm