“Tôi hoan nghênh việc Campuchia và nhiều nước khác đã chú ý nhiều hơn tới vấn đề này trong thời gian gần đây”, ông Vitit Muntarbhorn - đặc phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về quyền con người ở Campuchia - nói với Zing.
Vị giáo sư từ Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) vừa có chuyến công tác kéo dài 11 ngày tại Campuchia hồi cuối tháng 8. Trong chuyến đi, ông nói mình đã nêu bật vấn đề lừa đảo trực tuyến công dân từ các quốc gia vào đường dây buôn người, lao động cưỡng bức và các hình thức bóc lột khác.
Giáo sư Vitit Muntarbhorn - đặc phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền ở Campuchia. Ảnh: Liên Hợp Quốc. |
Giáo sư Muntarbhorn cho hay trong những năm qua, từ một quốc gia có công dân bị lừa sang nước khác, Campuchia đã trở thành điểm đến chính cho nạn buôn người ở Đông Nam Á qua hình thức lừa đảo trực tuyến.
Không chỉ vậy, nhóm đối tượng dễ bị sập bẫy lừa đảo cũng đã thay đổi, khi hiện “nạn nhân thường là người có kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, thuộc tầng lớp trung lưu của xã hội”, vị giáo sư nói.
Ông Muntarbhorn nhận định thêm để giải quyết vấn nạn tội phạm này, chính quyền địa phương Campuchia cần sự hỗ trợ, kết hợp với phản ứng toàn diện từ chính phủ, cùng sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế.
Thay đổi “con mồi”
- Theo ông, nhóm đối tượng nào dễ bị rơi vào bẫy lừa đảo nhất? Tại sao trong một số trường hợp, mặc dù nhận thức được rủi ro về những công việc “trong mơ”, nhiều người vẫn quyết định đi tới đó?
- Trong chuyến công tác tới Campuchia vào cuối tháng 8 vừa qua, tôi đã nêu bật vấn đề lừa đảo trực tuyến công dân từ nhiều quốc gia khác nhau vào đường dây buôn người, lao động cưỡng bức và các hình thức bóc lột khác.
Một trường hợp điển hình là bên cạnh cờ bạc và các chiêu thức dụ dỗ trực tuyến khác, nhiều người bị lừa và ép đi vào con đường lừa đảo người khác qua mạng. Tôi hoan nghênh việc Campuchia và nhiều nước khác đã chú ý nhiều hơn tới vấn đề này trong thời gian gần đây.
Không thể đổ lỗi cho những người bị ép làm công việc lừa đảo, hành động trái với ý muốn của họ.
Giáo sư Vitit Muntarbhorn - đặc phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về quyền con người ở Campuchia
Dựa trên bằng chứng từ những người đã trốn thoát thành công, tôi muốn nhấn mạnh rằng hiện chưa có cơ chế toàn diện để xác định nạn nhân. Đầu tiên, trái ngược với một thập niên trước, thời điểm Campuchia còn là đất nước có công dân bị lừa sang quốc gia khác, quốc gia này hiện phải đối mặt với thách thức trở thành nơi tập trung tội phạm lừa đảo.
Thứ hai, nhóm nạn nhân đã khác trước. Trước đây, người nghèo và dễ bị tổn thương trong xã hội là đối tượng dễ bị lừa đảo. Hiện tại, nạn nhân thường là người có kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, thuộc tầng lớp trung lưu của xã hội. Theo báo cáo, nạn nhân là nam nhiều hơn nữ giới, và họ cũng thuộc nhiều độ tuổi khác nhau.
Có nhiều lý do khiến mọi người chấp nhận lời đề nghị “việc nhẹ lương cao”. Khó khăn về kinh tế - xã hội trong đại dịch Covid-19 cũng có thể là một trong những lý do chính.
- Khó khăn lớn nhất trong việc tiếp cận các nạn nhân là gì? Từ kinh nghiệm của ông, các chuyên gia làm thế nào để động viên nạn nhân kể câu chuyện của họ, khi có một số người không dám lên tiếng?
- Những người bị giam giữ trong các khu kín cổng cao tường khó có thể liên lạc với người khác, khi họ không còn điện thoại di động và nhiều phương tiện liên lạc với thế giới bên ngoài, kể cả gia đình.
Nếu nói ra hoặc từ chối làm việc, họ sẽ bị đe dọa, tra tấn hoặc bị bán cho các cơ sở khác. Các gia đình đã phải trả số tiền chuộc lớn. Điều quan trọng là phải bảo vệ nạn nhân trong những trường hợp như vậy.
Bên cạnh đó, nhiều người trong số những người trốn thoát sau đó bị truy tố ở quê nhà. Trong hoàn cảnh như vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều nạn nhân không tự nguyện đứng ra kể câu chuyện của họ một cách công khai.
- Một số nạn nhân bị ép tham gia đường dây gọi điện lừa đảo chính đồng bào của mình nên có người nói họ “xứng đáng bị lừa”. Theo ông, giới chức cần làm gì để hạn chế tâm lý coi người bị lừa là thủ phạm, thay vì là nạn nhân? Tâm lý kỳ thị của xã hội ảnh hưởng thế nào tới quá trình ngăn chặn và điều tra hình thức tội phạm này?
- Theo tôi, cần phải có một quy trình toàn diện xác định nạn nhân. Ngay cả khi nhập cảnh bất hợp pháp, nếu họ bị lừa hoặc bị dụ vào đường dây việc làm không có thật, thậm chí không phân biệt họ bị ép làm gì, những người đó nên được coi là nạn nhân và được đối xử như nạn nhân, chứ không phải là người nhập cư bất hợp pháp hoặc thậm chí là tệ hơn thế.
Không thể đổ lỗi cho những người bị ép làm công việc lừa đảo, hành động trái với ý muốn của họ.
Một tòa nhà được cho là nơi diễn ra hoạt động đánh bạc và lừa đảo trực tuyến tại Sihanoukville. Ảnh: South China Morning Post. |
Hiện tượng chỉ trích người được giải cứu có ảnh hưởng xuyên biên giới và tới rất nhiều quốc gia. Do đó, việc hợp tác quốc tế và các chiến dịch cung cấp thông tin cho công chúng cũng rất cần thiết. Điều này vừa để cảnh báo, vừa để giáo dục toàn xã hội về vấn đề này.
Cho đến nay, một số quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho việc trả tự do và hồi hương của công dân sau khi họ được giải cứu. Tuy nhiên, giới chức cần làm nhiều hơn nữa để đảm bảo những người này không trải qua sự kỳ thị tại quê hương.
Do đó, điều cần thiết là phải có quy trình toàn diện xác định nạn nhân ở Campuchia. Các nước láng giềng cũng có thể chung tay hỗ trợ quy trình này. Chúng ta cần chống lại sự kỳ thị tại tất cả quốc gia bị ảnh hưởng. Họ cần được coi là nạn nhân chứ không phải tội phạm.
Cái nhìn kỳ thị của xã hội ảnh hưởng đến quá trình ngăn chặn và điều tra. Nếu nạn nhân bị xã hội kỳ thị, hoặc bị truy tố tại quê nhà, việc này khiến họ không muốn kể câu chuyện của mình, và vòng luẩn quẩn rơi vào đường dây lừa đảo tương tự sẽ vẫn tiếp diễn. Đây là lý do cần quy trình toàn diện xác định nạn nhân.
Việc bị xã hội kỳ thị ảnh hưởng tới nhiều mặt trong cuộc sống nạn nhân, trong đó tác động đến quá trình tái hòa nhập xã hội, từ tìm kiếm việc làm cho đến chuyển chỗ ở. Nạn nhân cũng có thể phải đối mặt với sự cô lập xã hội khi bạn bè và gia đình từ chối họ.
Cần phối hợp hành động
- Gần đây, chính phủ Campuchia tổ chức chiến dịch trấn áp nạn cờ bạc bất hợp pháp trên toàn quốc. Theo ông, động thái này sẽ tác động thế nào tới việc giải quyết nạn lừa đảo việc làm trực tuyến?
- Cơ quan chức năng đã có động thái công nhận những người bị lừa là nạn nhân, và cũng thừa nhận hình thức buôn người này cần được giải quyết.
