Khi U23 Myanmar để thua 0-1 trước U23 Indonesia, qua đó bị loại ngay tại vòng bảng SEA Games, các CĐV nước này đã nổi điên, gây ra một cuộc bạo loạn trên quy mô lớn. Họ dỡ các hàng ghế, ném các vật thể lạ xuống tổ trọng tài cũng như đội khách.
CĐV Myanmar tức giận đập phá, đốt áo sau khi 2 đội bóng nươc này bị loại. |
Sau đó họ còn đập phá, đốt áo bên ngoài sân vận động. Lực lượng an ninh Myanmar dù đã lường trước tình huống này nhưng cũng không thể kiểm soát được hết tình hình. Trước việc những kẻ quá khích dùng gạch đá tấn công, cảnh sát nước này đã buộc phải dùng vòi rồng để giải tán đám đông. Đã có ít nhất 8 kẻ quá khích bị bắt giữ, trong đó có 2 kẻ cố tình chạy vào sân để tấn công trọng tài.
Đến trận bán kết bóng đá nữ diễn ra hôm 18/12 giữa tuyển nữ Myanmar và Thái Lan, các CĐV nước này tiếp tục gây ra hình ảnh xấu xí khi trút cơn mưa vật thể lạ xuống sân để phản đối các quyết định của trọng tài.
Trước đó trong trận đấu tại vòng bảng diễn ra hôm 11/12, tờ The Irrawaddy đã phản ánh việc đã có nhiều CĐV Myanmar “say rượu” vào sân và có những cử chỉ “khiêu dâm” đối với các cầu thủ Thái Lan. Thậm chí họ còn mang những biểu ngữ khơi gợi hận thù dân tộc. Nghĩ lại sự cố này, các cô gái Thái Lan còn ám ảnh tới khi về nước.
Vào tháng 8 năm nay, các CĐV Myanmar đã quậy phá sân vận động ở thủ đô Nay Pyi Taw. Trước đó 2 năm, bóng đá Myanmar bị Liên đoàn bóng đá FIFA cấm tham gia vòng loại World Cup sau khi để xảy ra bạo loạn trong trận đấu với Oman. Tuy nhiên, lệnh cấm sau đó đã được dỡ bỏ sau khi Myanmar kháng cáo.
Soe Nyi, cây bút chuyên viết thể thao của Myanmar lý giải rằng khán giả Myanmar không quen với các nghi thức, quy định quốc tế trong các trận đấu cũng như không cố ý xúc phạm các VĐV nước khác. Thế nhưng, lời giải thích này không thuyết phục khi các đội khách chứng kiến hàng loạt những vụ bạo loạn xảy ra liên tiếp tại SEA Games năm nay.