Việt Nam đang chứng kiến làn sóng tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) mạnh mẽ. Chỉ trong 5 năm gần nhất, quy mô thị trường đã “phình to” hơn 2,5 lần từ mức chỉ 8,06 tỷ USD của năm 2018 lên đến 20,5 tỷ USD vào năm 2023.
Trong năm qua, tỷ trọng doanh thu TMĐT chiếm tới 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Tại Hội nghị tổng kết năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thậm chí nhấn mạnh với tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm, Việt Nam có thể được xếp vào nhóm 10 quốc gia tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.
Báo cáo e-Conomy SEA của Google, Temasek, Bain & Company cũng dự báo doanh thu và sản lượng hàng hóa bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh, lên đến 650.000 tỷ đồng trong năm nay. Riêng 5 sàn hàng đầu (bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop) có thể đóng góp hơn 310.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2023.
Logistics chưa đáp ứng
Sự phát triển nhanh chóng của TMĐT phản ánh rõ qua xu hướng mua sắm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua. Theo số liệu từ Metric, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, doanh thu bán hàng trên 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam trong 2 tháng đầu năm vẫn vượt 40.000 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái và 110% so với cùng thời điểm năm 2022.
Tổng cộng trong 2 tháng đầu năm, đã có hơn 437 triệu sản phẩm được bán ra từ 441.000 gian hàng khác nhau. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm online của người tiêu dùng, dịch vụ giao hàng cho các sàn TMĐT đã phải vận hành hết công suất.
Tuy nhiên, hạ tầng logistics chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường. Thực tế cho thấy cứ mỗi dịp Tết, câu chuyện doanh nghiệp logistics quá tải lại xuất hiện và trở thành cơn đau đầu với nhiều chủ gian hàng.
QUY MÔ THỊ TRƯỜNG TMĐT B2C VIỆT NAM TĂNG MẠNH SAU DỊCH | |||||||
Nguồn: IDEA. | |||||||
Nhãn | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | Năm 2023 | |
Doanh thu B2C | tỷ USD | 8.06 | 10.8 | 11.8 | 13.7 | 16.4 | 20.5 |
Tăng trưởng | % | 30 | 25 | 18 | 16 | 20 | 25 |
Điển hình như Tết Nguyên đán năm nay, nhiều người dùng và chủ gian hàng online sử dụng dịch vụ của Giao Hàng Tiết Kiệm và Giao Hàng Nhanh phàn nàn về tình trạng hàng hóa ùn tắc, lưu kho dài ngày và không được giao đến tay người nhận đúng hẹn. Thậm chí, một số bưu cục đã bắt đầu thông báo ngừng nhận đơn, lấy hàng tận nơi do rơi vào cảnh quá tải.
Tại một hội nghị về logistics tổ chức cuối năm ngoái, TS Đặng Thanh Tuấn, Trưởng bộ môn logistics và quản lý chuỗi cung ứng (Đại học quốc tế Hồng Bàng) cho biết giao hàng chặng cuối chiếm khoảng 28% tổng chi phí vận chuyển trong TMĐT, đồng thời ảnh hưởng đến trải nghiệm của 97% người mua sắm online.
“Hiệu quả và đáng tin cậy trong giao hàng chặng cuối không chỉ là yếu tố quyết định sự hài lòng của khách hàng, mà còn ảnh hưởng đến lợi nhuận và danh tiếng của các doanh nghiệp TMĐT”, vị chuyên gia cho hay.
Những bất cập về logistics tại thị trường Việt Nam cũng không ít lần được các chủ doanh nghiệp phản ánh. Một khảo sát gần 300 doanh nghiệp được phản ánh trong báo cáo ngành năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy phần lớn dịch vụ logistics được đánh giá ở mức trung bình và kém (trên dưới 50%) thay vì mức khá và tốt.
Tại cuộc họp với nhà đầu tư hồi đầu năm 2022, Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài từng phát biểu logistic ở Việt Nam chưa hiệu quả và bất cứ ai đủ năng lực xây dựng công ty logistics làm ăn tới nơi tới chốn đều có thể giành chiến thắng.
Chạy đua thu hẹp khoảng cách
Trước làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ của TMĐT, thị trường giao hàng chặng cuối của Việt Nam cũng đang trải qua giai đoạn sôi động với sự tham gia của không ít doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước.
Trong bối cảnh này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho rằng các doanh nghiệp logistics cần chấp nhận thay đổi, tăng cường áp dụng công nghệ để tồn tại, cạnh tranh và phát triển.
Để thâm nhập thị trường, các doanh nghiệp quốc tế như J&T Express, Best Express đã dựa trên nguồn lực lớn để bứt tốc mở rộng độ phủ thông qua mô hình nhượng quyền và tối ưu chi phí vận chuyển.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa như Giao Hàng Tiết Kiệm, Giao Hàng Nhanh, Nhất Tín Logistics... lại hợp tác với các đơn vị đã vận hành lâu năm để hoàn thiện những đơn hàng liên thành phố hoặc ở khu vực nông thôn.
Các doanh nghiệp logistics chạy đua tối ưu chi phí, thời gian giao hàng chặng cuối. Ảnh: Thạch Thảo. |
Theo ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post, thách thức lớn nhất là phải tối ưu được chi phí trên từng đơn hàng. Để giải quyết vấn đề này, ông cho biết đơn vị đã xây dựng lại hạ tầng mạng lưới cả phần cứng và phần mềm, quy trình vận hành, khai thác để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất, nhanh nhất, rẻ nhất.
VNPost cũng khẩn trương tối ưu hóa hệ thống công nghệ, tăng năng suất lao động, đồng thời nâng cao chất lượng, cải thiện các ứng dụng theo hướng tiện dụng, hiệu quả và tích cực tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm chi phí, xây dựng cơ chế hợp lý để phát triển dịch vụ.
Trong cuộc đua tối ưu hóa quy trình hoạt động, các doanh nghiệp cũng dốc sức đầu tư cho mạng lưới cơ sở hạ tầng và những công nghệ hiện đại nhất.
Gần đây nhất, SPX Express đã ký hợp tác chiến lược cùng Frasers Property Vietnam để xây dựng dự án Trung tâm phân loại tự động (Sorting Center) quy mô 106.000 m2 tại Khu công nghiệp Bình Dương. Nơi này được trang bị hệ thống phân loại hàng tự động mới nhất với nhiều công nghệ tiên tiến, qua đó đưa công suất xử lý giai đoạn 1 dự kiến trên 2,5 triệu bưu kiện/ngày.
Bà Nguyễn Kim Anh, Giám đốc SPX, cho biết việc mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động không chỉ nhằm tối ưu hóa chi phí và gia tăng hiệu quả vận hành, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững cho thị trường giao hàng chặng cuối.
Cuối năm ngoái, SPX cũng vừa khánh thành Trung tâm phân loại rộng 100.000 m2 tại Khu công nghiệp VSIP (Bắc Ninh). Thời điểm đó, đây là trung tâm phân loại lớn và hiện đại nhất của SPX trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng xử lý 2,5 triệu bưu kiện/ngày ở giai đoạn 1 và nâng công suất lên 5 triệu bưu kiện ở giai đoạn 2.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.