Trong một văn phòng tại Kiev, ông Yuri Hudymenko, nhà vận động chính trị kiêm thành viên lực lượng bán quân sự Ukraine, ngồi sau bàn làm việc. Sau lưng ông là lá cờ có hình hai chiếc rìu đan chéo.
Ông Hudymenko cho biết bản thân sẵn sàng chiến đấu, nhưng không nhất thiết nhằm vào Nga. Là lãnh đạo đảng “Chiếc rìu dân chủ” - một trong hàng loạt đảng phái dân tộc chủ nghĩa tại Ukraine - ông phản đối mọi thỏa hiệp với Moscow. Nếu các chính trị gia tại Kiev nhân nhượng quá nhiều để đối lấy hòa bình, họ sẽ trở thành mục tiêu bị nhắm đến.
“Chúng tôi sẽ đối phó với Nga, bằng cách này hay cách khác”, ông Hudymenko nói với New York Times. “Nếu bất cứ ai trong chính phủ Ukraine cố gắng ký kết các văn bản như vậy, hàng triệu người sẽ đổ xuống đường. Chính phủ đó sẽ không còn tồn tại”.
Lời cảnh báo từ trong nước
Nga đang tập trung hơn 130.000 quân gần biên giới với Ukraine, gây ra mối đe dọa trực tiếp với quốc gia Đông Âu này.
Vẫn chưa rõ liệu Moscow, Kiev và các nước phương Tây có thể giải quyết vụ việc qua kênh ngoại giao hay không. Tuy vậy, một thỏa thuận nhiều khả năng buộc Kiev phải trả cái giá về chính trị, ít nhất với dư luận trong nước.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không có nhiều quân bài đủ sức nặng trên bàn đàm phán với Moscow. Lá bài mạnh nhất của ông có lẽ là đe dọa về một cuộc nổi dậy của các nhóm dân tộc chủ nghĩa cánh hữu như đảng “Chiếc rìu dân chủ”, trong trường hợp Nga tấn công.
Các nhóm dân tộc chủ nghĩa cánh hữu - như đảng “Chiếc rìu dân chủ” của ông Hudymenko - được coi có quan điểm cứng rắn với Nga. Ảnh: New York Times. |
Trong thời gian qua, chính phủ Ukraine thậm chí khuyến khích các nhóm này tăng cường vũ trang. Tuy nhiên, đây là con dao hai lưỡi. Nếu ông Zelensky đồng ý một thỏa thuận bị cho là “nhân nhượng quá mức”, ông có thể bị chính các nhóm vũ trang này lật đổ.
Cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Ukraine cùng tuyên bố mối đe dọa lớn nhất mà nước này phải đối mặt là bất ổn nội bộ trước mối đe dọa tấn công của Nga, không phải là bản thân cuộc tấn công.
Ở quốc gia mà người dân từng hai lần xuống đường lật đổ chính phủ bị cho là “thân Nga”, đây không phải điều khó hiểu.
“Ông Macron muốn hy sinh chủ quyền của Ukraine để xoa dịu Nga, nhưng không hiểu rằng kế hoạch này sẽ thất bại”, ông Oleksandr Ivanov, lãnh đạo một nhóm có tên gọi “Phong trào chống đầu hàng”, nhận xét sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiết lộ về khả năng “Phần Lan hóa” Ukraine, biến đây thành quốc gia trung lập giữa Nga và NATO.
Ông Ivanov và các cộng sự đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình ở Kiev ngày 12/2 tới. “Các nhà ngoại giao không hiểu rõ Ukraine. Các tổ chức xã hội dân sự ở đây có ảnh hưởng lớn tới chính trị hơn là các đảng phái. Mối đe dọa chiến tranh chỉ là lời hăm dọa, trong khi thỏa hiệp chắc chắn gây ra biểu tình”, ông tuyên bố.
Trong khi đó, ở văn phòng tại Kiev, ông Hudymenko khẳng định mọi cuộc biểu tình chống thỏa hiệp với Nga sẽ diễn ra hòa bình, nhưng đủ để dẫn đến sự ra đi của Tổng thống Zelensky.
"Chính phủ sợ người Ukraine hơn quân đội Nga"
Năm 2019, ông Zelensky thắng cử với lời hứa thúc đẩy đàm phán hòa bình với Moscow về cuộc xung đột với lực lượng ly khai miền Đông nước này. Cho đến nay, ông chưa thể thực hiện lời hứa của mình.
Sự phản đối của phe dân tộc chủ nghĩa khiến các cuộc đàm phán ngoại giao thêm phức tạp. Mối nguy này nổi lên kể từ cuối năm 2021, khi ông Zelensky cáo buộc đảng “Chiếc rìu dân chủ” lên kế hoạch tổ chức biểu tình có vũ trang ở Kiev như là một phần của âm mưu đảo chính.
Một cuộc biểu tình của phe cực hữu Ukraine tại Kiev tháng 12/2018. Ảnh: Reuters. |
Tuy vậy, không có thành viên nào của đảng “Chiếc rìu dân chủ” bị bắt giữ. “Nếu đây thực sự là một cuộc đảo chính, họ phải bắt ai đó chứ nhỉ?”, ông Hudymenko châm biếm.
Đảng “Chiếc rìu dân chủ” vốn được lập ra bởi một nhóm blogger. Họ chọn chiếc rìu là biểu tượng vì đây vừa là vũ khí trong chiến tranh, vừa là công cụ lao động trong thời bình.
Ông Hudymenko - lãnh đạo đảng - cho biết tổ chức của mình tuân thủ chặt chẽ luật pháp Ukraine. “Chúng tôi có văn hóa biểu tình, văn hóa bạo loạn”, ông nói.
Theo ông Hudymenko, chính phủ không được phép thỏa hiệp về chính trị với lực lượng ly khai miền Đông trước khi Nga rút quân. Nhân nhượng trước sẽ khuyến khích Nga tiếp tục tập trung quân trong tương lai.
“Có thể vì chúng tôi là hàng xóm của Nga, chúng tôi có thể hiểu những điều mà người ở xa thấy khó hiểu”, ông Hudymenko nói. “Xung đột lần này là một phần của cuộc chiến lớn đã kéo dài nhiều thế kỷ. Mỗi khi Nga có đủ sự gắn kết trong nội bộ - và có cơ hội - họ sẽ tấn công Ukraine”.
Người đứng đầu đảng “Chiếc rìu dân chủ” cho biết ông giữ một khẩu tiểu liên AK ở nhà và luyện tập thường xuyên để chống lại quân Nga. Ông tuyên bố chỉ đem khẩu súng này đi biểu tình nếu cảnh sát nổ súng vào đám đông.
“Ông Zelensky và chính phủ của mình có thể phải chịu áp lực từ cả người Nga và Ukraine”, ông Hudymenko nhận định. “Nhưng họ sợ người Ukraine hơn là quân đội Nga”.