Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Cơn gió ngược’ đe dọa bất động sản châu Á

Thị trường bất động sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đang ghi nhận những số liệu tiêu cực do sự bất ổn từ nền kinh tế vĩ mô.

Hoạt động đầu tư bất động sản tại Nhật Bản ở mức cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Bloomberg.

Hoạt động đầu tư bất động sản tại Nhật Bản ở mức cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Bloomberg.

Theo ông Stuart Crow, Giám đốc điều hành Bộ phận Thị trường vốn APAC của JLL, thị trường bất động sản trong khu vực vẫn đang gặp nhiều thách thức.

"Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc các ngân hàng thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay sẽ tạo thêm nhiều bất ổn cho thị trường bất động sản thương mại", ông nói.

Dữ liệu của JLL cho thấy hoạt động đầu tư bất động sản thương mại ở khu vực APAC trong quý I đạt khoảng 27 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Tuy nhiên, rủi ro thanh khoản đã được kiểm soát tốt trong khu vực và việc khôi phục hoạt động chỉ là vấn đề thời gian”, ông Stuart Crow chia sẻ thêm.

Thực tế, trong quý I, Nhật Bản là quốc gia duy nhất ở APAC có sự tăng trưởng giá trị đầu tư trong lĩnh vực bất động sản thương mại, với 8,9 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Kết quả này đến từ sự đẩy mạnh hoạt động thanh lý văn phòng của các tập đoàn Nhật Bản và những thương vụ mua bán của các quỹ tín thác bất động sản nước này.

Khối lượng đầu tư ở Nhật Bản cũng cao vượt trội so với các nước khác trong khu vực, như Trung Quốc chỉ ghi nhận 6,9 tỷ USD, giảm 17% hay Australia còn 3,7 tỷ USD, giảm 26% bởi thị trường văn phòng chịu tác động tiêu cực từ xu hướng làm việc từ xa.

Thậm chí, tổng giá trị các giao dịch ở Singapore còn giảm 67% so với cùng kỳ, còn 1,9 tỷ USD so với mức cơ sở cao do lĩnh vực bán lẻ và văn phòng vẫn ảm đạm.

Đi sâu vào từng lĩnh vực, JLL thống kê các khoản đầu tư vào thị trường văn phòng trong quý I tại APAC chỉ ở mức 12,7 tỷ USD, giảm 4,6 tỷ USD so với một năm trước đó. Đây là một trong những quý có mức đầu tư thấp nhất từng được ghi nhận trong lĩnh vực này. Các chuyên gia nhận định đà suy giảm đến từ những “cơn gió ngược” về lãi suất và việc định giá lại tài sản.

Tương tự, giá trị giao dịch trong lĩnh vực logistics và công nghiệp cũng giảm tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng giao dịch có giá trị hơn 100 triệu USD suy giảm do thị trường đón nhận một chu kỳ mới với những thách thức về giá và đầu tư.

Hoạt động đầu tư cũng im ắng trong lĩnh vực bán lẻ, khi quý đầu tiên của năm chỉ thu về 5,3 tỷ USD, thấp hơn mức trung bình hàng quý trong 5 năm qua là 7,5 tỷ USD. Thậm chí, công ty tư vấn bất động sản này còn cho biết nhiều trung tâm mua sắm quy mô lớn gần như đã biến mất trong khu vực.

Bên cạnh đó, các khoản đầu tư vào thị trường khách sạn cũng rơi xuống mức 2,4 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ. Dữ liệu này cho thấy sức ép từ nền kinh tế vĩ mô vẫn đang đè nén ngành kinh doanh khách sạn, bất chấp việc thị trường đã có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ.

“Khu vực APAC có những chậm trễ trong chu kỳ điều chỉnh giá hiện tại. Tuy nhiên, mức giá của thị trường này sẽ không thay đổi quá nhiều”, chuyên gia của JLL nhận xét.

Dẫu vậy, đơn vị này dự đoán mức giá sẽ đạt đỉnh vào quý II và sau đó giảm nhẹ vào nửa cuối năm nay, do chi phí vay có thể giảm theo đà giảm lãi suất thời gian tới.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Bài liên quan

Thanh Vũ

Bạn có thể quan tâm