Nhà báo Trần Nhật Vy chia sẻ trong cuốn Sài Gòn chốn rong chơi của mình: “So với nhiều địa phương, thành phố của chúng ta khá trẻ nhưng trẻ không có nghĩa là không có gì “xưa cổ” để gìn giữ. Lịch sử của người thành phố chính là lịch sử phát triển của thành phố. Nhiều con đường, nhiều gốc cây và nhiều địa điểm quan trọng khác tại thành phố từng là chứng nhân lịch sử của sự hình thành và phát triển thành phố, dù trải qua hàng mấy trăm năm, vẫn mang trong mình hồn cũ, dấu xưa, nhắc nhớ người dân thành phố về một thời đã qua.
Một thời, với những dấu vết, đã làm nên Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông - và Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Trong đó có những nguồn tư liệu quan trọng với nhiều chi tiết lịch sử mà chúng ta cần quan tâm, tìm hiểu. Có biết yêu quý thành phố, biết gìn giữ vốn cổ thì chúng ta mới có một cuộc sống đúng mực trong tương lai”.
Trước Sài Gòn chốn rong chơi, nhà báo Trần Nhật Vy từng có nhiều cuốn sách viết về Sài Gòn như Báo quốc ngữ Sài Gòn cuối thế kỷ 19, Chuyện nhà báo, nghề báo thuở ban đầu, Ba nhà báo Sài Gòn, Từ Bến Nghé tới Sài Gòn…
Một tác giả khác cũng có nhiều đầu sách mà qua đó bạn đọc có thêm nhiều góc nhìn về một Sài Gòn xa xưa, đó chính là tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp với Sài Gòn chợ Lớn - Qua những tư liệu quý trước 1945, Sài Gòn Chợ Lớn - Ký ức đô thị và con người, Sài Gòn Chợ Lớn - Thể thao và báo chí trước 1945.
Bộ ba cuốn Sài Gòn chuyện đời của phố của nhà báo Phạm Công Luận. |
Sau thành công của Sài Gòn - Chuyện đời của phố I và II ra mắt vào năm 2014 và 2015, nhà báo Phạm Công Luận tiếp tục ra mắt tập ba của bộ sách này.
Tiếp nối mạch cảm xúc trong 2 tập trước, Sài Gòn - Chuyện đời của phố III vẫn là cuốn sách mang lại những câu chuyện mới mẻ, thú vị về Sài Gòn với những tư liệu quý giá, sinh động với cách viết uyển chuyển, tinh tế của Phạm Công Luận.
Với cuốn sách, độc giả có thể tìm thấy Sài Gòn hoa lệ trong mắt người miền Trung cách đây hơn 70 năm trước, nhà cửa phố xá đông nghẹt, có nhà lầu cao ba tầng, có đường đi rộng rãi ba thước, trên bộ xe hơi chạy boong boong, dưới nước tàu thủy chạy vù vù…
Lật giở từng trang sách, độc giả cũng có thể tìm ra được những Sài Gòn rất xưa khác. Từng câu chuyện về quán cơm đầu tiên, phòng trà đầu tiên của Sài Gòn,… như những mảnh ghép nhỏ làm nên bức tranh khảm lớn về một thành phố hội nhập và đa dạng. Dù là “những câu chuyện trên bờ lịch sử” như lời tâm sự bình dị của tác giả, nhưng cuốn sách đã giúp người đọc hình dung rõ hơn về một dòng chảy lịch sử đã trôi qua của Sài Gòn.
Sách Sài Gòn không phải ngày hôm qua của tác giả Phúc Tiến. |
Như một dòng chảy êm đềm và hấp dẫn, gần đây nhất, tác giả Phúc Tiến cũng vừa ra mắt cuốn sách Sài Gòn không phải ngày hôm qua. Đến với cuốn sách này, bạn đọc có cơ hội bắt gặp những tư liệu quý hiếm: tấm bản đồ cổ 1834 của Anh, ghi địa danh Sài Gòn và cảng Sài Gòn; cuốn sách cũ A voyage to cochinchina in the years 1792 -1793 của John Barrow in năm 1806; poster của hãng hàng không Air Vietnam đường bay Sài Gòn - Paris; chiếc bao thư Pháp kỷ niệm 20 năm đường bay Saigon - Paris (1930 - 1950),… Từ những tư liệu ấy mở ra một Sài Gòn hiện đại đầu thế kỷ 20.
Trẻ tuổi hơn rất nhiều, hai tác giả Mạc Thụy và Ubee Hoàng với Sài Gòn vẫn hát lại có cách tiếp cận với Sài Gòn đầy thú vị khi tái hiện về đời sống văn nghệ Sài Gòn, trải dài từ những ngày xưa cũ đến tận nay. Từ sân khấu hàng đêm vẫn sáng đèn cho đến bàn thờ tổ nghi ngút khói.
Cuốn tản văn Sài Gòn vẫn hát. |
Không quá tham vọng có thể viết hết hơn nửa thế kỷ thành hình và phát triển của văn nghệ Sài Gòn, Sài Gòn vẫn hát chỉ tuyển lựa một chiều kích và mỗi một cảnh trí là một câu chuyện đan xen nhiều cảm xúc khác nhau.
Tưởng đâu, từng đó bài bút ký là từng đó những câu chuyện rời rạc, nhưng khi hòa quyện bên nhau lại gây dựng nên một bản tổng phổ với sự hòa âm của những thanh âm dĩ vãng và hiện tại, của hoa lệ và trần trụi, từ trên cao của danh vọng đến những lang bạt tha nhân.
Sài Gòn không đơn thuần chỉ là một địa danh mà trong đó có biết bao ký ức và yêu thương của bao người. Sài Gòn cũng là nơi chốn mà rất đông người đồng ý rằng đó là thành phố bao dung và nghĩa tình.
Hẳn nhiên, sẽ còn nhiều người đến với Sài Gòn, và cũng sẽ có những người vì lý do nào đó mà phải xa nơi đây. Và khi đó, biết đâu dòng chảy sách về Sài Gòn lại tiếp tục được nối dài bởi những người đến và đi ấy.