Bình luận
Viettel lên ngôi vô địch sau cuộc đua kịch tính đến những phút cuối của V.League 2020 và sau danh hiệu này, "Cơn lốc đỏ" lại đứng trước câu hỏi họ đã sẵn sàng và đủ điều kiện để mang danh Thể Công từ mùa giải năm sau, như cách nhiều người đặt vấn đề trong 3 mùa giải gần đây.
Mùa giải thành công và 11 năm khắc khoải
"Lứa cầu thủ của tôi, anh Ba Đẻn (cựu danh thủ Nguyễn Thế Anh) sẽ gặp mặt tối nay. Trước đó, chúng tôi xem tivi và ăn mừng ở nhà. Dù thắng hay thua CLB Sài Gòn, Viettel đều có mùa giải thành công rồi và đó là món quà ý nghĩa họ tặng chúng tôi", cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải chia sẻ ít giờ trước khi diễn ra hai trận đấu cuối của V.League 2020.
Viettel vô địch V.League 2020 với chỉ 3 trận thua. Họ giành nhiều trận thắng nhất (12 trận), để thủng lưới ít nhất giải đấu (16 bàn). Thầy trò HLV Trương Việt Hoàng định hình rõ lối chơi chắc chắn và lừng lững về đích với chuỗi 7 trận bất bại ở cuối mùa. "Cơn lốc đỏ" là đội bóng đầu tiên đánh bại CLB Sài Gòn. Họ khiến CLB Hà Nội chấp nhận chia điểm trong bế tắc.
Chức vô địch của Viettel được nhiều đối thủ công nhận với những gì họ đã thể hiện. HLV Phan Thanh Hùng sau trận đấu hôm 3/11 không ngần ngại nói: "Viettel xứng đáng vô địch. Họ có lực lượng tốt, lối chơi tốt. Công tác đào tạo cũng là điểm đáng chú ý, Viettel có bề dày đào tạo trẻ từ lâu rồi".
Khoảnh khắc Tiến Dũng nâng cúp vô địch kết thúc mùa giải thành công của CLB Viettel. Ảnh: Duy Anh. |
Danh hiệu này đến sớm hơn một năm so với kế hoạch được chính họ vạch ra từ nhiều năm trước. Song, với nhiều người, chức vô địch V.League 2020 có phần kém vui khi cái tên Thể Công vẫn chưa trở lại.
Ngày 21/9/2009, Bộ Quốc phòng thu hồi phiên hiệu Thể Công sau 55 năm cái tên này khuynh đảo làng bóng đá nội.
Ngày 21/9/2009, chỉ hai ngày trước dịp kỷ niệm 55 năm thành lập Đoàn Thể dục Thể thao Công tác đội (gọi tắt là Thể Công) Bộ Quốc phòng thu hồi phiên hiệu Thể Công sau 55 năm cái tên này khuynh đảo làng bóng đá nội. Hơn một thập kỷ Viettel gây dựng lại đội bóng, Tiến Dũng một cậu bé nhặt bóng đã trở thành nhà vô địch V.League. Thể Công vẫn chưa trở lại.
Việc lấy lại tên không phải đến bây giờ mới được nhắc đến. Mùa giải 2018, thông báo phát đi Viettel khẳng định: "Việc thăng hạng và lấy lại phiên hiệu Thể Công ở V.League 2019 là nhiệm vụ hàng đầu tập đoàn giao cho Trung tâm Thể thao Viettel, kèm theo đó là những điều kiện tốt nhất để đội bóng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó”.
Đến khi Viettel giành quyền góp mặt tại V.League, câu chuyện lấy lại tên tiếp tục trở thành đề tài được quan tâm. Thực tế, lãnh đạo CLB đã có những động thái cụ thể. Cuối cùng, sau 2 năm chinh chiến tại đấu trường cao nhất của bóng đá Việt Nam, Viettel vô địch, còn cái tên Thể Công vẫn chưa trở lại.
Điều kiện gì để Thể Công trở lại
Đem vấn đề đi hỏi những người hiểu chuyện, Zing nhận câu trả lời đồng nhất: "Thể Công chắc chắn sẽ trở lại, nhưng vấn đề là bao giờ".
