Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có thể cơ trưởng MH370 đã cố cứu máy bay

Một cựu phi công Mỹ cho rằng cơ trưởng trên chuyến bay MH 370 đã cố gắng lái phi cơ tới một sân bay tại Malaysia sau khi lốp của nó bốc cháy.

Chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay MH 370 của Malaysia Airlines đã bước sang ngày thứ 11. Người ta cũng đã đưa ra rất nhiều giả thuyết về vị trí mất tích của chiếc máy bay. Tờ Bussiness Insider công bố giả thuyết của Chris Goodfellow, một cựu phi công Mỹ, về sự biến mất bí ẩn của MH 370. Vài ngày trước, Chris đã nêu giả thuyết của ông trên Google+.

Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah chụp ảnh cùng mô hình bay giả lập bay của phi cơ Boeing 777 tại nhà riêng. Ảnh: Facebook

Goodfellow dựa trên thông tin quan trọng là vị trí máy bay tín hiệu cuối cùng cách rất xa vị trí nó liên lạc lần cuối với trạm kiểm soát không lưu dân sự ở ngoài khơi bờ biển phía đông Malaysia. Theo Goodfellow, những sự cố sau đây có thể xảy ra với chiếc máy bay, đặc biệt trong khoang lái.

Ngay sau khi phi cơ Boeing 777 cất cánh, một bánh trước của nó bốc cháy. Lúc phi cơ bay qua Biển Đông, khói bắt đầu tràn vào khoang lái. Ngay lập tức cơ trưởng tìm kiếm sân bay gần nhất và lái máy bay về nơi có thế hạ cánh. Sân bay thích hợp nhất lúc ấy là Langkawi, bang Kedah, Malaysiam bởi đường băng ở đó có chiều dài 3810 m. 

Sau đó, phi cơ trưởng lập trình điểm đến của máy bay vào hệ thống máy tính. Chế độ lái tự động chuyển hướng máy bay sang phía tây, theo đúng quy trình để máy bay có thể hạ cánh xuống đường băng định sẵn.

Đồ họa cho thấy cơ trưởng MH 370 đã chuyển hướng máy bay tới sân bay Langkawi sau khi xảy ra sự cố ở khoang lái. Ảnh: Malaysian Insider.

Phi công không xem xét khả năng quay lại sân bay quốc tế Kualar Lumpur vì máy bay sẽ phải vượt qua một dãy núi. Bên cạnh đó, cơ trưởng biết rõ đoạn đường tới sân bay quốc tế Langkawi ngắn và ít chướng ngại vật hơn. Ông cùng phi hành đoàn cố tìm ra nguyên nhân xuất hiện khói trong buồng lái. Tuy nhiên, đám khói đã tràn sâu vào khoang lái. Chúng có thể ngắt mạch từng hệ thống tín hiệu, gồm cả bộ phát tín hiệu tự động. Hai phi công có thể bất tỉnh hoặc chết ngay sau đó. Chiếc máy bay vẫn tiếp tục bay theo lộ trình mà cơ trưởng lập trong máy tính. 6 tới 7 tiếng sau, máy bay mới hết nhiên liệu và lao xuống biển Ấn Độ Dương.

Malaysia Insider dẫn lời ông Goodfellow cho biết, có lẽ cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah đã làm tất cả những việc đúng đắn. 

“Nếu giả thuyết của tôi đúng thì cơ trưởng MH370 là một anh hùng, người đã vật lộn với tình huống bất khả kháng trong nỗ lực đưa máy bay tới sân bay Langkawi. Thật ngạc nhiên khi không ai trong số các phóng viên, giới chức hoặc các phi công khác chú ý tới suy nghĩ của cơ trưởng. Nếu sự cố xảy ra với máy bay, ông ấy sẽ xử lý ra sao? Nhờ vào Google Earth (một phần mềm mô phỏng quả địa cầu), tôi phát hiện ra sân bay Langkawi và chú ý tới độ dài đường băng ở đó. Theo bản năng, tôi tin rằng cơ trưởng của MH 370 cũng sẽ lưu tâm tới sân bay này”, ông nói.

Theo Business Insider, giả thuyết của Goodfellow đã lý giải về sự chuyển hướng của máy bay cũng như tín hiệu mà một vệ tinh nhận được từ nó sau khi mất tích.

 

 

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm