Maute, nhóm Hồi giáo thân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang chiếm đóng một phần thành phố Marawi (miền Nam Philippines), mang tên của chính gia đình đã thành lập nên nó.
Người thành lập và lãnh đạo Maute là anh em Abdullah và Omarkhayam Romato Maute. Người mẹ, hiện đã bị bắt, phụ trách huấn luyện và cực đoan hóa các thành viên trẻ. Các anh em khác của gia đình cũng tham gia chiến đấu.
Quân đội Philippines đang xác nhận thông tin cho rằng anh em Abdullah và Omarkhayam đã thiệt mạng trong cuộc chiến tại Marawi.
Bản tin truy nã anh em nhà Maute và rao thưởng 5 triệu peso Philippines (khoảng 100.000 USD) cho người giúp bắt được mỗi người trong anh em nhà Maute. Ảnh: ABS-CBN. |
Từ những đứa trẻ tốt đến 'quả bom sống'
Trên mạng xã hội, Omarkhayam Romato Maute tự miêu tả bản thân là "quả bom hẹn giờ di động". Thế nhưng, rất lâu trước khi trở thành "quả bom sống", Omarkhayam cùng anh em của mình là những đứa trẻ ngoan tại Marawi.
Anh em nhà Maute lớn lên tại Marawi, thành phố với phần đông dân số theo đạo Hồi trong một quốc gia Cơ đốc chiếm ưu thế như Philippines.
Trong những năm 1990, anh em Maute không khác gì so với những đứa trẻ khác tại Marawi: học tiếng Anh, đọc kinh Koran rồi chơi bóng trên phố.
"Chúng tôi vẫn tự hỏi vì sao chúng sa vào IS", một người hàng xóm cho biết. Bản thân ông cũng từng là một chiến binh Hồi giáo trước khi đầu hàng chính quyền.
"Chúng là người tốt, sùng đạo. Khi ai đó học thuộc kinh Koran, họ sẽ không làm việc xấu. Nhưng việc đó lại xảy ra với anh em nhà đó", người hàng xóm nói tiếp.
Khoảng 90% dân số Philippines theo Cơ đốc giáo, nhưng Marawi lại là một thành phố với phần đông cư dân theo đạo Hồi. Sau 3 tuần từ khi Maute chiếm thành phố, phần lớn người dân đã rời khỏi thành phố trong khi giao tranh vẫn tiếp diễn. Ảnh: AFP. |
Vào đầu những năm 2000, Omarkhayam và Abdullah sang Ai Cập và Jordan để học. Tại đó, họ nói thông thạo tiếng Arab.
Ở trường đại học, Omarkhayam gặp gỡ và kết hôn với con gái của một giáo sĩ bảo thủ người Indonesia. Hai vợ chồng trở về Indonesia, nơi Omarkhayam dạy học một thời gian tại trường của bố vợ. Năm 2011, cả hai trở về Mindanao.
Chúng tôi vẫn tự hỏi vì sao chúng sa vào IS. Chúng là những thanh niên tốt, sùng đạo.
Một người hàng xóm cũ của anh em nhà Maute
Người ta cho rằng Omarkhayam có những tư tưởng cực đoan tại chính Đông Nam Á chứ không phải Trung Đông.
Tại Cairo, "không ai trong số bạn học thấy anh ta có bất cứ xu hướng cực đoan nào. Những hình ảnh thời ấy cho thấy một thanh niên trẻ vui đùa cạnh cô con gái nhỏ trong gia đình đang lớn dần bên bờ Biển Đỏ", Reuters dẫn lời Sidney Jones, một chuyên gia chống khủng bố sống tại Jakarta, viết trong bản báo cáo năm 2016.
Trong khi đó, người ta không biết nhiều về cuộc sống của Abdullah sau khi anh ta đến Jordan, cũng không rõ thời điểm anh ta trở về Mindanao.
Các nguồn tin tình báo cho biết gia đình Matue có 8 anh em, trong đó 7 người đang chiến đấu tại Marawi.
Gia tộc quyền lực và học thức
Nhà Maute là gia đình quyền lực trong một cộng đồng gắn kết chặt chẽ với nhau. Tại đó, sự tôn kính, danh dự và kinh Koran là tối quan trọng.
Người phát ngôn quân đội Philippines, thượng tá Jo-Ar Herrera nói rằng nhà Maute thuộc một gia tộc có gốc gác tại chính đảo Mindanao. Nơi đây có truyền thống mẫu hệ và lấy người mẹ là trung tâm trong gia đình.
