Joe Biden và Boris Johnson, hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Anh, có một điểm chung là đều bước vào nhiệm sở sau kỳ bầu cử thành công vang dội, nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ nhóm cử tri của đảng mà họ đại diện.
Ông Boris Johnson giúp đảng Bảo thủ giành thêm 48 ghế tại Hạ viện sau tổng tuyển cử 2019, được kỳ vọng sẽ là người lèo lái nước Anh trong cuộc "ly hôn" với Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, ông Biden bước vào Nhà Trắng sau kỳ bầu cử ồn ào với những cáo buộc gian lận từ phía đối thủ, gánh trọng trách đoàn kết đất nước và đưa nước Mỹ vượt qua đại dịch Covid-19.
Nhưng lúc này, khi làn sóng dịch bệnh mới một lần nữa bùng lên do biến chủng Omicron, Covid-19 đang trở thành cơn ác mộng tồi tệ làm chao đảo nhiệm kỳ của hai nhà lãnh đạo, theo CNN.
Sai lầm của Tổng thống Joe Biden
Sau khởi đầu đầy hứa hẹn, chính quyền của Tổng thống Biden liên tiếp phạm phải những sai lầm lớn, khiến tỷ lệ ủng hộ của người dân dành cho ông lao dốc.
Khi liên tiếp tung ra các gói cứu trợ kỷ lục hàng nghìn tỷ USD, Nhà Trắng đã không tính toán đầy đủ rủi ro lạm phát khiến giá cả leo thang phi mã.
Những lời hứa của Tổng thống Biden sớm chấm dứt đại dịch giờ đã trở thành lạc quan thái quá và không thể thành hiện thực.
Hai biến chủng Delta và Omicron lần lượt xuất hiện đã làm phá sản các toan tính của chính quyền Tổng thống Biden về khả năng đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
Covid-19 từng vạch trần những sai lầm chính trị - xã hội của chính quyền cựu Tổng thống Trump, và giờ đây ông Biden đang trở thành nạn nhân tiếp theo.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP. |
Song hành cùng lạm phát, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đang làm giá cả các loại hàng hóa tại Mỹ tăng cao đáng báo động. Với người Mỹ, khi túi tiền và nồi cơm của người dân bị ảnh hưởng, chính quyền sẽ phải trả giá.
Cuộc chiến chống Covid-19 của Tổng thống Biden vấp phải sự chống đối từ phe Cộng hòa và bộ máy lan truyền thông tin sai sự thật của những nhóm chống vaccine, chống khoa học. Ông Biden cũng tiếp tục đối mặt cáo buộc gian lận bầu cử từ cựu Tổng thống Donald Trump.
Tại Quốc hội Mỹ, đảng Dân chủ của Tổng thống Biden đang duy trì quyền kiểm soát nhưng chỉ với đa số rất mong manh, khiến việc thông qua những chính sách tham vọng của phe cấp tiến gặp nhiều trở ngại. Thế đa số này có thể sẽ không còn sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.
Trạng thái tâm lý u ám của người Mỹ lúc này khiến những thành tựu ít ỏi mà chính quyền ông Biden đạt được trong 11 tháng qua gần như bị lu mờ.
Người Mỹ đã kiệt sức sau 2 năm chống chọi với Covid-19 cùng những tranh cãi nội bộ giữa hai phe Cộng hòa - Dân chủ. Dân lao động ngán ngẩm trước giá cả hàng hóa leo thang. Việc trẻ em không thể đến trường suốt nhiều tháng càng tăng thêm sự bất mãn.
Các tổng thống Mỹ luôn tránh để công chúng nhìn thấy một Nhà Trắng trông có vẻ như mất kiểm soát. Nay, khi ông Biden đã ở tuổi 79, mọi dấu hiệu tổng thống mất khả năng cầm quyền đều có nguy cơ bị phóng đại.
Cơn ác mộng ở London
Bên kia Đại Tây Dương, Thủ tướng Boris Johnson cũng đang trải qua chuỗi ngày mất ăn mất ngủ ít người có thể tưởng tượng.
Từ khi đại dịch bùng phát, việc các chính trị gia đôi lúc phá vỡ các quy tắc an toàn như không đeo khẩu trang, ra ngoài ăn tối hay cắt tóc trong thời gian phong tỏa, không phải hình ảnh xa lạ.
"Nhưng Thủ tướng Johnson đã nâng tầm vi phạm quy định trở thành một nghệ thuật", CNN mỉa mai.
Thủ tướng Johnson nhiều lần xuất hiện ở các sự kiện đông người mà không đeo khẩu trang, tạo ra một ấn tượng rằng quy định dường như chỉ áp dụng cho người dân và loại trừ đối với ông.
Và lúc này, chính quyền Thủ tướng Johnson vướng vào giông bão chính trị chưa từng có khi báo giới phanh phui 2 bữa tiệc giáng sinh tổ chức vào năm 2020 tại dinh thủ tướng trong thời điểm cả nước Anh đang phải phong tỏa, hàng triệu người không thể trở về với gia đình dịp nghỉ lễ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters. |
Thời điểm bê bối lan ra gây thiệt hại đặc biệt lớn cho cuộc chiến chống Covid-19 của chính quyền ông Johnson. London vừa ban bố hàng loạt biện pháp hạn chế mới nhằm ứng phó với biến chủng Omicron, và nay người dân tự đặt câu hỏi vì sao họ lại phải tuân thủ các quy định khi mà các nhà lãnh đạo thản nhiên phá luật.
Vị thế của Thủ tướng Johnson càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết khi gần 100 nghị sĩ Bảo thủ bỏ phiếu phản đối các quy định phòng dịch mới hôm 14/12. Cuộc "nổi loạn" là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của ông Johnson trong nội bộ đảng Bảo thủ đang tiêu tan.
Theo thăm dò cử tri do YouGov tiến hành cuối tháng 11, tỷ lệ ủng hộ dành cho Thủ tướng Johnson chỉ là 29%, trong khi số cử tri cho rằng ông đang không làm tròn chức trách lên đến 64%.
"Uy tín của ông Johnson đã tan tành, thời gian dường như đã hết", CNN bình luận.
Đảng Bảo thủ từng không ít lần thẳng tay loại bỏ các lãnh đạo đã mất đi sự ủng hộ của cử tri nhằm cứu vãn uy tín cũng như cơ hội chiến thắng trong kỳ bầu cử kế tiếp. Không loại trừ khả năng Thủ tướng Johnson sẽ là nạn nhân tiếp theo.