Theo một dự thảo báo cáo của các nhà khoa học thuộc Cục Công viên Quốc gia Mỹ (NPS), vụ cháy rừng lớn có tên Castle Fire ở bang California đã thiêu rụi 10% số lượng cây cự sam (sequoias) khổng lồ trên toàn thế giới.
Từ tháng 8 đến tháng 12/2020, vụ cháy rừng khủng khiếp tại Công viên Quốc gia Sequoia đã thiêu cháy hàng nghìn cây gỗ đỏ và cự sam cổ thụ. Đây là một trong những loại cây lớn nhất thế giới, theo Guardian.
Cây cự sam khổng lồ xuất hiện ở một phạm vi nhỏ thuộc sườn phía tây của dãy núi Sierra Nevada, California.
Cây cự sam và gỗ đỏ tại California, Mỹ. Ảnh: Alarmy. |
Vào thời điểm ngọn lửa được khống chế, khoảng 71.000 ha rừng đã bị thiêu rụi. Các nhà khoa học ước tính từ 7.500 đến 10.000 cây cự sam trưởng thành đã biến mất. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh vệ tinh và mô hình hóa các đám cháy để tìm ra số liệu.
“Tôi không thể tưởng tượng nổi. Những cái cây này đã sống hàng nghìn năm. Chúng đã sống sót qua hàng chục vụ cháy rừng”, Christy Brigham, giám đốc quản lý tài nguyên và khoa học tại các công viên quốc gia Sequoia và Kings Canyon, cho biết.
Theo Visalia Times Delta, việc mất một số lượng lớn cây cự sam khổng lồ có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Những khu rừng già có hiệu quả rất cao trong việc loại bỏ và lưu trữ CO2 trong khí quyển. Các lùm cây cung cấp môi trường sống quan trọng cho động vật hoang dã bản địa.
Ngoài ra, chúng giúp bảo vệ lưu vực sông của cộng đồng nông dân sống trong thung lũng San Joaquin.
Trong những tháng gần đây, các nhà nghiên cứu của NPS đã tới các khu vực cháy rừng để khảo sát thiệt hại. Đầu tháng 5, một số nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một thân cây cự sam vẫn còn cháy âm ỉ mặc dù đám cháy rừng đã được ngăn chặn và một mùa đông mưa tuyết đã trôi qua.
Trong Vườn Quốc gia Sequoia, hầu hết cây cự sam đều đã sống sót sau các đám cháy rừng trong nhiều thiên niên kỷ. Cây cự sam có nhiều cách khác nhau để thích nghi với cháy rừng do vỏ cây có khả năng chống cháy. Thậm chí chúng còn phụ thuộc vào các vụ cháy rừng cường độ thấp để giải phóng hạt giống.
Cây cự sam có tuổi thọ lâu đời nhất dựa trên số vòng gỗ là 3.500 năm tuổi. Chúng nằm trong số những sinh vật sống lâu đời nhất trên Trái Đất.
Tuy nhiên, hạn hán do biến đổi khí hậu đã làm thay đổi bản chất của các đám cháy ở miền nam Sierra, đe dọa đến sự sống còn của các khu rừng.
Cô Brigham cảnh báo rằng đây mới chỉ là những con số sơ bộ và bài nghiên cứu vẫn chưa được kiểm duyệt bởi hội đồng chuyên gia. Bắt đầu từ tuần tới, các nhà khoa học sẽ lần đầu tiên khảo sát những lùm cây cự sam bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hỏa hoạn.
"Tôi vẫn hy vọng rằng tình hình sẽ không tồi tệ như vậy. Tuy nhiên, đó chỉ là hy vọng, không phải khoa học”, cô nói.