Một ngày đầu tháng 11 ở thị trấn Ngwerere, Zambia, 4 cư dân địa phương có mặt ở một phòng khám để tiêm vaccine Covid-19. Tại cơ sở này, vaccine Johnson & Johnson đóng thành từng lọ trong tủ trữ lạnh.
Thế nhưng, nhân viên y tế buộc phải từ chối tiêm vaccine cho nhóm này và đề nghị họ quay trở lại vào một ngày khác, theo New York Times.
Mỗi lọ vaccine Johnson & Johnson được tiêm thành 5 liều. Các nhân viên y tế tại Ngwerere được yêu cầu không bỏ phí bất cứ liều vaccine nào, vì vậy họ chỉ có thể tiêm khi có đủ người tiêm 5 liều vaccine mỗi lọ.
Ida Musonda, một y tá tại phòng khám, cho biết họ có thể tiêm cho nhiều người hơn nếu đưa vaccine đến siêu thị hay nhà thờ.
"Vấn đề là chúng tôi không có tiền đổ xăng để đưa vaccine đến những địa điểm như thế", Musonda nói.
Nguồn cung không phải vấn đề duy nhất
Trong khoảng thời gian dài, thách thức lớn nhất của chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 ở châu Phi là nguồn cung vaccine. Tại lục địa đen, nơi sinh sống của 1,4 tỷ người, chỉ mới 404 triệu liều vaccine được tiêm cho người dân. Tỷ lệ người đã tiêm đủ liều vaccine hiện dừng ở mức 7,8%.
Đến nay, khi nguồn cung vaccine bắt đầu dồi dào và ổn định hơn, người ta mới nhận ra những khó khăn khác đang cản trở nỗ lực tiêm chủng, tất cả có thể quan sát được ở thị trấn Ngwerere.
Tại nhiều nước châu Phi, hệ thống chăm sóc sức khỏe kém phát triển dẫn đến thiếu thốn công nghệ, cơ sở hạ tầng, hay nhân lực có kinh nghiệm tiêm chủng cho người lớn. Hơn nữa, tiêm vaccine Covid-19 hoàn toàn không phải ưu tiên với người dân châu Phi.
Không chỉ vậy, thông tin sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội cũng tạo ra tâm lý hoài nghi vaccine, cản trở nỗ lực tiêm chủng của các chính phủ châu Phi, điều đã và đang xảy ra ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Một người được tiêm vaccine tại Bệnh viện Chongwe, ngoại ô thủ đô Lusaka. Ảnh: New York Times. |
Tại Zambia, một số người do dự trước lựa chọn tiêm chủng, số còn lại thờ ơ trước vaccine. Zambia là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi, nền kinh tế nước này bị đại dịch tàn phá nghiêm trọng. Lúc này, ưu tiên hàng đầu của nhiều người là kiếm cái ăn.
"Tôi cũng muốn tiêm vaccine, nhưng tôi phải làm việc từ thứ 2 đến thứ 7. Tôi không chắc họ có tiêm chủng vào Chủ nhật hay không", Bernadette Kawango, lao động chính trong một gia đình ở thủ đô Lusaka, nói.
Kawango cho hay đã có những tin đồn vô căn cứ việc người tiêm vaccine sẽ chết trong vòng 2 năm, hoặc tiêm chủng là âm mưu của phương Tây nhằm giết hại người châu Phi rồi sau đó cướp lấy đất đai của họ, hay chiến dịch tiêm chủng là kế hoạch của Bill Gates nhằm giảm dân số thế giới.
Dù hoàn toàn không tin vào những câu chuyện bịa đặt như vậy, Kawango cũng cho biết Covid-19 không phải căn bệnh khiến cô lo lắng nhất. "Dịch tả, sốt rét, HIV và lao" mới là những ưu tiên của Kawango. Người phụ nữ nói chưa từng quen ai mắc Covid-19.
Cạn kiệt nguồn lực
Tốc độ tiêm chủng quá chậm dẫn đến hai vấn đề lớn cho châu Phi. Thứ nhất, sẽ có thêm nhiều người chết trong làn sóng dịch bệnh thứ 4 vốn đã bắt đầu xuất hiện ở miền Nam châu Phi. Nhiều nạn nhân trong số họ đáng lý có thể được cứu sống nhờ vaccine.
Thứ hai, việc kéo dài chiến dịch tiêm chủng làm tiêu tốn nguồn lực quý giá mà các quốc gia châu Phi vốn đã rất vất vả để có thể huy động. Hậu quả là nhiều nước cạn kiệt nguồn lực, dẫn đến mất khả năng ứng phó với các vấn đề y tế đáng lo ngại khác.
Tại trạm y tế Ngwerere, đơn vị chăm sóc sức khỏe mẹ và bé - nơi khám sức khỏe phát hiện suy dinh dưỡng và tiêm chủng cho trẻ nhỏ - hoàn toàn vắng lặng. Nhân viên y tế tại đơn vị này đã được điều động cho nỗ lực tiêm chủng ngừa Covid-19.