Cựu danh thủ Thể Công Vũ Mạnh Hải đưa ra phân tích: "Đội bóng Viettel bây giờ hoàn toàn khác ngày xưa. Thể Công của chúng tôi hoàn toàn là những người lính được tuyển chọn để chơi bóng. Họ là đội bóng doanh nghiệp, nhắc đến doanh nghiệp là nhắc đến tiền. Về bản chất, Viettel hay Thể Công đều là đội bóng quân đội, nhưng tính chất hoàn toàn khác nhau".
"Việc lấy lại tên Thể Công không hề đơn giản đối với CLB Viettel. Những đề nghị của người hâm mộ hồi đầu mùa giải 2019, Bộ quốc phòng đã cân nhắc và chưa đồng ý. Với tôi, đến nay, quyết định đó hoàn toàn chính xác. Tôi nghĩ rằng rất khó để cái tên Thể Công có thể đứng độc lập. Có chăng sẽ là một cái tên ghép, Thể Công - Viettel chẳng hạn".
Tôi nghĩ rằng rất khó để cái tên Thể Công có thể đứng độc lập. Có chăng sẽ là một cái tên ghép, Thể Công - Viettel chẳng hạn.
Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải
Những lần rộ lên thông tin cân nhắc đưa Thể Công trở lại với bóng đá Việt Nam trước đây, vấn đề cốt lõi luôn được nhắc đến là cách thi đấu của CLB Viettel có xứng với lịch sử hào hùng của đội bóng này. Câu hỏi liệu cái tên huyền thoại kia trở lại rồi có một ngày nào đó lại bị cất đi cũng bởi lý do như cách đây 11 năm.
Tiến Dũng ăn mừng chức vô địch cùng cờ cổ động với logo CLB Thể Công. Ảnh: Duy Anh. |
Bình luận viên Quang Tùng nêu quan điểm: "Không nhắc đến những sự kiện đã qua, vấn đề hiện tại là CLB Viettel có đủ sức đáp ứng những yêu cầu với một cái tên mang nhiều tính biểu tượng hay không. Các cầu thủ Viettel liệu có đủ sức khoác lên mình chiếc áo Thể Công, có chịu được những áp lực rất lớn không, hay với họ thời điểm này chiếc áo đó vẫn quá rộng?".
"Thể Công không đơn giản là một cái tên. Nó là cả một lịch sử với rất nhiều kỳ vọng, niềm tin và cả sự vinh dự. Viettel sang năm sẽ ra sân với tâm thế của một nhà vô địch, với những áp lực mà bất cứ đội bóng nào ở vị trí đó đều có. Nhưng chơi bóng dưới cái tên Thể Công lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Vấn đề này, chỉ có những người trong cuộc mới giải đáp được. Quan điểm cá nhân tôi là chỉ khi nào CLB Viettel thực sự đủ bản lĩnh, đủ tự tin, Thể Công mới có thể trở lại".
Đó cũng là vấn đề Đại tá Đào Văn Thận, cựu cán bộ Học viện Quốc phòng, nguời đóng vai trò cố vấn trong việc lấy lại tên Thể Công nêu ra trong cuộc trao đổi với Zing. "Tôi chỉ có thể nói Thể Công chắc chắn sẽ trở lại. Nhưng không thể có chuyện nay lấy ra dùng, mai cất đi một cách dễ dàng", ông Thận nói.
Quyền quyết định lấy lại tên Thể Công là của Bộ Quốc phòng, nhưng tất cả phụ thuộc vào CLB Viettel.
Đại tá Đào Văn Thận
"Quan trọng nhất, đội bóng muốn mang tên Thể Công cần đảm bảo sự ổn định về thành tích. Tất nhiên, trong bóng đá luôn có những sai số, nhưng không thể có chuyện năm nay vô địch, sang năm lại nằm ở nhóm cuối. Một trong những điều kiện để lấy lại tên là thành tích phải duy trì ở nhóm 5 đội dẫn đầu ít nhất ba năm", vị đại tá nói thêm.
Câu chuyện lấy lại tên Thể Công có lẽ sẽ còn tốn nhiều giấy mực và cần nhiều thời gian nữa. Song, trước mắt Tiến Dũng và đồng đội nên tìm mọi cách để duy trì thành tích, bản sắc đội bóng như những gì HLV Hải Biên tuyên bố hồi cuối mùa giải 2018: “Chúng tôi hiểu rõ 'chất Thể Công' và luôn nỗ lực, cố gắng để xứng đáng với truyền thống của đội bóng. Chúng ta đang ở thời kỳ bóng đá hiện đại,đội bóng sẽ cố gắng hòa hợp giữa truyền thống đó và tư duy hiện đại".