Năm 2013, Apple công bố tính năng Activation Lock trên iOS, khiến kẻ trộm không thể khôi phục cài đặt gốc iPhone, iPad nếu không có tài khoản Apple ID từ chủ sở hữu. Đến năm 2018, Apple tích hợp tích năng tương tự lên máy tính Mac nhờ con chip bảo mật T2.
Chip bảo mật T2 bắt đầu xuất hiện trên các mẫu MacBook đời 2018. Ảnh: 9to5Mac. |
“Apple không để tôi sửa và xóa dữ liệu trên MacBook. Giờ đây những chiếc máy giá 3.000 USD lại biến thành đống phế liệu 12 USD”, người dùng Twitter John Bumstead cho biết, anh cũng là chủ cửa hàng kinh doanh MacBook cũ.
“Chúng tôi không thể đưa máy vào chế độ khôi phục hay truy cập vào ổ đĩa ngoài để xóa dữ liệu nếu không có mật khẩu người dùng. Vì chip bảo mật T2 được hàn chết trên bo mạch nên không có cách nào để xóa hay cài đặt lại máy mà không có mật khẩu”, Bumstead trả lời phỏng vấn với Motherboard.
Nhiều năm trước, người dùng iPhone thường không cài lại máy trước khi đem bán. Vì thế, điều duy nhất có thể làm với những chiếc máy này là tái chế hoặc tách lấy các linh kiện còn tốt. Tương tự, với các dòng MacBook được trang bị chip T2, chủ sở hữu cũ cần thực hiện cài đặt lại hệ điều hành trước khi bán máy.
Đáng nói hơn, không chỉ những người dùng cá nhân, các tổ chức doanh nghiệp khi nâng cấp dàn máy và thanh lý máy cũ, họ cũng không thực hiện khôi phục cài đặt gốc. Kết quả là khi mua về, các cửa hàng chuyên bán MacBook cũ không thể bán chúng lại cho khách. Bumstead cho biết khoảng một phần tư số máy Mac tại cửa hàng của anh là đống phế liệu.
Hình ảnh John Bumstead đăng tải trên Twitter. Ảnh: John Bumstead. |
Không chỉ các bên kinh doanh, người dùng tìm mua máy cũ cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề này. Chip T2 đã làm giảm nguồn cung MacBook cũ và khiến giá bán máy tăng cao, trong khi những chiếc máy tính thường có tuổi thọ từ 5 đến 10 năm thì nay lại biến thành phế liệu chỉ sau 2 năm.
Việc bảo vệ quyền lợi khách hàng và không để bất kỳ cửa hậu tồn tại để khôi phục dữ liệu của Apple là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng hãng cần có một số biện pháp để các cửa hàng bán máy cũ xóa dữ liệu MacBook hợp pháp.
Lấy ví dụ từ nhà sản xuất xe đạp gấp Brompton, bất kỳ ai bị mất xe đạp đều có thể thêm số sê-ri vào cơ sở dữ liệu của hãng. Sau đó, người mua xe cũ có thể kiểm tra xem chiếc xe mình mua có phải là hàng bị mất cắp hay không.
Tương tự, nếu chiếc MacBook hay iPhone của người dùng bị đánh cắp, họ sẽ đăng nhập vào trang web Apple bằng tài khoản được liên kết với thiết bị và báo mất. Các cá nhân hay đại lý kinh doanh máy cũ sau đó có thể kiểm tra từ cơ sở dữ liệu này trước khi mua máy.
Riêng với các đại lý, Apple cần ủy quyền reset máy từ xa khi những chiếc máy họ có không phải loại hàng bị báo mất. Nhưng nếu thực hiện các bước trên, Apple cần nâng cấp chip T2 để có thể hỗ trợ ủy quyền từ xa, kết nối với máy chủ Apple khi khởi động và kiểm tra quyền xóa dữ liệu.