Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các loại kháng thể giúp con người chống lại virus SARS-CoV-2 luôn là tâm điểm chú ý và được coi là tấm khiên bảo vệ con người trước dịch bệnh.
Nhưng thực tế, phản ứng chống lại virus SARS-CoV-2 của cơ thể con người là "một bộ máy phức tạp và đồng bộ", với sự tham gia của nhiều bộ phận và hệ tế bào, nhà khoa học Roger Shapiro, chuyên gia miễn dịch Đại học Harvard, cho biết, theo AFP.
Cơ chế phòng vệ của cơ thể người
Những tuần gần đây, quan tâm của dư luận dành cho kháng thể trở nên nóng hơn, khi một số nghiên cứu cho thấy các loại vaccine Covid-19 không tạo ra nhiều kháng thể ngăn ngừa biến chủng Omicron so với đối phó các biến chủng cũ như Alpha hay Delta.
Kháng thể được cơ thể tạo ra thông qua hai con đường, hoặc nhờ tiêm chủng các loại vaccine, hoặc qua lây nhiễm tự nhiên.
Virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể người nhờ một gai protein trên bề mặt virus. Đây là bộ phận mà các kháng thể tập trung tấn công, từ đó vô hiệu hóa khả năng xâm nhập tế bào vật chủ của virus SARS-CoV-2.
Nhưng kháng thể không phải những nhân tố duy nhất đóng góp vào hoạt động của hệ miễn dịch phức tạp của con người.
Virus SARS-CoV-2. Ảnh: AFP. |
Khi virus bắt đầu xâm nhập cơ thể người, trong khoảng thời gian từ vài phút tới vài giờ, các protein cảnh báo sẽ gửi đi thông tin báo động kích hoạt hoạt động của hệ miễn dịch tự nhiên, huy động các tế bào bạch cầu để ngăn chặn mầm bệnh.
Những tế bào phòng vệ đầu tiên được sản sinh tại nơi xảy ra sự lây nhiễm là bạch cầu trung tính, chiếm 50-70% tế bào bạch cầu của cơ thể. Tuy nhiên, các tế bào bạch cầu trung tính có sức chiến đấu thấp và nhanh chóng biến mất.
Các loại tế bào bạch cầu khác sau đó tham gia vào quá trình tiêu diệt mầm bệnh ngoại lai như đại thực bào và bạch cầu ái toan.
"Cơ thể huy động lượng lớn tế bào bạch cầu tại khu vực mầm bệnh xâm nhập nhằm tiêu diệt mầm bệnh ngoại lai nhiều nhất có thể", John Wherry, chuyên gia về miễn dịch Đại học Pennsylvania, cho biết.
Cơ chế phản ứng dựa vào tế bào bạch cầu là lớp phòng vệ đầu tiên của cơ thể nhằm kéo dài thời gian để các bộ phận khác trong hệ miễn dịch sản sinh ra những loại tế bào ứng phó hiệu quả với mầm bệnh, theo giáo sư Wherry.
Lớp phòng vệ cuối cùng
Nếu mầm bệnh ngoại lai không bị tiêu diệt trong đợt "đánh bom rải thảm" tế bào bạch cầu đầu tiên, hệ miễn dịch "thích ứng" sẽ bắt đầu hoạt động.
Trong vòng vài ngày sau khi cơ thể nhiễm bệnh, tế bào nhận diện lympho B phát hiện ra mầm bệnh và bắt đầu sản sinh ra kháng thể.
Với người đã chủng ngừa, vaccine được tiêm trước đó đóng vai trò huấn luyện tế bào B - chủ yếu nằm ở các hạch bạch huyết gần vị trí tiêm - sẵn sàng phản ứng khi đối mặt mầm bệnh thực sự.
Loại kháng thể hoạt động hiệu quả nhất là kháng thể "trung hòa". Cơ chế hoạt động của loại kháng thể này giống như bã kẹo cao su gắn vào các "chìa khóa" là gai protein của virus, ngăn virus mở khóa xâm nhập tế bào.
Những loại kháng thể khác với khả năng bám dính thấp hơn làm chậm bước tiến của virus, hoặc kéo virus về phía các tế bào miễn dịch, nâng cao hiệu quả phản ứng phòng vệ nói chung.
Ảnh mô phỏng kháng thể tấn công virus. Ảnh: Đại học Brunel. |
Đối tác của tế bào lympho B là tế bào lympho T. Tế bào lympho T chia thành hai loại gồm hỗ trợ và sát thủ.
"Tế bào T sát thủ sẽ tấn công các tế bào nhiễm bệnh", giáo sư Roger Shapiro của Đại học Harvard giải thích.
Suốt quá trình tiêu diệt các tế bào nhiễm bệnh, tế bào T cũng sẽ gây tổn thương không mong muốn cho cơ thể.
Trong khi đó, các tế bào T hỗ trợ sẽ điều phối hoạt động của các tế bào miễn dịch, đồng thời kích thích tế bào lympho B sản sinh thêm nhiều kháng thể.
Bởi có đột biến mạnh ở gai protein, biến chủng Omicron có lẽ mang theo khả năng lẩn tránh các kháng thể trung hòa tạo ra nhờ tiêm chủng hoặc lây nhiễm tự nhiên. Điều này đồng nghĩa rủi ro con người lây nhiễm biến chủng Omicron cao hơn so với các chủng virus trước đây.
Tuy nhiên, các tế bào T không dễ dàng bị biến chủng mới qua mặt như kháng thể. Theo giáo sư Wherry, trong quá trình virus tự nhân bản bên trong cơ thể người, tế bào T có khả năng nhận ra các bộ phận cấu thành của virus.
Tế bào T có khả năng phát hiện các dấu hiệu đặc trưng của virus mà chúng từng đối mặt trước đây, ngay cả khi virus đã có những đột biến.
Tế bào T sát thủ có nhiệm vụ tìm và diệt tế bào nhiễm bệnh. Chúng chọc thủng tế bào nhiễm bệnh, kích hoạt các phản ứng để tạo ra protein gây viêm có tên cytokine nhằm tiêu diệt virus.
Tùy vào tốc độ phản ứng của hệ miễn dịch, người đã tiêm đủ liều vaccine khi nhiễm virus nhiều khả năng chỉ trải qua triệu chứng nhẹ như cảm lạnh, hoặc triệu chứng trung bình như cúm. Nguy cơ mắc bệnh nặng ở nhóm này được chứng minh là rất thấp.
Với người đã tiêm mũi vaccine tăng cường, quá trình sản xuất tất cả các loại kháng thể được kích thích. Mũi vaccine bổ sung cũng tăng cường hơn nữa hoạt động của các tế bào B và T.
"Omicron là biến chủng đáng lo ngại, nhưng nó sẽ không thể hoàn toàn qua mặt phản ứng của hệ miễn dịch", giáo sư Wherry cho biết.