Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TƯ VẤN

Con bất hiếu, cha mẹ có đòi lại tài sản đã cho?

Theo luật sư, nếu việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ là một điều kiện trong hợp đồng tặng cho có điều kiện và con cái vi phạm nghĩa vụ này, cha mẹ có thể đòi lại tài sản.

Vợ chồng tôi đã sang tên sổ đỏ cho con trai với mục đích trông cậy lúc tuổi già sức yếu. Tuy nhiên, những năm gần đây, con trai tôi trở mặt, không chăm sóc, thậm chí hỗn láo, đòi đuổi chúng tôi ra khỏi chính căn nhà đã được cho tặng. Vậy chúng tôi có thể đòi lại căn nhà để chia tài sản cho những người con khác được không?

Ông T.M.H. (55 tuổi, ở Hà Nội).

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TGS

Từ thông tin hiện có, có thể thấy 2 bác và con trai đã có sự thỏa thuận về việc chuyển quyền sử dụng đất. Cách thức chuyển đổi là chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất, được quy định tại các Điều 457 và 459 Bộ luật Dân sự 2015.

Khi hợp đồng giữa các bên đã có hiệu lực, bên chuyển nhượng hoặc tặng cho không có quyền đòi lại quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hai bác vẫn có thể đòi lại quyền sử dụng đất trong hai trường hợp sau:

Trường hợp 1: Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa hai bác và con trai có đầy đủ 2 yêu cầu sau:

- Hợp đồng giữa hai bác và con trai là hợp đồng tặng cho có điều kiện.

- Điều kiện trong hợp đồng là con trai phải có nghĩa vụ phụng dưỡng, chăm sóc với cha, mẹ… các điều kiện này không được trái pháp luật và trái đạo đức xã hội.

Nếu thuộc trường hợp này, hai bác có thể áp dụng quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 201. Theo đó, trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ. Về nghĩa vụ chăm sóc, con cái có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật. Trường hợp có nhiều con thì các con phải cùng nhau nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ.

Từ những quy định này, hai bác cần căn cứ tình trạng mâu thuẫn trong gia đình, xem xét con trai trên thực tế có vi phạm nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ hay không. Nếu có, các bác có quyền đòi lại tài sản tặng cho.

Trường hợp 2: Hai bác chứng minh được hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa hai bác và con trai là hợp đồng dân sự vô hiệu. Khi đó, các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, một giao dịch dân sự có hiệu lực phải đáp ứng các yêu cầu gồm: Chủ thể tham gia có năng lực hành vi dân sự phù hợp; tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của dân sự không vi phạm pháp luật hay trái đạo đức xã hội và hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Nếu vi phạm một trong các quy định này, hợp đồng dân sự sẽ vô hiệu. Khi đó, theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Các bên sẽ phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Như vậy, hai bác có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu đòi lại tài sản tại tòa án nơi có bất động sản đó. Trong trường hợp kiện đòi tài sản, bác cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu chứng minh hợp đồng này là loại hợp đồng tặng cho có điều kiện hoặc là hợp đồng vô hiệu. Đối với hợp đồng tặng cho có điều kiện, phải chứng minh được việc con trai đã vi phạm nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Trường hợp không ghi rõ về nghĩa vụ của con trai bác, cần các bằng chứng khác chứng minh nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ là điều kiện của hợp đồng tặng cho. Trên cơ sở tài liệu đã có, tòa án sẽ xem xét, đánh giá và ra quyết định.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…

Không cấp dưỡng cho con sau ly hôn có thể bị xử lý hình sự

Theo luật sư, cha mẹ cố tình không cấp dưỡng có thể bị phạt 5-10 triệu đồng. Nếu việc trốn tránh nghĩa vụ khiến con bị nguy hiểm tính mạng, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm