Việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan về khu vực Lăng Thủy, đảo Hải Nam được xem là động thái bất ngờ, bởi theo kế hoạch mà phía Bắc Kinh thông báo trước đó, họ dự tính di dời giàn khoan vào giữa tháng 8.
Tàu tuần duyên của Trung Quốc lượn quanh khu vực giàn khoan trái phép. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Trong cuộc trao đổi với Reuters, một chuyên gia năng lượng của Trung Quốc cho hay việc di dời đơn giản là Bắc Kinh đã hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn do điều kiện thời tiết thuận lợi trong vòng hai tháng qua.
Trong khi đó, New York Times dẫn lời bà Bonnie Glaser - chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington - cho rằng, có thể Bắc Kinh chuyển giàn khoan sớm nhằm "giữ thể diện sau hai tháng đối đầu căng thẳng với Việt Nam".
Còn theo ông Carl Thayer, chuyên gia phân tích hàng đầu về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Australia, động thái di dời giàn khoan Hải Dương 981 một phần liên quan tới thời tiết, song nó cũng ẩn chứa những toan tính về mặt chính trị.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Australia. |
Một giả thiết khác Reuters đưa ra để lý giải động thái của Trung Quốc là Bắc Kinh đã đối diện với sự phản đối gay gắt từ dư luận trong nước.
Trên những diễn đàn lớn của quốc gia này như Sohu, Weibo, Sina, cộng đồng mạng Trung Quốc tỏ rõ quan điểm yêu chuộng hòa bình và dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ.
"Chúng ta đang giống như cướp biển. Tôi xấu hổ vì là người Trung Quốc. Trong khi bạo động trong nước đang khiến dân chúng lo lắng, chính quyền lại gây hấn với quốc gia khác", bạn đọc Jiubannongju chia sẻ. Một người mang tên Zhengzong Wupo lập luận: "Đối với chủ quyền Biển Đông, các bên đều có lý lẽ riêng. Chúng ta vạch ra đường 9 đoạn đến trước cổng nhà người khác, xem ra thật quá đáng".
Trong khi đó, trang The Diplomat cho hay nhiều khả năng Trung Quốc chỉ đơn giản tính toán rằng họ sẽ không thu lợi ích từ việc đặt Hải Dương 981 cố định tại một vị trí, đặc biệt khi so sánh với khả năng di động của nó, nên đã quyết định dịch chuyển giàn khoan khổng lồ.
Tuy nhiên, tạp chí cũng nhấn mạnh, bằng việc phát thông báo rằng Hải Dương 981 đã phát hiện dầu khí tại vị trí mà nó hoạt động, Trung Quốc sẽ có cớ để kéo giàn khoan trở lại khu vực vào mọi thời điểm. Ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã khẳng định với giới báo chí hôm 16/7 rằng, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sẽ nghiên cứu dữ liệu và "vạch kế hoạch cụ thể trong các bước tiếp theo".
Khi trả lời phỏng vấn tờ VOA, ông Dương Danh Dy, cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, nhấn mạnh Việt Nam sẽ không bao giờ chịu nhượng bộ về vấn đề chủ quyền mà chỉ tìm cách giải quyết tranh chấp theo phương thức hòa bình với Bắc Kinh.
"Mọi chuyện chưa kết thúc. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các hành vi khiêu khích khác", ông Dy nhận định.