Vào hôm 27/5, Ủy ban Giám sát Điện lực (CMSE) đã khuyến nghị Cơ quan Nước Quốc gia Brazil công nhận tình trạng "khan hiếm nước", sau khi đợt hạn hán kéo dài ở miền Trung và miền Nam nước này, dọc lưu vực sông Paraná, Reuters đưa tin.
Cơ quan giám sát thời tiết thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil cũng đã ban hành "cảnh báo hạn hán khẩn cấp" từ tháng 6 đến tháng 9. Cơ quan này cho biết tình trạng ít mưa có khả năng vẫn xảy ra ở 5 bang của Brazil trong thời gian trên.
Bộ Mỏ và Năng lượng cũng thông báo tình trạng khô hạn sẽ còn kéo dài trong những tháng tới, đặc biệt là ở các khu vực đông nam và trung tâm phía tây Brazil.
Brazil đối mặt với nạn hạn hán tồi tệ nhất trong 91 năm. Ảnh: Reuters. |
Việc thiếu mưa tại Brazil đã tác động tiêu cực đến việc trồng trọt ngũ cốc và chăn nuôi. Sản xuất điện tại Brazil cũng gặp khó khăn vì đa số sản lượng điện của nước này được tạo ra từ các nhà máy thủy điện.
Bộ Mỏ và Năng lượng Brazil cho biết họ đang nỗ lực tìm kiếm để mở rộng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao ở Brazil trong mùa hè sắp tới.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cho hay thời tiết khô hạn có thể dẫn đến những đám cháy nghiêm trọng ở rừng nhiệt đới Amazon và vùng đầm lầy Pantanal.
Nạn hạn hán cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất đường và cà phê của Brazil, nhà cung cấp hàng đầu của thế giới.
Điều này đã đẩy giá các sản phẩm này lên cao. Giá cà phê khi thanh toán giao hàng đã chạm mức cao nhất trong 4 năm rưỡi vào hôm 28/5.
Nguyên nhân xuất phát từ việc các thương nhân lo ngại thời tiết ở Minas Gerais, Brazil có thể ảnh hưởng đến vụ cà phê 2022.