Do đó, chính quyền địa phương Campuchia cần sự hỗ trợ, kết hợp với phản ứng toàn diện từ chính phủ, cùng sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế.
Nếu nạn nhân bị xã hội kỳ thị, hoặc bị truy tố tại quê nhà, việc này khiến họ không muốn kể câu chuyện của mình, và vòng lẩn quẩn rơi vào đường dây lừa đảo tương tự sẽ vẫn tiếp diễn.
Giáo sư Vitit Muntarbhorn - đặc phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền ở Campuchia
Hiện tại còn quá sớm để tôi đánh giá hiệu quả chiến dịch trấn áp nạn cờ bạc trái phép bởi chiến dịch này mới được thông báo một tháng trước.
Tuy nhiên, tôi hoan nghênh việc Campuchia ghi nhận vấn đề và thực hiện các biện pháp giải quyết. Hơn hết, họ cần có phản ứng toàn diện cùng với sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
- Việt Nam và Campuchia, cùng với nhiều quốc gia khác trong khu vực, nên hợp tác như thế nào để giải quyết tình trạng này một cách hiệu quả?
- Những vụ việc gần đây, trong đó nhiều người Việt Nam được giải cứu khỏi các cơ sở tại Campuchia, thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh. Đáng buồn thay, đây là vấn đề toàn cầu, và vụ việc của người Việt Nam là một ví dụ trong đó.
Vấn đề này xảy ra xuyên biên giới. Các quốc gia phải tìm nhiều cách hợp tác mang tính đổi mới, vốn không chỉ đòi hỏi sự hợp tác về mặt thực thi pháp luật mà còn cả bí quyết công nghệ - kỹ thuật số.
Quê hương của nạn nhân có thể kết nối với đất nước nơi nạn nhân bị lừa đến thông qua các thỏa thuận tương trợ tư pháp, hiệp ước dẫn độ, cũng như bản ghi nhớ và nghị định thư giúp vạch trần tình huống và thủ phạm.
Một quốc gia có thể cảnh báo công dân của họ tại sân bay hãy cẩn thận trước các chiêu trò lừa đảo trực tuyến nếu họ hy vọng thu được lợi ích từ các nhà tuyển dụng đáng ngờ.
Công dân Việt Nam trốn khỏi casino ở tỉnh Kandal, Campuchia. Ảnh: Bộ đội Biên phòng An Giang. |
Bên cạnh đó, cần có các đơn vị thực thi pháp luật cụ thể với đủ nguồn lực và động lực để hành động hiệu quả, đặc biệt là để kiểm tra các cơ sở không rõ ràng và điều tra hoạt động của chúng. Việc tìm kiếm sự hợp tác từ các nền tảng giúp giám sát chống lại những chiêu trò lừa đảo cũng cần thiết, và hãy nhớ tôn trọng quyền tự do ngôn luận theo luật nhân quyền quốc tế.
Các bên cần thực hiện có hiệu quả kế hoạch do Bộ Nội vụ Campuchia và Ủy ban Quốc gia về Chống buôn người phối hợp với các đối tác đưa ra, đồng thời thiết lập những cơ chế và quy trình dễ tiếp cận để xác định và phân nhóm nạn nhân.
Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp hiệu quả để điều tra vụ việc, kiểm tra các khu vực khác nhau một cách nhất quán. Áp dụng các luật liên quan đến viễn thông theo cách thân thiện với nạn nhân để xác định các trò lừa đảo và tạo liên hệ dễ tiếp cận để giải cứu nạn nhân, chẳng hạn liên hệ qua Facebook và báo cáo trực tuyến.
Việt Nam, Campuchia và các nước trong khu vực có các công cụ pháp lý toàn diện để chống buôn người thông qua những cơ chế của ASEAN và quốc tế. Điều cần thiết là quy trình xác định nạn nhân hiệu quả, cũng như áp dụng các công cụ và cơ chế đó để hỗ trợ các nạn nhân của hình thức buôn người mới này.
Việc hỗ trợ nạn nhân tại nước ngoài cần có thêm sự kết hợp của khả năng tiếp cận lãnh sự và làm việc theo nhóm liên ngành giữa các quốc gia của nạn nhân.