Người dân chờ được gặp bác sĩ ở Bệnh viện Chongwe. Ảnh: New York Times. |
"Mỗi khi xuất hiện làn sóng Covid-19 mới, các nguồn lực dành cho điều trị HIV, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, lao, tiêu chảy đều bị ảnh hưởng", bác sĩ Simon Agolory, giám đốc chương trình hỗ trợ y tế cho Zambia thuộc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết.
Đến nay, chỉ khoảng 7% người Zambia được tiêm vaccine Covid-19. Mục tiêu của chính quyền Tổng thống Hakainde Hichilema là hoàn thành chủng ngừa 70% dân số vào quý III năm 2022. Kế hoạch này được đánh giá là tham vọng thái quá.
Vaccine của Zambia phần lớn đến từ COVAX. Việc nguồn cung vaccine phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ đồng nghĩa Zambia phải điều chỉnh chương trình tiêm chủng theo kế hoạch bàn giao vaccine từ các đối tác.
Zambia đang tiêm cho người dân 5 loại vaccine Covid-19, mỗi loại lại khác nhau về chế độ tiêm, yêu cầu bảo quản hay thể tích lọ chứa vaccine. Điều này tạo ra thêm gánh nặng hành chính cho đội ngũ nhân viên phụ trách chiến dịch tiêm chủng.
Ida Musonda, y tá phụ trách đội tiêm chủng ở Ngwerere, nói nhóm của cô không được cấp kinh phí để gọi điện thoại nhắc người dân đến tiêm mũi vaccine thứ 2. Hậu quả nhãn tiền là trong 840 được tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca vào tháng 4, chỉ 179 người quay lại tiêm mũi 2 vào tháng 7.
Người dân thờ ơ với vaccine
Khi làn sóng dịch bệnh thứ 3 bùng phát ở Zambia hồi đầu năm 2021, truyền thông địa phương cho biết nhiều người chết ngay ở bãi đỗ xe của các bệnh viện. Khi đó, người dân đổ xô đi tiêm vaccine trong bối cảnh nguồn cung nhanh chóng cạn kiệt. Nhưng khi làn sóng dịch bệnh qua đi, nhu cầu tiêm chủng cũng biến mất.
Nhiều người nhắc lại thời gian AIDS hoành hành ở Zambia, khi đó các hãng dược phẩm phương Tây từ chối sản xuất thuốc điều trị giá rẻ. Kinh nghiệm với AIDS khiến không ít người hoài nghi việc họ được cấp vaccine miễn phí lúc này.
Tin giả về vaccine tràn lan trên TikTok và WhatsApp. Tại một số nhà thờ, các mục sư nói vaccine mang theo "dấu hiệu của quái vật".
"Bất kể người dân học cao đến đâu, nếu mục sư của họ nói không được tin vaccine, chắc chắn họ sẽ nghe theo", bác sĩ Morton Zuze, chuyên gia Bệnh viện Chongwe, cho biết.
Một số tin đồn nhảm tràn lan ở Zambia rằng vaccine khiến phụ nữ vô sinh hoặc gây ra chứng rối loạn cương dương.
Bác sĩ Lawrence Mwananyanda, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hichilema, cho biết chính phủ Zambia phải cân bằng giữa vận động người dân tiêm chủng và bảo đảm nguồn cung vaccine.
"(Người dân) đi bộ tới điểm tiêm chủng, một số cơ sở cách rất xa nơi họ sinh sống, cho thấy họ rất muốn được tiêm. Đôi lúc khi đến nơi, họ được thông báo sẽ không được tiêm vaccine. Chỉ có thể tiêm nếu có 5 hoặc 6 người, vì thế hôm nay sẽ không có vaccine. Tưởng tượng xem bạn có muốn quay lại một lần nữa không", ông Mwananyanda nói.
Các nước châu Phi chưa thể đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Ảnh: AFP. |
Felix Mwanza, nhà hoạt động phòng chống HIV ở Lusaka, cho biết một vấn đề khác là chính phủ Zambia không có chiến lược đúng đắn để đưa vaccine đến được tay người dân.
Theo ông Mwanza, chiến dịch xét nghiệm và điều trị HIV chỉ bắt đầu phát huy hiệu quả khi các đơn vị y tế đến từng trường học, quán bar, siêu thị. Hiện nay, chính phủ Zambia chưa sử dụng mạng lưới tình nguyện viên trong chiến dịch điều trị HIV và lao vốn sẵn có.
"Nếu chính phủ không tận dụng mạng lưới sẵn có, khi các nhà tài trợ tiếp tục gửi vaccine, vaccine lại chất đống trong kho và hết hạn. Rồi sẽ đến lúc họ không gửi thêm vaccine nữa vì viện trợ không hiệu quả", ông Mwanza cảnh báo.
Bác sĩ Mwananyanda, cố vấn y tế của chính phủ, cho biết chiến lược đúng đắn lúc này là nhanh chóng mở rộng quy mô tiêm chủng bằng cách giúp người dân dễ dàng tiếp cận vaccine, như tổ chức tiêm ngay tại các trung tâm thương mại, trạm dừng xe bus.