Một phụ nữ được tiêm chủng ở Kampala, Uganda. Ảnh: AP. |
Một tỷ liều vaccine Covid-19 dự kiến đến châu Phi trong những tháng tới. Tuy nhiên, mối quan tâm của các chuyên gia y tế lúc này đã chuyển sang vấn đề thiếu hụt thiết bị cần thiết để vận chuyển vaccine và triển khai tiêm chủng, chẳng hạn như ống tiêm, ở khu vực này.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng kế hoạch triển khai kém hiệu quả ở một số quốc gia cũng có thể gây ra sự tắc nghẽn trong quá trình cung cấp vaccine cho người dân, theo Guardian.
Tính đến nay, chỉ 7,5% người dân ở các nước châu Phi được tiêm ngừa Covid-19. Nhiều nhà phê bình đổ lỗi cho việc tích trữ vaccine của một số quốc gia phương Tây, cho rằng đó là nguyên nhân hạn chế khả năng tiếp cận vaccine của các nước châu Phi.
Thậm chí, một số người cho rằng đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của biến chủng Omicron ở miền Nam châu Phi.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã chỉ ra một loạt các vấn đề có quy mô rộng lớn hơn.
Tình trạng thiếu hụt
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tình trạng thiếu ống tiêm - đặc biệt là ống tiêm loại 0,3 ml sử dụng để tiêm vaccine Pfizer - có thể làm chậm quá trình phân phối vaccine. Do đó, tổ chức này đã tăng cường sứ mệnh hỗ trợ kỹ thuật ở 15 quốc gia bị tụt hậu.
Các chuyên gia y tế đã chỉ ra một loạt các vấn đề liên quan đến chiến dịch tiêm chủng ở châu Phi. Ảnh: Guardian. |
Số liệu cũng đã cho thấy sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia châu Phi. 15 quốc gia đã đạt mục tiêu tiêm chủng 10% dân số vào cuối tháng 9, trong khi hơn một nửa số quốc gia trên lục địa này đang phải vật lộn để đạt được 1/3 tỷ lệ đó.
Trường hợp của Nam Phi - nơi đã tiêm chủng cho 40% dân số tính đến ngày 3/12 - làm nổi bật một số vấn đề phức tạp liên quan.
Với lượng vaccine ước tính đủ cho khoảng 150 ngày tiêm chủng, Nam Phi đã hủy một số lô vaccine khi đối mặt với sự phản đối tiêm chủng từ một bộ phận dân cư, đặc biệt là những người ở nhóm tuổi 18-34.
Một số vấn đề khác trong việc cung cấp vaccine của Nam Phi có thể xuất phát từ những thiếu sót nội bộ, bao gồm cả việc chậm bảo đảm nguồn dự trữ ban đầu.
Ngoài ra, Nam Phi còn gặp phải các vấn đề về công nghệ. Yêu cầu đăng ký thông qua điện thoại hoặc máy tính đã tạo ra rào cản kỹ thuật ở quốc gia này, nơi chỉ có 60% người dân sử dụng Internet.
Tiến sĩ Richard Mihigo, điều phối viên của WHO, cho biết đến tháng 3/2022, gần một tỷ liều vaccine được dự báo sẽ đến châu Phi, trên lý thuyết, có thể bao phủ 70% dân số ở lục địa này.
Tuy nhiên, viễn cảnh này có thể bị cản trở bởi sự bất ổn ở một số quốc gia, chẳng hạn như Cộng hòa dân chủ Congo và Nigeria.
Hệ thống y tế yếu kém, đặc biệt là ở khu vực bên ngoài các thành phố lớn, và sự lưỡng lự trong việc tiêm chủng cũng có thể gây khó khăn cho việc triển khai vaccine.
Hệ thống y tế của Nigeria thiếu nguồn cung các vật dụng y tế hàng ngày như tăm bông. Tủ lạnh bảo quản vaccine cũng phải hoạt động nhờ vào các máy phát điện bằng nhiên liệu đắt tiền.
Trong khi đó, hàng triệu người vẫn đang sống trong khu vực bị chiếm đóng bởi các băng cướp hoặc phiến quân Hồi giáo, nơi các cơ quan y tế không thể tiếp cận.
Sự lưỡng lự của người dân
Sự lưỡng lực của người dân châu Phi đối với việc tiêm chủng có thể xuất phát từ nhiều lý do. Trong đó, các thông tin sai lệch lan truyền trên toàn cầu là một phần nguyên nhân, nhưng cũng có những lý do kinh tế khác.
UNICEF cung cấp vật dụng thiết yếu cho các gia đình ở Côte d’Ivoire trong đại dịch Covid-19. Ảnh: UNICEF. |
Ông David Harrison, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận DG Murray Trust ở Nam Phi, cho biết một số người không muốn bỏ một ngày làm việc hoặc trả tiền để đi đến điểm tiêm chủng.
“12 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp khẩn cấp 350 rand (khoảng 18 USD) do Covid-19”, ông nói. “Nếu bạn yêu cầu những người đó trả 20 rand tiền taxi để đi đến một điểm tiêm chủng, đó là một sự đánh đổi đáng kể”, ông cho biết.
Tiến sĩ Mihigo đồng tình với quan điểm này: “Để đảm bảo ngày càng có nhiều loại vaccine được chuyển đến người dân, chúng ta cần tập trung vào việc hỗ trợ người dân thực hiện tiêm chủng mà không gây ảnh hưởng đến sinh kế của họ”.
“Gần đây, tôi đã tới Cộng hòa dân chủ Congo và nghe ai đó nói về điều này. Họ không đủ khả năng để đến các điểm tiêm chủng vàc chờ đợi ở đó suốt 2 tiếng đồng hồ", ông chia sẻ.
Trong bài đăng trên Guardian, ông Anand Madhvani, nhà đồng sáng lập Covid Kenya - một nhóm tình nguyện viên sử dụng mạng xã hội để nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến Covid-19 - đã nêu ra sự bất bình đẳng tại địa phương trong việc tiếp cận vaccine.
Ông viết: “Nhiều nước châu Phi đã có hệ thống tiêm chủng. Tuy nhiên, các hệ thống này cần có sự mở rộng và hỗ trợ lớn để triển khai các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt cho người trưởng thành, ngay cả khi có nguồn cung vaccine ổn định”.
“Có sự bất bình đẳng sâu sắc trong các quốc gia châu Phi. Giới tinh hoa ở các thủ đô nhanh chóng tiêm chủng nhưng không thúc đẩy mọi người cùng tiêm chủng”, ông viết.