Một thành phố của Philippines bị chiếm. Lá cờ đen IS được cắm lên giữa phố. Chân rết IS tại Đông Nam Á không còn là vài cuộc tấn công nhỏ lẻ mà bám rễ chặt vào sự bất ổn nơi đây.
Từ một lực lượng khủng bố nhỏ, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhanh chóng lớn mạnh và lộng hành ở Syria và Iraq. Ngày nay, tổ chức này "vươn vòi bạch tuộc" tới một phần Trung Đông và Bắc Phi thông qua việc liên minh và thôn tính các nhóm khủng bố khác. Dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Khủng bố của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s cho thấy quy mô các vụ khủng bố của IS trên một khu vực rộng lớn.
Sau vài năm hoạt động, IS cuối cùng đã tấn công quy mô lớn tại Đông Nam Á. Không phải một "sói hoang đơn độc" lái chiếc xe tải gần 30 tấn lao vào đám đông đang buổi hội hè như tại Pháp hoặc Đức. Không phải vài quả bom đặt rải rác ở ga tàu điện ngầm, buổi diễn ca nhạc như ở Bỉ và Anh.
IS chính thức đánh dấu sự hiện diện tại Đông Nam Á bằng cuộc chiếm đóng của hàng trăm tay súng vào thành phố Hồi giáo nằm giữa lòng quốc gia Cơ đốc giáo Philippines.
Cảnh tượng tại Marawi, thành phố bị lực lượng thân IS chiếm đóng, không giống Berlin hay London, nơi cư dân của những xã hội văn mình sững sờ sau mỗi đợt tấn công rồi tiếp tục sống. Tại những nơi đó, IS chỉ có thể gây nên nỗi kinh hoàng chứ không thể áp đặt "đế chế Hồi giáo" lên cuộc sống của người dân.
Abu Bakr al-Baghdadi. Ảnh: TIME. |
Tại Marawi, người ta thấy những đoàn người nối nhau lũ lượt rời thành phố, không khác gì tại Mosul (Iraq), nơi người dân tháo chạy để tránh bị đem ra làm bia đỡ đạn trong các cuộc giao tranh của IS và lực lượng chính phủ. Giữa miền nam Philippines hàng chục năm sống cùng những cuộc xung đột, IS tham vọng lập nên một "thủ phủ" mới, lần đầu tiên đưa phạm vi chiếm đóng ra khỏi Trung Đông.
Ngày 16/6, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tối cao của IS, đã thiệt mạng trong một trận không kích hồi cuối tháng 5.
Vụ không kích do lực lượng Nga dẫn đầu nhắm vào một cuộc họp của các lãnh đạo IS ở vùng ngoại ô phía nam Raqqa, Syria.
Moscow cho biết đã kiểm chứng nhiều kênh thông tin và xác nhận thủ lĩnh IS có mặt tại cuộc họp. Ngoài Abu Bakr al-Baghdadi, đợt tấn công trên cũng tiêu diệt 30 lãnh đạo cấp trung của IS và khoảng 300 phiến quân. Trong khi đó, liên minh chống IS do Mỹ lãnh đạo cho biết họ chưa thể xác nhận thông tin thủ lĩnh tối cao của IS bị tiêu diệt.
Tuy nhiên, dù al-Baghdadi thiệt mạng hay không, việc IS "xuất khẩu" chân rết đi khắp nơi sẽ không dừng lại.
Trong suốt 3 tuần qua, máy bay OV-10 của quân đội Philippines quần thảo hàng ngày trên bầu trời thành phố Marawi, trút từng đợt bom xuống chỗ trú ẩn của phiến quân thân IS. Mỗi ngày, những cư dân sót lại Marawi, phần lớn là tín đồ Hồi giáo, nhìn qua cửa sổ và chứng kiến thành phố của họ bị phá hủy dần.
Chỉ 1 tuần sau khi Maute tấn công và quân đội được triển khai đến, chính phủ Philippines đã tuyên bố kiểm soát được hầu hết thành phố. Thế nhưng, 2 tuần sau đó, quân đội vẫn không thể quét sạch phiến quân khỏi thành phố.
Tình hình tương tự diễn ra ở "thủ phủ" của IS ở Mosul, nơi lực lượng chính phủ Iraq mở chiến dịch giành lại thành phố từ cuối năm 2016 nhưng không thể tiến lên để giành nốt phần phía tây thành phố vẫn nằm trong tay IS.
Ở cả Mosul lẫn Marawi, những đợt không kích liên tục không thể tiêu diệt hoàn toàn các phần tử IS và thân IS. Thay vì đó, những công trình trong thành phố trở thành tro bụi. Binh lính chính phủ gặp khó khăn trước những tay súng am hiểu địa hình địa phương và thường dân bị mang ra làm bia đỡ đạn.
Ở cả Mosul lẫn Marawi, người dân đổ về các khu vực lân cận, thành phố bị bỏ lại, trở thành chiến địa giao tranh. Kể từ khi cuộc chiếm đóng Marawi nổ ra, hơn 200.000 người dân, tức phần lớn dân số, đã rời khỏi thành phố. Hầu hết họ sống trong những trại sơ tán với điều kiện thiếu thốn giữa thời tiết nóng và ẩm ướt. Các ca sốt và tiêu chảy đã bắt đầu xuất hiện.
Tại Iraq, gần 700.000 người đã chạy trốn khỏi vùng giao tranh ở Mosul kể từ khi chiến dịch giành lại thành phố bắt đầu hồi tháng 10/2016. Ngân sách của chính phủ Iraq và chương trình Liên Hợp Quốc không đủ để lo cho số người chạy nạn này. Trong những trại tị nạn, các gia đình phải chia nhau một căn lều.
Tháng chay Ramadan của người Hồi giáo đã bắt đầu được 20 ngày. Hàng trăm nghìn người đang trải qua lễ Ramadan ở những trại sơ tán. Nhà cửa bị bỏ lại vùng giao tranh, người dân vẫn chưa biết khi nào họ có thể trở về.
Cuộc chiếm đóng thành phố Marawi trên đảo Mindanao (Philippines) do nhóm chiến binh Hồi giáo Maute và nhóm đồng minh Abu Sayyaf tiến hành. Ngọn cờ đen của IS được cắm lên tại Marawi bởi những tay súng địa phương có thể chưa từng ra nước ngoài và trực tiếp đến hang ổ IS.
Thay vì trực tiếp đào tạo và lên kế hoạch tấn công, IS biến tư tưởng của chúng thành hành động thông qua các nhóm cực đoan bản địa.
Năm 2016, Isnilon Hapilon, thủ lĩnh của Abu Sayyaf, đã được IS phong vương (emir), trở thành "người lãnh đạo tất cả các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo tại Philippines". Từ Iraq và Syria, IS "nhượng" cho Abu Sayyaf và đồng minh quyền nhân danh chúng để tiến hành các hoạt động khủng bố tại địa phương và khu vực. Những người ủng hộ IS trên khắp thế giới được khuyến khích đến Philippines chiến đấu nếu họ không thể sang Iraq hoặc Syria.
Không phải Malaysia hay Indonesia, Philippines, quốc gia có hơn 90% dân số theo Cơ đốc giáo, lại được chọn để đặt "thành phố vệ tinh" đầu tiên của IS.
Nguyên nhân là trong nhiều năm dài, miền nam Philippines đã là địa bàn hoạt động của các nhóm phiến quân Hồi giáo chống chính phủ.
Trước sự kiện tại Marawi, nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf của Philippines đã nổi tiếng toàn thế giới với các vụ bắt cóc tống tiền, gần như một tay biến Đông Nam Á thành "thủ phủ cướp biển thế giới", hơn cả vùng Sừng châu Phi.
Các chuyên gia nhận định Tổng thống Rodrigo Duterte quá mải mê trong cuộc chiến chống ma túy mà bỏ qua mối đe dọa từ các nhóm nổi dậy ở Philippines. Tiến trình hòa bình thất bại khiến các nhóm nổi dậy từ bỏ cơ hội "làm hòa" với chính phủ mà ngã về phía IS.
"Không phải sự lan rộng của IS ở Iraq và Syria khiến IS trỗi dậy ở Philippines, mà lý do chính là sự thất bại của tiến trình hòa bình", giáo sư Zachary M. Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia (Washington, Mỹ), chuyên gia về an ninh Đông Nam Á, nói với New York Times.
Ngoài các tay súng địa phương, tham gia chiến đấu tại Marawi còn cả các chiến binh Hồi giáo đến từ Yemen, Indonesia, Malaysia... Vụ chiếm Marawi vượt xa một cuộc nổi dậy của lực lượng vũ trang địa phương. Từ gương mặt những tay súng nước ngoài ở Marawi, cơn ác mộng về việc Philippines và Đông Nam Á trở thành điểm tập hợp và trung chuyển các tay súng Hồi giáo cực đoan bỗng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Nguyên nhân cho sự trỗi dậy của IS và các nhóm chân rết của IS tại Đông Nam Á phải được truy về lịch sử hoành hành của chủ nghĩa khủng bố ở khu vực này. Trong buổi điều trần trước Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ hồi năm 2016, ông Joseph Chinyong, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore) nói rằng khủng bố không phải hiện tượng mới mẻ tại Đông Nam Á và không phải đợi đến IS, khu vực này mới hứng chịu khủng bố.
Trong cuộc chiến chống lại chế độ thuộc địa ở các quốc gia Đông Nam Á vào thế kỷ 20, nhiều nhóm đã sử dụng đến khủng bố và các hành vi bạo lực chính trị. Sau sự kiện 11/9/2001 tại Mỹ, Jemaah Islamiyah, nhóm khủng bố có liên kết với al Qaeda, cùng các nhóm "con" của nó đã tiến hành nhiều vụ tấn công. Những vụ khủng bố gây chấn động nhất có thể kể đến vụ đánh bom năm 2002 ở Bali làm 204 người thiệt mạng hay vụ đánh bom phà SuperFerry 14 ở Philippines năm 2004 làm 116 người chết...
Kể từ sự trỗi dậy của IS ở Trung Đông, lần đầu tiên Đông Nam Á "nếm mùi" các cuộc tấn công của những phần tử thân IS là vào tháng 1/2016, vụ đánh bom ở Jakarta (Indonesia) đã làm 8 người thiệt mạng.
Gần đây, Tư lệnh quân đội Indonesia, tướng Gatot Nurmantyo thừa nhận rằng ở quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới Indonesia, các "hạt mầm" của IS tồn tại ở hầu hết tỉnh thành.
"Dù vậy đó là những hạt mầm chưa thức giấc", ông Nurmantyo cho biết.
Phát biểu tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nhấn mạnh nguy cơ khủng bố tại khu vực "đã tăng cao", và "có thể trở nên tồi tệ hơn với khả năng nhiều chiến binh trở về từ Trung Đông" khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) mất nhiều địa bàn ở đó.
"Chúng tôi biết ít nhất 31 nhóm khủng bố tại Đông Nam Á đã thề trung thành với IS và có những bằng chứng cho thấy sự hợp tác xuyên quốc gia giữa các nhóm này đang gia tăng", bộ trưởng quốc phòng Singapore cho biết.
Ông nhận định các nhóm khủng bố đang tối ưu hóa những mạng lưới tội phạm sẵn có vốn chuyên thực hiện các vụ buôn người, mua bán vũ khí. Đồng thời, ông cho rằng chính điều kiện địa hình của khu vực với biên giới nhiều lỗ hổng và rừng rậm dày đặc đã tạo điều kiện để khủng bố lập căn cứ.
Giới chức Malaysia cũng thường xuyên phá được những âm mưu khủng bố của các phần tử thân IS. Nhiều công dân nước này từng sang Iraq hoặc Syria để gia nhập IS và nhận lệnh của tổ chức để trở về tiến hành các vụ tấn công trong nước.
Trở lại với thành phố chiến địa Marawi, tại đây, khoảng 3.000 binh sĩ Philippines đang đối đầu với trên dưới 500 phiến quân nổi dậy.
