Trả lời phỏng vấn Reuters hôm 28/4, Tổng thư ký Lê Lương Minh cho biết ASEAN chưa nhận được bất kỳ sự đảm bảo nào từ Trung Quốc về việc đạt được bộ khung COC trong năm nay. Tuy nhiên ASEAN rất kỳ vọng một số quy định sẽ được thông qua để ngăn ngừa xung đột và hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông.
"Đối với ASEAN, một bộ khung phải chứa các yếu tố thực chất, và một bộ quy tắc ứng xử phải có tính ràng buộc về pháp lý", ông Lê Lương Minh nói.
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Ảnh: Getty. |
Đưa Trung Quốc vào khuôn khổ một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông mà nước này phải tuân thủ và có thể bị cưỡng chế, từ lâu đã là mục tiêu của nhiều thành viên ASEAN vốn có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại vùng biển.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc gần đây gia tăng các hoạt động bồi lấp, xây dựng trên các đảo nhân tạo mà nước này chiếm giữ trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam khiến mục tiêu đạt được bộ khung COC trong năm nay trở nên khó khăn.
"COC rất quan trọng khi tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động chiếm hữu và quân sự hóa cũng như mọi hành động đơn phương", ông Minh nói.
"Trong bối cảnh đó, một công cụ có tính ràng buộc pháp lý, không chỉ có thể giúp ngăn chặn mà còn có thể giúp giải quyết những sự vụ như trên, là nhu cầu vô cùng quan trọng".
Tổng thư ký ASEAN cũng cho biết COC cần phải bao quát hơn Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được thông qua vào năm 2002.
"Thật tốt nếu tất cả các bên thực thi những gì đã được thông qua, nhưng đó không phải là điều đang diễn ra. Với COC, chúng ta cần một công cụ mang tính ràng buộc pháp lý", ông Minh khẳng định.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 sẽ diễn ra tại thủ đô Manila của Philippines vào ngày 29/4. Hôm nay, ngoại trưởng các nước ASEAN đã ra tuyên bố chung, đề cập đến nhiều vấn đề khu vực, bao gồm căng thẳng đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên.