“Bộ Y tế đang phải cùng lúc chiến đấu trên hai mặt trận ở Dải Gaza - mặt trận ứng phó với đại dịch Covid-19 và mặt trận còn lại, khó khăn hơn là thương tích từ những nạn nhân trong các cuộc tấn công", ông Marwan Abu Sada, giám đốc phẫu thuật của bệnh viện Shifa cho biết.
Hơn một tuần giao tranh, cùng với con số thương vong không ngừng gia tăng ở Dải Gaza vì các đợt không kích của Israel, các bác sĩ tại Dải Gaza cũng đang phải "chiến đấu" ngày đêm, Reuters đưa tin.
Hệ thống y tế của Dải Gaza đang phải vật lộn để vừa cứu chữa cho bệnh nhân Covid-19, vừa điều trị cho các nạn nhân trong cuộc tấn công. Ảnh: AP. |
Tại Shifa, cơ sở y tế lớn nhất trong số 13 bệnh viện và 54 phòng khám tại khu vực đông đúc 2 triệu dân, số giường chăm sóc đặc biệt đã tăng gấp đôi lên 32, khi số người bị thương do xung đột không ngừng gia tăng.
Phong tỏa dẫn đến tình trạng thiếu hụt
Giống như phần còn lại của hệ thống y tế, bệnh viện 750 giường đang đối mặt với tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị từ trước khi giao tranh nổ ra vào ngày 10/5.
“Danh sách các loại thuốc thiết yếu và đồ dùng y tế bị thiếu hụt trầm trọng”, ông Abu Sada nói.
Vấn đề không chỉ nằm ở nguồn cung thuốc men, nhiên liệu cho máy phát điện cung cấp năng lượng ở các bệnh viện Dải Gaza cũng đang dần cạn kiệt, trong khi nguồn điện chính gián đoạn liên tục.
Nhiều chuyên gia y tế đã đổ lỗi cho cuộc phong tỏa do Israel dẫn đầu cùng Ai Cập, quốc gia có chung biên giới với Gaza.
Trong khi đó, Israel cho biết các biện pháp của họ nhằm ngăn chặn vũ khí được vận chuyển tới các chiến binh Hamas.
Israel cho hay việc phong tỏa của họ không nhằm mục đích ngăn chặn thuốc men hoặc các nguồn cung cấp nhân đạo khác. Nước này đổ lỗi cho lực lượng Hamas và tuyên bố bất kỳ sự thiếu hụt nào cũng là kết quả từ các hành động tấn công của Hamas, nhóm Hồi giáo đã điều hành Gaza kể từ năm 2007, khi lệnh phong tỏa được áp dụng.
“Hamas đã xây dựng một mạng lưới các đường hầm chống khủng bố dưới lòng đất ở Gaza, bên dưới nhà của người Palestine, sử dụng quỹ dành cho sức khỏe và phúc lợi của họ để mở rộng cỗ máy khủng bố Hamas”, Bộ Ngoại giao Israel cho biết.
Hamas đã bác bỏ cáo buộc này.
Phong tỏa đã khiến hệ thống y tế tại Dải Gaza rơi vào cảnh thiếu thốn thuốc men. Ảnh: Reuters. |
"Thiết bị cũ, tòa nhà cũ"
"Trước khi có Covid-19, hệ thống y tế tại đây đã bị coi là "mong manh" vì trang thiết bị và các tòa nhà điều trị đều cũ kỹ, trong khi nhân viên y tế thiếu đào tạo bài bản và thường xuyên diễn ra tình trạng thiếu hụt các loại thuốc thiết yếu", bà Sacha Bootsma, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Gaza, cho biết.
Bà cho hay đại dịch đã đặt thêm nhiều căng thẳng lên hệ thống y tế vốn đã gặp nhiều vấn đề tại vùng đất này. Gaza đã báo cáo khoảng 106.000 trường hợp mắc Covid-19, tương đương 5,3% dân số. Trong số đó, khoảng 986 trường hợp đã tử vong, quan chức y tế cho biết.
Trong khi Israel được đánh giá là đã triển khai một trong những chương trình tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới, với hơn một nửa trong số 9,3 triệu dân được tiêm đầy đủ thì Dải Gaza đang gặp nhiều vấn đề.
Khu vực này mới chỉ nhận được khoảng 110.000 liều, đủ cho 55.000 người, các quan chức y tế cho biết. Đây là con số ít ỏi so với nơi là một trong khu vực đông dân cư nhất trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, các bệnh viện tại Dải Gaza vẫn đang phải phân chia nguồn lực chống dịch để cứu chữa cho những người bị thương trong cuộc xung đột giữa Palestine và Israel.
Tại một khu trong bệnh viện Shifa, nơi được đánh dấu là “Phòng cách ly Corona”, đã phải được chuyển thành đơn vị chăm sóc đặc biệt cho những người bị thương trong cuộc xung đột.
“Chúng tôi yêu cầu sự hỗ trợ khẩn cấp từ quốc tế và các tổ chức cứu trợ", phát ngôn viên của Cơ quan Y tế tại Dải Gaza Ashraf Al-Qidra kêu gọi.
Đối với những người sống gần bệnh viện Shifa, âm thanh của xe cấp cứu khiến họ đau đớn.
Ông Karam Badr, 57 tuổi, chia sẻ: “Chừng nào chúng tôi còn nghe thấy tiếng còi báo động, chúng tôi biết là mọi chuyện vẫn chưa kết thúc".
Hệ thống y tế Gaza đang phải chiến đấu trên hai mặt trận, Covid-19 và chiến tranh với Israel. Ảnh: Reuters. |
Các nhân viên y tế vẫn đang nỗ lực cứu chữa bệnh nhân trong điều kiện hoạt động tồi tệ tại các cơ sở điều trị.
Dẫu vậy, tiến sĩ Bootsma của WHO cho biết các nguồn lực khan hiếm vẫn tiếp cận được tới những người cần nhất.
"Hệ thống y tế vẫn sẽ có khả năng phục hồi đáng kể", bà cho biết.