Bất chấp sự chênh lệch về lực lượng, trong 2 tuần qua, quân đội Philippines đã hai lần lỡ hạn chót do họ tự đặt ra để quét sạch phiến quân khỏi thành phố. Binh lính Mỹ đã có mặt tại khu vực lân cận Marawi để hỗ trợ lực lượng Philippines nhưng chưa tham gia chiến đấu.
Thế nhưng, dẫu cho những đợt bom của quân đội Philippines có giết chết hết các phần tử Maute, Abu Sayyaf và chiến binh thân IS đang cố thủ ở Marawi, họ cũng không thể tiêu diệt sạch mầm mống của IS tại khu vực này. Nếu tình trạng nghèo đói, bất ổn ở miền nam Philippines không được giải quyết tận gốc, nơi đây sẽ tiếp tục là môi trường để những tư tưởng cực đoan nảy nở và tìm về.
"Nếu ông Duterte không động tay vào tiến trình hòa bình, toàn bộ vấn đề sẽ còn nhức nhối trong thời gian dài", giáo sư Abuza nói.
"Không gian ngoài kiểm soát" ở Mindanao, theo vị chuyên gia, "là mối đe dọa an ninh với khu vực, không phải chỉ với Philippines".
Ở tầm khu vực, Reuters nhận định mặc cho lịch sử đẫm máu các cuộc khủng bố, Malaysia, Indonesia và Philippines tỏ ra chậm chạp trong việc huy động các nguồn lực chống khủng bố. Các tranh chấp về lãnh thổ, sự thiếu tin tưởng và thiếu năng lực đã khiến các quốc gia này không thể hợp tác chặt chẽ hơn.
Các chuyên gia hy vọng hình ảnh lá cờ IS được dựng lên ở Mindanao có thể là một cú sốc đánh động các chính phủ trong vùng.
"Vẫn còn những vấn đề về niềm tin rơi rớt lại nhưng đồng thời họ cũng hiểu hơn về những hậu quả nếu không chịu thúc đẩy hợp tác", chuyên gia an ninh Rohan Gunaratna tại Singapore nhận định.
Tư lệnh quân đội Indonesia vừa thông báo Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ bắt đầu tuần tra hải quân chung từ tuần sau. Khu vực tuần tra là biển Sulu nằm giữa 3 nước, giáp với đảo Mindanao.
Bên cạnh tuần tra hải quân, giới chức an ninh các nước cần hợp tác tốt hơn trong việc chia sẻ thông tin tình báo và hành động dựa trên các thông tin được chia sẻ. Một quan chức chính phủ Malaysia than phiền rằng việc chia sẻ thông tin về các nghi phạm khủng bố vẫn diễn ra, nhưng sự thiếu theo sát của Philippines đang khiến các đối tác bực mình.
Chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố ở khu vực này, bà Sidney Jones gọi Philippines là "mắc xích yếu". Theo bà Jones, các lực lượng quân sự, cảnh sát và tình báo của Philippines hoạt động chồng chéo và thiếu sự hợp tác. Ngoài ra, "việc đã đối phó với các nhóm nổi dậy quá lâu khiến họ, theo một cách nào đó, không thể nhìn ra hiện tượng ủng hộ IS mới trỗi dậy này".
Trong khi đó, các quan chức Philippines cho biết họ đang làm hết sức để ngăn chặn sự trỗi dậy của các nhóm vũ trang tại những vùng đông dân số theo đạo Hồi.
Đối với người dân Marawi, những ngày tháng nhìn qua ô cửa vỡ và đếm bom rơi có thể sẽ sớm kết thúc. Những người chạy nạn có thể sẽ được về nhà trước hoặc sau khi lễ Ramadan kết thúc. Nhưng Marawi của họ đã không còn là thành phố năm xưa. Trong khu vực bất ổn triền miên đó, những kẻ cực đoan nước ngoài sẽ tìm đến và "hạt mầm" thân IS ngay tại Marawi có thể "thức giấc" bất cứ lúc nào.