Để làm quen và kết bạn với một người hướng nội, bạn cần khá nhiều thời gian. Ảnh: E.W. |
Người ta rất dễ đánh đồng một người ít nói với một người dở tệ trong giao tiếp. Bởi trong quan niệm của họ, kỹ năng giao tiếp tốt được đánh giá dựa vào số lượng chứ không phải chất lượng. Tạm bỏ qua những người hướng nội hoạt ngôn, chúng ta hãy xét tới những người hướng nội kiệm lời trước bởi họ chính là những người phải đón nhận ánh mắt phán xét của người đời nhiều hơn cả.
Nói thật, tôi đã từng trải qua quãng thời gian bị người ta soi xét từng li từng tí một như vậy. Tôi vốn dĩ không phải một người hoạt ngôn. Ngay cả với những người cực thân thiết, tôi cũng chẳng thể nói chuyện nhiều. Tôi diễn đạt bằng câu chữ khá mượt mà, nhưng lại lúng túng trong việc diễn đạt bằng lời nói. Nhiều khi, rõ ràng tôi hiểu hết ý của đối phương và thực sự biết cách để diễn đạt bằng lời, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn bị “rơi chữ” ngay khi dẫn dắt câu chuyện đến những ý quan trọng.
Hồi còn học trung học, tôi thường phải chạm mặt với những người hoạt ngôn trong các buổi họp mặt gia đình hay khi đi gặp họ hàng cùng bố mẹ. Vào mỗi dịp ấy, tôi thường rất kiệm lời, thậm chí đôi khi tới mức khiến người ta phát cáu. Thực lòng mà nói, lý do không phải vì tôi không thể nói hay ghét việc nói tới mức chẳng thể mở lời.
Sở dĩ tôi kiệm lời như vậy bởi tôi thực sự muốn tìm kiếm mối liên kết chân thành và an toàn giữa những thanh âm từ nhóm người mình không thực sự hiểu rõ. Nếu là một người hướng nội, có lẽ bạn sẽ hiểu được phần nào những lời tôi nói. Thực chất, những người hướng nội rất coi trọng tính an toàn trong một cuộc hội thoại.
Họ sẽ liên tục đặt câu hỏi như: “Người này thực sự đang muốn diễn đạt điều gì?”.“Họ có đang coi trọng cuộc nói chuyện giữa mình và họ hay không?”. “Liệu họ có đáng tin đủ để mình bộc bạch tất thảy nỗi niềm hay không?”.
Khác với những người muốn trốn tránh xã hội, người hướng nội không quay lưng lại với cả thế giới. Có chăng, họ chỉ đang cố bảo vệ mình khỏi những va chạm tính cách vẫn thường xảy ra mà thôi. Trong khi người xa lánh xã hội tìm mọi cách để né tránh việc tiếp chuyện người khác, kể cả những người thân thiết bên cạnh họ, người hướng nội lại cẩn thận chọn lọc mối quan hệ đáng để họ dồn hết tâm huyết vào.
Nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhận ra người hướng nội sẽ tự “đẩy thuyền” cho những cuộc trò chuyện họ cảm thấy đáng tin cậy. Tin cậy là điểm mấu chốt để kết nối với một người hướng nội. Mặt khác, những người vốn dĩ muốn xa lánh xã hội sẽ không để tâm hay suy nghĩ quá nhiều. Thay vào đó, họ có xu hướng tránh né và đề phòng ngay cả với những người thực sự muốn giúp đỡ mình. Họ vốn dĩ không quá coi trọng việc giao tiếp. Mối quan tâm duy nhất của họ có lẽ là những khoảnh khắc riêng tư và không bị bất kỳ ai quấy rầy.
Tôi từng có những cuộc trò chuyện rất lâu và sâu sắc với người em con nhà chú của mình. Nó là một đứa rất kiệm lời, hay nói cách khác, không giỏi trong việc biểu lộ cảm xúc hay ý kiến qua ngôn từ.
Mỗi lần nhà tôi tụ họp, nó thường lủi thủi một mình, khi thì cắm cúi nhìn điện thoại, khi lại nằm ườn trên chiếc giường gỗ trong một góc ít người nhìn thấy, trong khi mọi người đang tất bật chuẩn bị nấu nướng cho cả nhà mười mấy thành viên.
Đó là hình ảnh của nó lúc trước. Còn bây giờ, sau rất nhiều lần được tôi rủ ra ngoài và đi lang thang trò chuyện, nó đã mở lòng hơn rất nhiều. Nó vẫn kiệm lời, nhưng không quá e ngại việc giao tiếp. Tôi tiếp cận nó một cách từ tốn, luôn chủ động đặt câu hỏi và chăm chú lắng nghe, dù câu chuyện nó đang kể chẳng mấy liên quan tới những gì tôi muốn hỏi.
Nó kể cho tôi rất nhiều thứ, từ chuyện tình cảm cho tới chuyện học hành, từ chuyện nghiêm túc cho tới những câu chuyện bông đùa. Điều làm tôi bất ngờ nhất là nó chưa từng kể cho ai khác ngoài tôi, và dường như nó tin tưởng tôi còn hơn cả bố mẹ nó.
Thực ra, những người hướng nội như tôi và cậu em kia luôn vun tưới trong lòng mình rất nhiều “mầm cây tương tư”. Chỉ có điều, họ muốn những mầm cây ấy được lớn lên từ sự tin tưởng, tình thương chân thành và sự chín chắn trong cảm xúc.
Khi chưa đủ tin tưởng, dù có dùng biện pháp tác động nào, mầm cây ấy cũng sẽ không chịu nhô lên khỏi mảnh đất trái tim. Hay nói cách khác, trái tim sẽ không chịu mở ra nếu chưa đủ tin tưởng. Một khi người hướng nội đã không chịu mở lòng, ngôn từ của họ cũng sẽ chơi trò trốn tìm mãi thôi.
Vậy nên, bạn phải mở từng cánh cửa nếu muốn nắm rõ một người hướng nội, đặc biệt là cánh cửa đến với trái tim nhỏ bé của họ. Bởi trái tim ít khi biết nói dối. Một khi bạn đem trái tim chân thành để giao tiếp với trái tim chân thành khác, bạn và họ ắt sẽ có tiếng nói chung thôi.