Farhana Maute, mẹ của anh em lãnh đạo Maute. Ảnh: CNN Philippines/Cảnh sát Philippines. |
Hàng xóm kể rằng Farhana Maute, mẹ của anh em Abdullah và Omarkhayam, kinh doanh đồ nội thất và xe hơi đã qua sử dụng. Bà là người giúp đỡ tài chính cho nhóm Maute, chiêu mộ và cực đoan hóa các thanh niên trong vùng.
Ngày 9/6, bà bị bắt bên ngoài Marawi cùng chiếc xe chất đầy vũ khí và chất nổ. Vụ bắt giữ người mẹ được xem là đòn mạnh nhằm vào Maute vì bà là "trái tim của tổ chức". Một ngày trước đó, người cha cũng bị bắt ở thành phố Davao, cách 250 km.
Chúng ngồi ăn bánh quy giữa làn bom rơi từ chiếc OV-10 mà không thèm tìm chỗ trú ẩn.
Một nhân chứng kể về các tay súng phiến quân trong lúc giao tranh
Theo Jones, Maute là nhóm có nhiều thành viên "thông minh, học thức và tinh vi nhất" trong số các lực lượng thân IS tại Philippines.
Samira Gutoc-Tomawis, lãnh đạo dân sự tại địa phương có quen biết gia tộc Maute, nói rằng anh em nhà này dựa vào mạng xã hội để chiêu mộ thành viên trẻ tuổi, truyền bá ý thức hệ cứng nhắc và độc đoán của họ.
"Nhà Maute hoạt động rất tích cực trên mạng. Họ lên Youtube, đăng tải các ý tưởng", Gutoc-Tomawis cho biết. Cô nhận xét các thành viên của gia đình Maute "nói năng trôi chảy, có học và đầy 'lý tưởng'".
Một người hàng xóm khác kể rằng các chiến binh của Maute cũng không biết sợ là gì. Cuối tháng 5 vừa qua, người đàn ông này mắc kẹt trong căn nhà 3 tầng của mình và chứng kiến những cuộc giao tranh của phiến quân với quân đội chính phủ Philippines. Bao quanh các tay súng Hồi giáo là lính bắn tỉa Philippines, trong khi máy bay OV-10 của quân đội thả bom từ trên cao.
"Họ ngồi ăn bánh quy giữa làn bom rơi từ chiếc OV-10 mà không thèm tìm chỗ trú ẩn", người đàn ông kể lại.
Hình ảnh từ video của Amaq, kênh truyền thông thân IS, cho thấy các tay súng trong một ngôi nhà tại Marawi, Philippines. Ảnh: Reuters. |
Ngày 28/5, một nhóm 7 tay súng, trong đó có Omarkhayam, sang nhà người đàn ông này và hỏi tại sao ông chưa rời đi. Người hàng xóm thú nhận ông sợ bị mắc lại giữa làn đạn. Các tay súng dẫn ông và một vài người đến một cây cầu để ra khỏi thị trấn, thậm chí còn đưa ông một chiếc áo trắng để vẫy làm cờ đầu hàng.
Maute lần đầu tiên được biết đến rộng rãi với vụ đám bom một hộp đêm ở thành phố Cagayan de Oro (cách Marawi 100 km) vào năm 2013. Đến năm 2016, nhóm này lại tiến hành một vụ đánh bom ở khu chợ tại thành phố Davao, quê hương của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Người phát ngôn của quân đội Philippines cho biết Maute nhận được sự ủng hộ lớn tại Marawi.
"Đó là vùng đất của họ, nơi đó có gia đình, văn hóa lẫn di sản của họ. Tại đó có nhiều cái nhìn thông cảm dành cho Maute", thượng tá Herrera nói.
Trong khi đó, Khana-Anuar Marabur Jr., một ủy viên hội đồng thành phố Marawi, nói rằng Maute cũng có rất nhiều kẻ thù vì sự cực đoan quá mức của họ.
Marabur nói rằng một ngày sau cuộc chiếm đóng Marawi, ông đã đến tìm anh em Maute và được yêu cầu rời khỏi thành phố vì đó là mệnh lệnh từ "nhà nước Hồi giáo".
"Chúng đối xử với tôi như kẻ thù".
"Giờ đây tôi muốn giết chúng", ông nói.