Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong trái tim người cháu nội

Ông vẫn luôn trong trái tim con, cho con ý chí để phấn đấu học hành, để sau này làm người công dân có ích, không phụ niềm tin mà ông đã đặt ở con.

Con nhớ lúc nhỏ, con hay qua nhà ông chơi, cái tuổi con trẻ ngây thơ để lại nhiều kỉ niệm, con nhớ nhiều những lần Tết đến cả gia đình lại xum vầy bên bàn ăn. Con luôn chúc ông khỏe mạnh để sống lâu với con cháu. Đối với con, ông là chính trị gia, giúp dân giúp nước, mong ước lớn nhất của con là ông có đủ sức khỏe để làm hết những gì ông muốn làm, và niềm vui sẽ đến.

Thế nhưng cái tuổi thời con học cấp 2, ham chơi, con chưa biết trân trọng nhiều những thời gian bên ông. Có nhiều bữa con qua nhà ông chơi, hai ông cháu cùng ăn trưa, xem tivi. Ông gợi chuyện cho đứa cháu này nói, nhưng con lại chỉ trả lời ngắn gọn. Có lần, người trong nhà chê con ít nói, ông cười bảo: “Tại chưa vặn đúng tần số, chứ bữa thấy nó nói chuyện huyên thuyên với đứa bạn, mà chúng nó nói chuyện mới lạ lắm”. Còn có những lần hai ông cháu đi các tỉnh Nam Bộ để ông làm việc và thăm hỏi bà con, ngồi trong xe thấy con chỉ cắm cúi đọc truyện, ông mỉm cười hỏi:

"Con đang đọc truyện gì đó?".

"Dạ, con đọc cuốn Không hơn một xu, không kém một xu. Con ngước lên nhìn ông và tóm tắt phần đã đọc cho ông nghe".

"Con thấy hay không?". Ông hỏi.

"Dạ, hay ông nội ạ".

Con trả lời rồi lại cắm cúi đọc tiếp. Thấy vậy ông lấy tài liệu trong cặp ra xem và không hỏi thêm gì nữa.

Ông nội ơi bây giờ nhớ lại con thấy ân hận vì vô tình mà con không nhận ra rằng chỉ vì vui thích thế giới riêng của mình, mà con đã bỏ qua những phút giây hiếm hoi gần gũi trò chuyện với ông. Lúc đó, con chỉ nghĩ do khoảng cách tuổi tác giữa ông và cháu làm cho ông cháu mình “chưa vặn đúng tần số” mà thôi, nhưng con luôn biết ông nội thương con nhiều lắm.

Rồi con đi học xa nhà. Cuộc sống tự lực, cần nhiều bươn chải, việc gì cũng phải tự suy nghĩ, ứng xử nên con đã trưởng thành hơn. Con nhớ mãi cuối năm 2006, con về thăm ông. Khi ông đi thăm bà con ở các tỉnh, huyện duyên hải miền Nam sau cơn bão dữ tàn phá, ông gọi con đi theo, ông muốn cho con hiểu hơn về đồng bào mình. Trên xe, hai ông cháu nói chuyện huyên thuyên về cuộc sống xa nhà của con. Ông hỏi rất chi tiết cuộc sống sinh hoạt của con ở nơi đó có gì vui, có gì khó khăn, học hành, bạn bè thế nào. Rồi ông kể chuyện con nghe về gia đình, đất nước vào thời gian con xa nhà.

Nhìn ông đi thăm hỏi bà con, con cảm thấy tự hào và vui trong bụng. Tự hào vì thấy ông mình lớn tuổi mà còn đi xa thế thăm hỏi người gặp nạn, và vui không những vì con may mắn là cháu của ông, mà vui thích hơn là hai ông cháu như một cặp trò chuyện ăn ý, có thể nói đủ mọi chuyện mãi không thôi.

Những ngày sau đó, con thường xuyên qua nhà ông ngồi nói chuyện hàng giờ quên cả nghỉ trưa... Ông nói: “Lâu rồi không gặp, Trung Hiệp, giờ khác trước nhiều lắm rồi, nói có hiểu biết lắm và hoạt bát hơn rồi”. Con cũng rất vui mừng nhưng cũng tiếc rằng chuyến về lần đó quá ngắn. Ông dặn con phải cố gắng học hành, mà phải học cái gì mà giúp ích được cho đất nước. Ông còn chỉ dẫn con với những kinh nghiệm ông đã biết được. Thời gian bên ông lúc đó để lại trong con bao điều đáng nhớ, những hình ảnh ấn tượng nhất của con về ông lần về thăm nhà ấy.

Nhớ nhất bữa hai ông cháu mình đi đảo khỉ ở Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh, có một chú kia thấy con cứ đứng kề sát ông hoài nên hỏi “Anh là vệ sĩ mới của bác Sáu à?”. Con chỉ gật đầu, mỉm cười vì cái ý nghĩ thú vị được đi bên như vệ sĩ của ông khi ông đi làm việc, nếu thật là thế thì chắc chắn có nhiều thời gian được nói chuyện với ông, con sẽ được học thêm bao nhiêu điều thú vị, bổ ích.

Điều tiếc nhất lần về đó, là con không thể đi với ông thăm con đường Trường Sơn. Lúc đó, cả ông và cháu mình đều mong muốn đi lắm đó, nhưng vì sức khỏe của ông nên đành tạm hoãn. Con tính lần về sau, sẽ đi với ông. Trước mấy ngày con trở lại trường học ông nhờ thợ đo may cho con bộ veston thật vừa thật đẹp, lại tặng cho con cả đôi giày và caravat nữa chứ. Ông cười nói “Để khi nào nhận bằng tốt nghiệp đại học hãy mặc bộ này”.

Chỉ 5 tháng sau đó hãnh diện trong bộ veston mới toanh ấy bước lên bục giảng đường trường đại học ở California con nhận hai bằng cử nhân Hóa học và Sinh học loại ưu. Mãi cho đến bây giờ con thường đứng im và lặng người đi khi thấy trong mỗi kỷ vật như vẫn còn đây với nguyên hơi ấm của ông.

Phan Võ Hiệp/NXB Trẻ

SÁCH HAY