Khi cựu chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly tuyên bố sẽ từ chức, quan hệ giữa ông và sếp mình, Tổng thống Trump, tệ tới mức không thể cứu vãn.
Trước khi ông Kelly rời đi, tổng thống Mỹ đã hỏi vị tướng bốn sao về hưu điều mà ông luôn lo lắng mỗi khi cấp dưới nghỉ việc. Liệu ông Kelly có viết cuốn sách phơi bày toàn bộ nội tình bên trong Nhà Trắng, vốn đi từ hỗn loạn này sang bê bối khác?
Ông Kelly bảo đảm với ông Trump, tại một trong những lần gặp cuối, rằng dù ông định viết sách về quãng thời gian đầy biến động của Nhà Trắng, ông sẽ không xuất bản cho tới khi ông Trump đã rời cương vị. Nhưng lời hứa của ông Kelly giống một lệnh ngừng bắn hơn là một thỏa thuận chắc chắn. Ông nói sẽ chỉ giữ im lặng nếu tổng thống không đả kích ông trước, các quan chức biết về cuộc nói chuyện nói với CNN.
Tám tháng sau, thỏa thuận “ngừng bắn” giữa hai ông vẫn chưa bị phá vỡ. Nhưng Nhà Trắng thì vẫn như cánh cửa xoay: các quan chức cao cấp vẫn không ngừng “xếp hàng” nghỉ việc.
Tuần qua, lại một quan chức nữa nghỉ việc không hề êm đẹp. Làm việc ngay cạnh tổng thống, cô hoàn toàn có thể viết cuốn sách “kể hết mọi chuyện” khiến Nhà Trắng lo sợ.
Ai đi, ai ở lại dưới trướng Tổng thống Trump là chủ đề thường xuyên được báo chí Mỹ nhắc đến, kèm theo các hình ghép cho thấy rất nhiều quan chức đã nghỉ việc hoặc bị sa thải - như một “cánh cửa xoay”. Ảnh: CNN. |
Tìm việc mới cho cấp dưới để họ giữ im lặng
Ông Trump và các cố vấn đang phải tìm cách chữa cháy, sau khi các nhà xuất bản đồng loạt “gõ cửa” Madeleine Westerhout, người làm việc ngay bên ngoài Phòng Bầu dục trong 2,5 năm, và mời cô viết sách với các khoản ứng trước lên tới hàng trăm nghìn USD.
“Madeleine Westerhout có hợp đồng cấm tiết lộ thông tin, hoàn toàn có thể áp dụng, nhưng tôi nghĩ không có lý do gì để dùng (hợp đồng đó), cô ấy là con người rất tốt”, ông Trump tweet sáng 31/8 để xoa dịu tình hình. “Cô ấy gọi tôi hôm qua để xin lỗi, cô ấy đã có một đêm tồi tệ. Tôi hoàn toàn hiểu và tha thứ cho cô ấy!”
Nhưng trên thực tế, ông Trump đã tức giận khi nghe tin Westerhout tiết lộ thông tin nhạy cảm về gia đình ông. Ông chỉ chấp nhận cuộc gọi và lời xin lỗi sau khi một số cố vấn khuyên ông nên cho Westerhout cơ hội sửa sai, một quan chức cao cấp nói với CNN.
“Chẳng lẽ chúng tôi lại muốn có thêm kẻ thù? Không, chúng tôi không muốn vậy”, quan chức này nói.
Các cố vấn của ông Trump cho biết đang cố tìm “bến đỗ an toàn” cho Westerhout, người từng phụ trách hoạt động của Phòng Bầu dục.
Không rõ cô sẽ chuyển sang làm ở đâu, nhưng đây là việc mà những người thân cận với ông Trump thường làm để các cố vấn, quan chức cao cấp nghỉ việc không phơi bày chuyện “thâm cung bí sử”.
Tìm cho họ “bến đỗ mới an toàn” là việc mà những người thân cận với ông Trump thường làm để các cố vấn, quan chức cao cấp nghỉ việc không phơi bày chuyện “thâm cung bí sử”. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Nhà Trắng của ông Trump thường xử lý một cách kém cỏi đối với nhân sự nghỉ việc. Tổng thống thường sa thải và đả kích họ, sau đó các cố vấn mới cố gắng tìm cho họ bến đỗ mới, theo một cựu quan chức trong chính quyền.
Hai người tiền nhiệm của Westerhout, phụ trách hoạt động của Phòng Bầu dục, là cận vệ lâu năm của tổng thống, ông Keith Schiller, và cố vấn John McEntee nhanh chóng tìm được việc mới ở Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa và trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Một cố vấn khác, Omarosa Manigault-Newman cũng được mời về làm ở chiến dịch tranh cử sau các ồn ào khi bà rời Nhà Trắng. Bà coi đó là nỗ lực mua chuộc sự im lặng.
“Có vẻ là, cũng khá hiển nhiên, là bà có điều gì trong túi có thể tung ra... tôi nghĩ chúng ta có thể dàn xếp thế nào đó”, con dâu của ông Trump, Lara Trump, cũng là một cố vấn cao cấp trong chiến dịch tranh cử, nói với Manigault-Newman trong một cuộc điện thoại, mà Manigault-Newman sau này công bố bản ghi âm.
Bill Shine, từng là phó chánh văn phòng, phụ trách truyền thông của Nhà Trắng, cũng trở thành cố vấn cao cấp trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, một diễn biến đầy ngạc nhiên đối với đội ngũ làm việc cho chiến dịch. Một số người nói họ chưa hề thấy ông ở các trụ sở của chiến dịch ở Virginia.
Omarosa Manigault-Newman (trái), cựu cố vấn của ông Trump, coi lời mời về làm cho chiến dịch của tổng thống là nỗ lực mua chuộc sự im lặng. Ảnh: AFP. |
Kiện ra tòa, chế giễu trên Twitter
Chiến thuật của ông Trump và các cộng sự là “cây gậy và củ cà rốt”, trong đó củ cà rốt là các công việc tốt sau khi rời Nhà Trắng, còn cây gậy là các hợp đồng cấm tiết lộ thông tin và việc trở thành mục tiêu đả kích công khai của Tổng thống Trump.
Vừa dùng gậy, vừa dùng cà rốt cũng là cách ông Trump xử lý vụ việc Westerhout. Ngoài tweet xoa dịu Westerhout nói trên, ông Trump cũng dọa là “đang kiện nhiều người vì vi phạm hợp đồng cấm tiết lộ bí mật”.
Nhưng ông Trump chưa thắng các vụ kiện đó. Các chuyên gia tin rằng các hợp đồng trên khó có thể thực thi vì người ký là các nhân viên chính phủ.
Ông Trump ban đầu nhất quyết yêu cầu luật sư của Nhà Trắng soạn ra bản hợp đồng cấm tiết lộ bí mật, nhưng sau đó các luật sư chỉ có thể soạn được bản hợp đồng “thực thi được một nửa”, một nguồn tin biết về sự việc nói với CNN.
Cuốn sách “kể toàn bộ” về sự rối ren của Nhà Trắng do Omarosa Manigault-Newman viết. Ảnh: Getty Images. |
Ngoài việc đe dọa kiện tụng, những người cấp dưới muốn kể chuyện nội bộ của Nhà Trắng sẽ phải sẵn sàng hứng chịu cơn thịnh nộ của tổng thống trên Twitter, nơi ông thường xuyên công kích những người phê phán.
Khi Cliff Sims, cựu cố vấn của Nhà Trắng, sắp ra sách, ông Trump đả kích người này là “một nhân viên quèn” viết “một cuốn sách chán ngắt dựa vào các câu chuyện bịa đặt, hư cấu”. Ông Sims đang kiện lại, cáo buộc tổng thống “bịt miệng” ông.
Sách của cựu bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis ban đầu không gây lo ngại cho Nhà Trắng, nhưng các quan chức tin rằng sắp tới ông Trump sẽ công kích ông Mattis, vì thấy rằng cuốn sách có ý phê phán mình.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, cựu đại sứ Liên Hợp Quốc Nikki Haley, và cựu giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary Cohn đều đang viết sách, theo CNN. Các cố vấn lo ngại về những cuốn này hơn cuốn sách của ông Mattis, vì những nhân vật trên làm việc trong Nhà Trắng vào những giai đoạn hỗn loạn nhất, và thường xuyên mâu thuẫn với tổng thống.
Không rõ liệu các nhân vật trên có vén bức màn bí mật về những rối loạn trong Nhà Trắng hay không, nhưng chắc chắn họ đã chứng kiến nhiều điều. Tuy vậy, một nguồn tin khác nói với CNN rằng họ sẽ chỉ tập trung vào chính sách, và sẽ đợi cho tới sau cuộc bầu cử thì mới viết về Nhà Trắng.