"Vụ giàn khoan đã nêu bật tính cần thiết của việc các bên cần làm rõ những tuyên bố chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế, nhằm đạt sự hiểu biết chung về hành vi và các hoạt động phù hợp trong vùng biển tranh chấp", VOA dẫn lời bà Jen Psaki, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, trong cuộc họp báo hôm qua.
Mỹ từng chỉ trích giàn khoan là một phần trong chủ trương đòi chủ quyền theo cách đe dọa hòa bình và ổn định khu vực mà Trung Quốc theo đuổi. Theo ông Carl Thayer, chuyên gia phân tích hàng đầu về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Australia, việc Trung Quốc rời giàn khoan Hải Dương 981 một phần liên quan tới thời tiết, song nó cũng ẩn chứa những toan tính về mặt chính trị.
Giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Theo Tân Hoa Xã, giàn khoan Hải Dương 981 do Trung Quốc triển khai trái phép để thăm dò tài nguyên ở vùng biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa đã kết thúc nhiệm vụ vào ngày 15/7. Công ty TNHH Dịch vụ dầu mỏ trên biển Trung Quốc (COSL), đơn vị vận hành Hải Dương 981, sẽ đưa nó về khu vực Lăng Thủy, đảo Hải Nam.
Ông Wang Zhen, Phó giám đốc Văn phòng nghiên cứu chính sách của tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), nói với Tân Hoa Xã rằng các phân tích sơ bộ về dữ liệu địa chất cho thấy những điều kiện cơ bản và khả năng để khai thác dầu khí tại khu vực mà Hải Dương 981 hoạt động. Tuy nhiên, thử nghiệm khai thác chỉ có thể diễn ra sau khi quá trình đánh giá toàn diện các dữ liệu hoàn tất. Yếu tố thời tiết cũng là nguyên nhân CNPC chưa thử nghiệm khai thác, do tháng 7 là lúc mùa mưa bão bắt đầu.
Tân Hoa Xã dẫn lời một chuyên gia địa chất dầu khí thuộc Viện Kỹ thuật Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh rút giàn khoan để bảo vệ an toàn tính mạng cho công nhân Trung Quốc đang làm việc trên giàn khoan, cũng như trang thiết bị của nó trong thời điểm mùa bão đang bắt đầu ở Biển Đông.