Khói bốc lên từ các vụ cháy rừng ở Indonesia, được cho là thủ phạm gây ra những đám mây lớn phủ đen bầu trời Malaysia và Singapore, cũng là hồi chuông cảnh báo về ảnh tưởng tiêu cực của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với môi trường và sinh thái toàn cầu.
Khoảng 3.300 km2 rừng trên đảo Borneo và Sumatra thuộc Indonesia đã bốc cháy. Jakarta đã phải triển khai hơn 9.000 người và 52 máy bay để đối phó, theo Economist.
Trước đó không lâu, rừng nhiệt đới Amazon cũng chìm trong biển lửa với nguyên do được cho từ các trang trại chăn nuôi gia súc. Còn tại Indonesia, 80% vụ cháy rừng xảy ra do người dân đốt rừng làm đồn điền dầu cọ.
Người dân Indonesia thường đốt rừng để lấy đất trồng cọ. Ảnh: Reuters. |
Tàn phá rừng quá độ
Dầu cọ là nguyên liệu vô cùng phổ biến để sản xuất nhiều loại mặt hàng: từ sữa bột trẻ em đến khoai tây chiên, dầu gội và kem đánh răng. Phần lớn nguồn cung dầu cọ toàn cầu đến từ Indonesia. Trong năm 2018, nước này cung cấp 56% lượng dầu cọ cho thế giới.
Rừng nhiệt đới ở Indonesia là một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới. Đây là kho tàng sinh học đa dạng, chứa 10% các loài bò sát, chim, động vật có vú và cá của Trái Đất. Giống như rừng nhiệt đới Amazon, khu vực này cũng lưu trữ lượng lớn khí carbon trong đất và thân cây.
Tuy nhiên, nơi đây đang bị phá hủy và liên tục bị các nhà sản xuất dầu cọ thiêu đốt. Khi rừng bị chặt phá để nhường chỗ cho các đồn điền dầu cọ, lượng carbon lưu trữ nói trên sẽ được giải phóng vào khí quyển, là một trong những nguyên nhân làm biến đổi khí hậu.
Rừng cọ nhân tạo cũng không thể thay thế được rừng tự nhiên về mặt chức năng đối với hệ sinh thái. Các loài vật sống trong rừng nhiệt đới, bao gồm cả loài đười ươi mang tính biểu tượng của đảo Borneo và Sumatra, đều chết dần. Chúng bị tước đi môi trường sống, trong khi khí hậu biến đổi khiến độ ẩm giảm, đất trở nên khô và thiếu chất dinh dưỡng.
Loài đười ươi biểu tượng của Borneo và Sumatra đang bị đe dọa bởi nạn phá rừng. Ảnh: AP. |
Nói cách khác, các đồn điền dầu cọ đang khiến vùng đất thiên đường chết dần chết mòn.
Mỗi năm, các công ty sản xuất dầu cọ đều đốt rừng để làm đồn điền. Tuy nhiên năm nay, khí hậu khô hạn khiến nhiều đám cháy trở nên mất kiểm soát. Từ năm 2001-2018, Indonesia mất 16% diện tích rừng che phủ, tương đương gần 26 triệu ha rừng, theo dữ liệu thống kê từ tổ chức Global Forest Watch. Con số này tương đương với khoảng 10,5 gigaton khí carbon đã bị thải ra môi trường.
Các biện pháp đối phó
Từ năm 2008-2010, ngành sản xuất dầu cọ chịu trách nhiệm cho gần 60% diện tích rừng bị tàn phá ở Indonesia. Giờ đây, con số này là khoảng 25%, theo nghiên cứu của Đại học Duke.
Tuy nhiên, tỷ lệ này không có nghĩa là nạn phá rừng nói chung giảm. Ngược lại, diện tích rừng bị tàn phá ở Indonesia ngày càng tăng, chủ yếu vì hạn hán.
Các công ty lớn bao gồm Nestle, Mars, PepsiCo và Unilever đã cam kết chỉ mua dầu cọ từ các công ty không phá rừng. Nhưng thực tế cho thấy rất nhiều thiếu sót.
Một người lính cứu hỏa chữa cháy vụ hỏa hoạn ở đồn điền dầu cọ trên đảo Sumatra năm 2015. Ảnh: Reuters. |
Báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Greenpeace thực hiện năm 2018 cho thấy nhiều nhà phân phối dầu cọ cho các công ty nói trên có liên quan đến hoạt động phá rừng ở Indonesia. Tổ chức này cũng công bố video bằng chứng để chứng minh.
Chính phủ Indonesia tuyên bố sẽ truy tố hình sự đối với các công ty dầu cọ đốt rừng trong những tuần gần đây. Lực lượng chức năng đã bắt giữ gần 200 người liên quan đến vụ cháy.
Vào năm 2015, sau khi cháy rừng khiến hàng trăm nghìn người mắc bệnh và sân bay phải đóng cửa, chính phủ Indonesia tiến hành kiểm tra và kết quả cho thấy hơn 80% đồn điền dầu cọ ở Indonesia không tuân thủ quy định.
Tuy nhiên, chính phủ cũng thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Indonesia. Vào tháng 8, chính phủ nước này bắt đầu cấm các sản phẩm dán nhãn "không chứa dầu cọ", theo Mongabay.
Indonesia là nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters. |
Dầu cọ cũng được sử dụng làm nhiên liệu sinh học. Khi Ủy ban châu Âu thông qua thỏa thuận cấm sử dụng nhiên liệu sinh học làm bằng dầu cọ từ năm 2030, Indonesia đã đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu để phản đối.
Cùng với Malaysia - nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, Indonesia cũng áp dụng các biện pháp thương mại trả đũa đối với Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Joko Widodo cho biết ông hy vọng dầu cọ sẽ thay thế 100% nhiên liệu diesel ở Indonesia trong tương lai.
Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu dầu cọ của Indonesia tăng mạnh trong mùa hè vừa qua, chủ yếu do nhu cầu từ Trung Quốc.
Bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, ngành công nghiệp chăn nuôi Trung Quốc thời gian qua không còn có nhu cầu cao đối với đậu nành để làm thức ăn cho gia súc. Kết quả là điều này gián tiếp làm tăng nhu cầu đối với dầu cọ từ Indonesia. Lượng dầu cọ Trung Quốc nhập khẩu từ Indonesia đã tăng hơn 50% trong tháng 6 vừa qua.