Theo Slate, báo cáo tài chính quý II/2022 sắp tới có thể sẽ là lần đầu tiên Meta chứng kiến doanh thu quý của mình sụt giảm. Điều này cho thấy mô hình kinh doanh của tập đoàn công nghệ đã bắt đầu suy yếu sau chuỗi ngày tăng trưởng bùng nổ.
Trước đó, doanh thu của Meta, công ty mẹ Facebook, Instagram và WhatsApp đều đặn tăng trưởng hơn 20% mỗi quý bất chấp những ồn ào xung quanh quanh thương hiệu này.
Cơn bão ập đến với Meta
Đến năm 2021, hàng loạt nhân tố kinh tế và các đối thủ cạnh tranh đã khiến mức tăng trưởng lợi nhuận của tập đoàn chững lại, thậm chí là lỗ nặng trong thời gian gần đây. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của tập đoàn đã giảm mạnh 45%. Thực tế này đã đặt dấu chấm hết cho chuỗi thành công của Meta.
“Meta đang đối diện với một cơn bão khổng lồ”, Mark Mahaney, Giám đốc cấp cao mảng nghiên cứu Internet tại Evercore ISI, nhận định.
Vào đầu tháng 7, Meta, công ty mẹ của Facebook, cắt giảm hàng trăm nhân sự. Ảnh: Getty Images. |
Theo ông, cơn bão này đến từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tỷ lệ lạm phát tăng nhanh làm thị trường quảng cáo chậm tăng trưởng, chính sách tăng giá đồng USD làm hạn chế doanh thu toàn cầu.
Bên cạnh đó, gã khổng lồ công nghệ còn phải chịu sự cạnh tranh gắt gao từ nền tảng chia sẻ video mới nổi TikTok. Tuy Meta khẳng định sẽ tập trung phát triển Reels trên Instagram để cạnh tranh nhưng tính năng này còn mới, rất khó để thu lợi nhuận.
Tình hình chiến sự ở Ukraine và Nga cũng làm mảng kinh doanh của Meta ngừng hoạt động ở các quốc gia này. Cuối cùng, chính sách chặn theo dõi App Tracking Transparency (ATT) trên các sản phẩm của Apple đã khiến các đối tác quảng cáo của Meta gặp khó.
Theo Slate, trong một viễn cảnh tích cực hơn, lợi nhuận trong quý II của hãng công nghệ vẫn sẽ tăng nhưng không thấm vào đâu so với những chuỗi ngày đỉnh cao trước đó. Chuyên gia Mahaney ước tính vấn đề sụt giảm doanh thu trên thị trường toàn cầu sẽ làm mức tăng trưởng chung giảm khoảng 2-4%.
Tuy nhiên, tình hình này lại không mấy ảnh hưởng đến TikTok. “Tăng trưởng lợi nhuận đến từ quảng cáo của TikTok có thể đạt đến 3 con số so với cùng kỳ năm trước”, ông khẳng định.
Meta đã phát triển đến mức đỉnh cao và đang dần lụi tàn khi không thể cạnh tranh với những đối thủ khác. Ảnh: Financial Times. |
Với Meta, lợi nhuận giảm đồng nghĩa với việc phải cắt giảm các dự án mà hãng đang ấp ủ trong suốt thời gian qua. Cụ thể, Mark Zuckerberg đã hoãn nhiều kế hoạch tuyển dụng, tăng khối lượng công việc và cắt giảm nhân sự do lo ngại suy thoái kinh tế.
“Đây có lẽ là một trong những lần sụt giảm tồi tệ nhất trong lịch sử của chúng ta”, CEO Meta nói trong một cuộc họp nội bộ vào cuối tháng 6. Trong lĩnh vực mạng xã hội đầy cạnh tranh, cắt giảm nhân sự đồng nghĩa với việc nhường đường cho những đối thủ khác.
Viễn cảnh lạc quan
Do đó, Slate nhận định viễn cảnh tốt nhất dành cho Meta lúc này là tăng 3% lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia cũng kỳ vọng doanh thu của hãng công nghệ sẽ đạt mức 28-30 tỷ USD trong quý II. Nếu con số này dừng ở mức 29 tỷ USD, doanh thu sẽ giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới đây, Snap, một trong những đối thủ cạnh tranh của Meta, đã công bố kết quả kinh doanh trong quý trước. Doanh thu và lợi nhuận của hãng đều thấp hơn dự tính. Sau khi tin tức này được công bố, giá cổ phiếu của Snap đã giảm mạnh 26%, kéo theo Meta giảm 4,68%. Điều này cho thấy những nền tảng mạng xã hội tập trung thu lợi từ quảng cáo đang gặp nhiều vấn đề hơn bao giờ hết.
Song, theo Slate, Meta vẫn có thể lạc quan về mảng kinh doanh của mình. Trên thực tế, hãng vẫn làm nên ăn ra với nguồn lợi tiềm năng đến từ tính năng Reels. Mặt khác, các nhà đầu tư cũng dần lạc quan hơn sau khi Apple công bố tính năng chặn theo dõi trên ứng dụng của mình.
“Người dùng dần quay lại thói quen tiêu tiền cho Facebook. Các thương hiệu đang dần điều chỉnh để làm quen với một bình thường mới”, Sara Livingston, Giám đốc tại công ty phân tích marketing Rockerbox, chia sẻ.
Hôm 22/7, Meta thông báo về thay đổi giao diện Facebook. Giờ đây, mạng xã hội sẽ chia phần Bảng tin của mình thành hai mục (tab) là Feeds và Home. Đây là nỗ lực đề xuất nhiều nội dung giải trí hơn tới người dùng, nhằm cạnh tranh với những nền tảng như TikTok. CEO Mark Zuckerberg gọi đây là "công cụ khám phá”, giúp cạnh tranh với các đối thủ về thời gian và sự chú ý của người dùng.