“Oxy có thể được tạo ra bằng nến hóa chất trên tàu, nhưng carbon dioxide tích tụ có thể khiến thủy thủ đoàn chết ngạt trước khi hết oxy”, Bryan Clark, viện sĩ Viện Hudson (Mỹ) và chuyên gia hoạt động hải quân, nói với Channel NewsAsia ngày 23/4.
Trước đó, Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia Yudo Margono ngày 22/4 cho biết tàu ngầm KRI Nanggala-402 mất tích sẽ có đủ oxy cho 72 tiếng nếu mất điện, tức tới 3h ngày 24/4.
Máy bay và tàu cứu hộ đang lùng sục vùng biển phía bắc Bali trong nỗ lực tìm kiếm chiếc tàu ngầm mất tích với 53 người bên trong. Hải quân Indonesia cho biết nguyên nhân có thể do mất điện, từ đó thủy thủ đoàn không thể thực hiện biện pháp khẩn cấp để nổi lên.
“Trên tàu ngầm có vật liệu giúp hấp thụ carbon dioxide trong không khí nhưng nó cũng sẽ hết tác dụng”, ông Clark nói.
Hơn nữa, tàu ngầm cần điện để chạy quạt đẩy không khí qua nến oxy và vật liệu hấp thụ carbon dioxide. Vì thế, việc mất điện cũng sẽ tác động tới thời gian sống sót của thủy thủ đoàn, theo ông Clark.
Một tàu hải quân tham gia tìm kiếm tàu ngầm KRI Nanggala-402. Ảnh: Reuters. |
Về nguyên nhân khiến tàu mất điện, ông Clark giải thích khi lặn xuống nước, tàu ngầm lấy điện từ ắc-quy. Vì thế, trên tàu sẽ mất điện nếu ắc quy gặp trục trặc, như ngăn đựng bị cháy hoặc ngập nước.
Một vụ nổ ngư lôi cũng có thể gây mất điện, theo ông Ben Ho, chuyên viên phân tích hải quân tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore).
“Xuyên suốt lịch sử, đã có nhiều yếu tố gây ra tai nạn tàu ngầm, như khiếm khuyết kết cấu, ngập nước ngoài ý muốn, hoặc vụ nổ vũ khí. Vì tàu ngầm Indonesia được cho là đang diễn tập bắn ngư lôi, có thể một quả ngư lôi đã nổ”, ông Ho nói.
Theo Bộ Quốc phòng Đức, tàu KRI Nanggala-402 nặng 1.395 tấn được đóng tại Đức vào năm 1977 và gia nhập hạm đội Indonesia vào năm 1981. Tàu mất tích vào sáng sớm 21/4 sau khi xin lệnh lặn.