Con đường khác biệt cho hợp tác EU - ASEAN
Trong khi một số quốc gia chọn thu hẹp chủ nghĩa đa phương, EU và ASEAN nên đảm bảo hệ thống thương mại, an ninh và thịnh vượng xây dựng dựa trên các quy tắc, thỏa thuận quốc tế, chứ không phải dựa trên những ý tưởng “có vẻ là đúng”.
Ngày 12/9 vừa qua, tôi rất vinh dự được thảo luận với các đối tác thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Liên minh châu Âu (EU). Trong bối cảnh thế giới đang gồng mình trước đại dịch Covid-19 và chính trị quyền lực chi phối, chúng ta có rất nhiều điểm chung.
Nhiệm vụ chung của hai khối đều là bảo vệ hệ thống quốc tế thượng tôn pháp luật, đảm bảo mọi người dân đều được sống trong môi trường an ninh và được hưởng những quyền mà đôi khi chúng ta coi là đương nhiên.
Bài học rút ra từ Covid-19 là EU và ASEAN phải xích lại gần nhau như những “đối tác cùng chí hướng trong hội nhập”, ngay cả khi hai khối này có khoảng cách về mặt địa lý.
Trong khi các quốc gia khác chọn thu hẹp chủ nghĩa đa phương, EU và ASEAN nên đảm bảo hệ thống thương mại, an ninh và sự thịnh vượng của mình được xây dựng dựa trên các quy tắc và thỏa thuận quốc tế, chứ không phải dựa trên ý tưởng “có vẻ là đúng”.
Cả ASEAN và EU đều chưa sẵn sàng nằm trong “phạm vi ảnh hưởng” của bất kỳ quốc gia nào. Sức mạnh của luật pháp mới thắng thế, chứ không phải luật của kẻ mạnh.
Chúng tôi biết rằng chỉ có hợp tác mới giúp chúng ta vượt qua đại dịch khủng khiếp này. Tháng 5/2020, chúng tôi đã thành công thúc đẩy thông qua Nghị quyết về Covid-19 của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), dự kiến đánh giá khách quan, độc lập và toàn diện các bài học kinh nghiệm từ cách các quốc gia ứng phó với Covid-19.
Cả ASEAN và EU đều chưa sẵn sàng nằm trong “phạm vi ảnh hưởng” của bất kỳ quốc gia nào. Sức mạnh của luật pháp mới thắng thế, chứ không phải luật của kẻ mạnh.
Josep Borrell Fontelles
Hợp tác cùng nhau với tư cách là EU, chúng tôi đang hỗ trợ các đối tác trên khắp thế giới ngăn chặn đại dịch và khắc phục hậu quả kinh tế - xã hội kéo theo. Riêng tại ASEAN, chúng tôi đã huy động được hơn 800 triệu EUR cho nhiệm vụ “Nhóm châu Âu” này, nhiều hơn bất kỳ đối tác nào khác của ASEAN.
Chiến lược đối phó khả thi nhất là sản xuất được vaccine an toàn và đáng tin cậy phòng Covid-19. Về vấn đề này, chúng tôi cũng lựa chọn giải pháp đa phương: EU đang huy động 400 triệu EUR để hỗ trợ sáng kiến COVAX nhằm cung cấp vaccine cho công dân toàn cầu, ở cả các nước giàu và nghèo.
Chúng tôi đang đề xuất các chuyên gia từ EU và ASEAN họp bàn phương án hợp tác hiệu quả nhất để đảm bảo an ninh vaccine.
Ưu tiên thứ hai cho cả hai khối sẽ là khởi động lại nền kinh tế. Là nhà đầu tư số một tại ASEAN, EU cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế EU - ASEAN. Thách thức hiện nay là thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN sâu rộng hơn cũng như quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai phía.
Trước hết, điều đó có nghĩa là theo đuổi chương trình nghị sự thương mại của chúng ta. Các hiệp định thương mại giữa EU với Singapore và Việt Nam đã có hiệu lực. EU đang đàm phán các hiệp định khác với một số nước bạn và chúng ta nên khẩn trương theo đuổi những mục tiêu này.
Song song đó, chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa để tăng cường kết nối. Chúng tôi sẽ xây dựng nhiều chương trình EU - ASEAN để tạo thuận lợi cho thương mại và hội nhập, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng tốc phục hồi kinh tế. Việc ra mắt Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN do EU hỗ trợ vào cuối năm nay là một ví dụ.
EU và các quốc gia thành viên đóng góp 50% trong số 1,2 tỷ EUR vốn huy động của Cơ sở Tài chính Xanh Xúc tác ASEAN. Mục tiêu chung trước mắt là tổ chức đối thoại EU - ASEAN trong lĩnh vực năng lượng để khai thác tiềm năng kết nối bền vững và phục hồi xanh.
Chúng tôi cũng mong muốn hoàn tất Thỏa thuận Vận tải Hàng không trong thời gian sớm nhất có thể. Đây sẽ là thỏa thuận đầu tiên thuộc loại này, tạo ra thị trường hàng không lớn nhất thế giới cho hơn 1 tỷ người.
Trong khi chúng ta tập trung vào Covid-19 và lập kế hoạch phục hồi sau đại dịch, vẫn nên cảnh giác về những hành vi làm đảo lộn trật tự quốc tế dựa trên luật pháp trong các lĩnh vực khác.
Chúng ta không thể cho phép các nước đơn phương phá hoại luật pháp quốc tế và an ninh hàng hải ở Biển Đông, từ đó trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển hòa bình của khu vực.
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đang tấn công mọi nền kinh tế, bất kỳ tình trạng gián đoạn hoặc bất ổn nào đều có thể ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại của mọi quốc gia. Khoảng 40% hoạt động thương mại quốc tế của EU đi qua Biển Đông.
Các bên nên hạn chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, quân sự hóa các thực thể địa lý trên biển và mọi hành vi khiêu khích. Thay vào đó, các quốc gia nên tự kiềm chế và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, ví dụ như dựa trên các cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Chúng tôi mong muốn kết thúc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả, thực chất và có ràng buộc pháp lý, không làm phương hại đến lợi ích của các bên thứ ba.
Chúng ta không thể cho phép các nước đơn phương phá hoại luật pháp quốc tế và an ninh hàng hải ở Biển Đông, từ đó trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển hòa bình của khu vực.
Josep Borrell Fontelles
An ninh châu Á gắn liền với an ninh châu Âu. Cũng vì lẽ đó, chúng ta cần tăng cường hợp tác. Năm ngoái, EU đã ký thỏa thuận về việc Việt Nam tham gia vào các nhiệm vụ quân sự và dân sự của châu Âu, được triển khai từ Ấn Độ Dương đến châu Phi.
Tôi hy vọng đây sẽ là thỏa thuận đầu tiên trong số rất nhiều thỏa thuận với các nước bạn ASEAN, vì sứ mệnh của chúng tôi không chỉ phục vụ lợi ích của châu Âu, mà còn phục vụ hòa bình và an ninh ở một số khu vực khó khăn nhất trên thế giới.
EU sẽ luôn là đối tác đáng tin cậy và minh bạch. Chúng tôi không che giấu chương trình nghị sự của mình. Chỉ có một chương trình được nêu rõ ràng và công khai là nhằm bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp, và đảm bảo mọi người dân đều có thể hưởng quyền an ninh và các quyền cơ bản khác.
Chúng ta cùng gánh trên vai trách nhiệm đặc biệt: Duy trì trật tự đa phương toàn cầu. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ manh nha, thế giới đang bất ổn và cạnh tranh Mỹ - Trung ngày một căng thẳng, trách nhiệm này có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Điều đó cũng có nghĩa quan hệ đối tác EU - ASEAN không còn là xa xỉ mà là điều cần thiết.